Nhờ được tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Hải Dương, mà nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, một số trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù sớm hoà nhập cộng đồng, chú tâm phát triển kinh tế, "làm lại cuộc đời".
Vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
Trước khi tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Miện, gia đình anh Vũ Văn Phương (SN 1989), chị Vũ Thị Loan (SN 2000), trú tại thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương chăn nuôi gia cầm mô hình nhỏ nên kinh tế gặp nhiều khó khăn khi bố mẹ già, các con đang trong độ tuổi đi học.
Tuy nhiên, sau khi được vay vốn lãi suất ưu đãi từ NHCSXH, gia đình anh Phương, chị Loan mạnh dạn mở rộng trang trại chăn nuôi vịt đẻ, ấp trứng, cung cấp trứng và con giống trên địa bàn xã và các tỉnh lân cận.
Chị Loan cho biết, nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Thanh Miện, gia đình chị đã quyết tâm mở rộng quy mô chăn nuôi sản xuất, tạo việc làm cho các thành viên trong hộ gia đình.
Hiện, doanh thu từ trang trại nuôi vịt của gia đình đạt 7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí vẫn thu lời khoảng 1 tỷ đồng/năm. “Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH, từ một hộ gia đình khó khăn, chúng tôi đã vươn lên thoát nghèo rồi trở thành hộ có kinh tế vững vàng ”, chị Vũ Thị Loan phấn khởi.
Theo chị Loan, gia đình vay vốn NHCSXH từ năm 2021 đến nay, gói vay chương trình tạo việc làm lãi suất ưu đãi 7,92%/năm. Nếu được vay vốn nhiều hơn, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.
Anh Hoàng Văn Thảnh (SN 1985, thôn Nam Cầu 1, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) vay vốn của NHCSXH huyện Gia Lộc 100 triệu đồng để làm kinh tế nông nghiệp. Nhưng cơn bão số 3 năm ngoái đã làm hỏng 2.000m2 nhà lưới trồng dưa của anh gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.
Theo anh Thảnh, với tổng diện tích 3.600m2 trồng dưa, mỗi năm, gia đình anh trồng 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột. Doanh thu trung bình khoảng 210 triệu đồng/vụ, trừ các chi phí thì lợi nhuận vẫn lãi trên dưới 70 triệu đồng/vụ. Tổng thu nhập 4 vụ trồng dưa lãi hơn 280 triệu đồng/năm.
Theo anh Thảnh, nếu giá dưa trên 20.000 đồng/kg, thu nhập sẽ cao hơn đạt khoảng 300 triệu đồng/vụ. Nguyện vọng của gia đình muốn được vay vốn nhiều hơn từ NHCSXH để mở rộng quy mô sản xuất.
“Trong xã, không chỉ có gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác cũng được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp của NHCSXH huyện Gia Lộc để làm nông nghiệp, phát triển kinh tế. Nhờ đó, các hộ dân có thu nhập khá ổn định, đời sống gia đình ngày càng nâng cao”, anh Thảnh bộc bạch.
Nguồn vốn giúp "làm lại cuộc đời"
Nguồn vốn vay từ NHCSXH không chỉ hỗ trợ người dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, mà còn mang ý nghĩa nhân văn, giúp những người từng mắc sai lầm trong cuộc sống có thể tái hoà nhập cùng cộng đồng, "làm lại cuộc đời".
Điển hình là trường hợp anh Đỗ Văn Bản (SN 1990, thôn Văn Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện), sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Bản trở lại hoà nhập cùng cộng đồng và được cán bộ NHCSXH huyện Thanh Miện tư vấn vay vốn.
Được sự quan tâm và động viên của cán bộ NHCSXH huyện Thanh Miện, gia đình anh Đỗ Văn Bản mạnh dạn vay 100 triệu đồng để cải tạo ao thả cá, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Trên diện tích 6 sào (gần 2.200m2) của gia đình, anh Bản nuôi các loại cá trắm, chép, mè, trôi, rô đồng vuông thu hoạch 2 lứa/năm. Sau khi được vay vốn để nuôi cá, doanh thu đạt 300 triệu đồng, lợi nhuận 100 triệu đồng/năm, nhờ đó mà kinh tế gia đình được cải thiện, cuộc sống không còn bế tắc như tâm tư những ngày mới ra tù.
Theo thống kê, tổng dư nợ luỹ kế đến hết quý I/2025, NHCSXH tỉnh Hải Dương cho vay vốn đạt hơn 5.563 tỷ đồng. Các ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Đồng thời, NHCSXH tỉnh thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động.
Từ đầu năm 2025 đến nay, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả trong công tác huy động vốn từ thị trường, cũng như giải ngân cho vay các chương trình tín dụng.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được người dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh tế.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 806 lao động, giúp 786 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng 8.568 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn.
Ngoài các đối tượng được vay vốn phát triển kinh tế, NHCSXH tỉnh Hải Dương còn có kế hoạch cho người dân vay mua nhà ở xã hội.
Theo đó, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Sở xây dựng khảo sát nhu cầu vay vốn, nhằm đề nghị NHCSXH trung ương và UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn cho vay; phối hợp với Công ty CP bất động sản Thành Đông và Công ty CP đầu tư Newland (là các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được phê duyệt trong năm 2025) tuyên truyền về chính sách cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong quý II/2025, Chi nhánh sẽ hỗ trợ khách hàng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội tại khu đô thị phía Nam TP. Hải Dương hoàn thiện hồ sơ vay vốn và giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu mua nhà ở xã hội của khách hàng.