Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, “cửa an toàn” của Hà Nội ngày càng hẹp hơn

Ngọc Mai| 25/03/2020 21:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc họp chiều ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định, đến thời điểm này, tại Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, các ổ dịch tiềm tàng đang phát triển và “cửa an toàn” ngày càng hẹp hơn.

Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, “cửa an toàn” của Hà Nội ngày càng hẹp hơn

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Hà Nội hiện nay có 4 nguồn lây nhiễm lớn

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Hà Nội hiện nay có 4 nguồn lây nhiễm lớn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP nêu tình hình phức tạp trên thế giới với số ca dương tính với Covid -19 tăng nhanh; nhiều nước đã có những biện pháp mạnh chưa có tiền lệ. Tại Việt Nam đã có 21 tỉnh TP có ca nhiễm Covid -19; nguy cơ lây nhiễm trong nội địa Việt Nam đang cao; đã có những ổ dịch diễn biến phức tạp như quán bar ở TP Hồ Chí Minh; Bình Thuận; bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. ..“Chúng ta đang phải đối phó với nguồn lây nhiễm ở rất nhiều nước”, Chủ tịch UBND TP nêu thêm.

Chủ tịch UBND TP đánh giá, đến thời điểm này, tại Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, các ổ dịch tiềm tàng đang phát triển và “cửa an toàn” ngày càng hẹp hơn. “Trên đường vẫn có nhiều người không đeo khẩu trang; vẫn tụ tập đi lễ; tụ tập uống cà phê. Vẫn còn hội thảo; có quan bar vẫn hoạt động…”, Chủ tịch UBND TP lý giải một phần nguyên nhân.

Theo Chủ tịch UBND TP, Hà Nội hiện nay có 4 nguồn lây nhiễm lớn: Thứ nhất, nguồn lây nhiễm chéo từ ổ dịch bệnh viện Bạch Mai. Thứ hai, nguồn lây nhiễm từ khách du lịch và người Việt Nam trở về nước trước 0h ngày 14/3, trước 0h ngày 18/3 và trước 0h ngày 21/3. Thứ ba, nguồn lây nhiễm từ những bệnh nhân đi trong nước nhưng chưa bùng phát. Thứ tư, nguồn lây từ nguồn y tá bác sĩ tham gia vào quy trình khám chữa bệnh và tổ chức cách ly mà hiện nay chưa được phát hiện.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, việc lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai có cả 2 yếu tố: như trường hợp bệnh nhân số 86 là điều dưỡng viên của Trung tâm Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai lây nhiễm chéo cho BN 87 và con gái. Bên cạnh đó, phát hiện bệnh nhân số 113 ở Lai Châu chưa biết nguồn lây từ đâu nhưng đã dương tính vào điều trị tại Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai sau khi về Lai Châu được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính. Đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã đồng loạt lấy mẫu của các bệnh nhân khoa Thần Kinh, khoa Tim Mạch và Trung tâm Nhiệt đới. Bạch Mai có 150 y tá, điều dưỡng cách ly lấy mẫu xét nghiệm, bước 1 âm tính. Tuy nhiên, tại khoa Thần Kinh phát hiện thêm 1 bệnh nhân 88 tuổi nằm cùng bệnh nhân 113 (ở Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và con dâu 63 tuổi ở Thượng Thanh, Long Biên đến thăm cũng dương tính và hiện còn chờ các kết quả đêm nay.

Tại bệnh viện này có đầy đủ yếu tố bệnh nhân già, đông người qua lại trong 15 ngày vừa qua. Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tại bệnh viện này nếu như những ngày bình thường có khoảng 6.000-8.000 người qua lại, những ngày qua giảm 50%.

Ngoài ra, trong một hai ngày gần đây, TP cũng phát hiện trường hợp 2 công dân người Đan Mạch đến Hà Nội ngày 8/3, sau đó đi Huế, Đà Nẵng, quay lại Hà Nội ngày 22/3 ở tại quận Hoàn Kiếm và đi một số nơi đến chiều 24/3,  tự vào Viện Nhi Trung ương lấy mẫu xét nghiệm dương tính.

Chỉ rõ ưu điểm là tỷ lệ đeo khẩu trang của người dân ở Việt Nam cao hơn các nước nhưng nhược điểm chúng ta đi lại, tụ tập nhiều hơn, không loại trừ sắp tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Dù cánh cửa an toàn còn hẹp nhưng chúng ta vẫn trong thời gian vàng và còn cơ hội nếu người dân đồng lòng, ở nhà vì chính mình, gia đình và xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu vẫn cứ tụ tập đông người, vẫn không đeo khẩu trang dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong thời gian ngắn”.

Tạm dừng hoạt động đối với những cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu

Từ những đánh giá, nhận định trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, với tình hình dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Hà Nội, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm rộng rãi để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có thể thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được 3.000-5.000 mẫu/ngày, đây là biện pháp quan trọng để thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly sớm nhằm điều trị, chữa bệnh sớm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu những công việc, nhiệm vụ cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tạm dừng hoạt động đối với những cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, cà phê, trung tâm thể thao..., trước mắt đến hết ngày 5-4.

Bộ Tư lệnh Thủ đô phải yêu cầu các khu cách ly tập trung kiên quyết không tiếp nhận, vận chuyển đồ tiếp tế của người nhà những người đang thực hiện cách ly, bởi việc tập trung đông người là mối nguy cơ lây lan dịch. Công an thành phố phải có khu giam riêng đối với những đối tượng bị bắt giam mới.

Các bệnh viện cần hướng dẫn và chuẩn bị tinh thần làm việc cho các y, bác sĩ, thực hiện đúng quy trình làm việc, có thể sẽ phải cách ly lâu dài tại các bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo từ đội ngũ y, bác sĩ. Đồng thời, các bệnh viện phải cập nhật phác đồ điều trị để mang lại hiệu quả cao trong việc chữa trị cho các ca bệnh.

Các trường hợp đi từ vùng dịch về, đi du lịch từ các tỉnh, thành phố có dịch hoặc trên các chuyến bay có người bị nhiễm Covid-19 phải khẩn trương khai báo với cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện nghiêm túc tự cách ly tại nhà.

Đối với những trường hợp bỏ trốn khi thực hiện cách ly, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương xử phạt nghiêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu và khuyến cáo công dân trên địa bàn thành phố ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách an toàn với người khác từ 2-3m; hạn chế đi lại bằng phương tiện công cộng. Thành phố đã quyết định chỉ duy trì 20% công suất xe buýt phục vụ cho việc đi lại khi cần thiết.

Các đơn vị, cơ quan hạn chế tổ chức hội họp, khuyến khích làm việc trực tuyến. Với các đơn vị phải làm việc trực tiếp tại trụ sở thì bắt buộc phải có các biện pháp phòng, chống dịch, như thực hiện đo thân nhiệt cho cán bộ, nhân viên; tiến hành khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên nơi làm việc...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, “cửa an toàn” của Hà Nội ngày càng hẹp hơn