Chỉ sau hơn 2 tuần, tính đến ngày 1/6, số người nhiễm MERS ở Hàn Quốc lên tới 15 người. Trung Quốc cũng vừa ghi nhận ca mắc đầu tiên. Như vậy, đến nay, MERS đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới với 1.154 trường hợp nhiễm và 434 người tử vong.
Loại virus này được các chuyên gia đánh giá nguy hiểm không kém dịch SARS năm 2003 khiến hơn 800 người tử vong. Một vấn đề khó khăn trong việc chẩn đoán và phát hiện ca bệnh là thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 - 14 ngày và không có triệu chứng đặc biệt.
Virus này lây truyền từ người sang người và nguy cơ lây lan tới Việt Nam là rất cao, đây là nhận định của Bộ Y tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS diễn ra sáng nay (2/6) tại Hà Nội.
Mặc dù đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh MERS nào. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo Bộ Y tế cần chú ý và tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc khi bệnh nhiễm MERS đã khám tại 4 cơ sở y tế mới được chẩn đoán mắc bệnh, Bộ Y tế đã triển khai kiểm tra thân nhiệt và tờ khai hải quan tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu là việc làm cần thiết để phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh
Bắt đầu từ ngày hôm nay (2/6), các chuyến bay từ Hàn Quốc và Bahrain cũng phải áp dụng kiểm dịch y tế như các chuyến bay từ Trung Đông về Việt Nam.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh MERS, vấn đề là cần phát hiện ca bệnh đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam để cách ly và xử trí kịp thời. Các phòng thí nghiệm của Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm bệnh MERS.
MERS-CoV là hội chứng hô hấp vùng Trung Đông do virus corona và lần đầu tiên được phát hiện tại Saudi Arabia vào tháng 9/2012. Nguồn lây và đường truyền được xác định là từ dơi và lạc đà. Những người tiếp xúc, chăm sóc và chế biến thịt lạc đà đã bị lây nhiễm virus MERS - CoV. Một vấn đề khó khăn trong việc chẩn đoán và phát hiện ca bệnh là, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 - 14 ngày và không có triệu chứng đặc biệt.