Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang được “tiếp sức”, mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ nguồn vốn hỗ trợ thiết thực từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Chương trình cho vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện Thạch Thành, hướng đến các gia đình không thuộc diện hộ nghèo nhưng đang sinh sống và sản xuất, kinh doanh tại các vùng còn nhiều khó khăn, đã trở thành một "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương trong việc thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tạo thêm nhiều việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thành. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Bà Đặng Thị Nương ở thôn Đồng Phú, xã Thành Tân (huyện Thạch Thành) chia sẻ: Gần 10 năm trước, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH. Bước sang năm 2023, dù đã thoát khỏi diện nghèo, gia đình tôi vẫn tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với số tiền đó, tôi đầu tư mua 6 con bò. Chỉ sau hơn 2 năm, đàn bò đã phát triển lên 10 con. Từ việc bán bò, gia đình tôi có thêm vốn để đầu tư thâm canh diện tích trồng rừng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định hơn nhiều, kinh tế phát triển, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.
Câu chuyện của gia đình bà Nương không phải là cá biệt. Trong suốt thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên khắp huyện Thạch Thành đã được tiếp cận nguồn vốn quý giá từ chương trình này để đầu tư vào vật tư, thiết bị, phương tiện sản xuất; mua sắm giống cây trồng, vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng kinh doanh; cũng như xây dựng và cải tạo các trang trại chăn nuôi. Từ đó, nhiều mô hình làm giàu hiệu quả đã xuất hiện, từ phát triển kinh tế rừng, trồng trọt, chăn nuôi đến phát triển các ngành nghề đa dạng. Chính nguồn vốn này đã góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình tại những vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Quốc Phương, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Thành cho biết, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, NHCSXH luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác để tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình; hướng dẫn người dân về thủ tục, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức vay, thời hạn và lãi suất.
Đặc biệt, toàn bộ quy trình cho vay, thu nợ, thu lãi và thu tiết kiệm đều được thực hiện ngay tại trụ sở UBND các xã, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và có ý thức trả nợ gốc đầy đủ. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân", ông Phương nhấn mạnh.
Đáng chú ý, từ mức cho vay ban đầu chỉ 30 triệu đồng/hộ, đến cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/người đối với chương trình này. Quyết định này đã tạo thêm động lực mạnh mẽ, giúp các hộ dân mạnh dạn hơn trong việc vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và tạo tiền đề cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn vùng khó khăn.
Tính đến trung tuần tháng 5/2025, toàn huyện Thạch Thành có 1.524 hộ gia đình đang sử dụng vốn từ chương trình này với tổng dư nợ đạt trên 87,7 tỷ đồng.
Hiệu quả từ việc triển khai nguồn vốn tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn một lần nữa khẳng định tính đúng đắn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Đây thực sự là động lực quan trọng để người dân vùng khó khăn mạnh dạn thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.