Ngày 8/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Người Việt Nam dành 2,5-3 giờ/ngày trên mạng xã hội
Tại phiên chất vấn, có 83 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) hỏi về quan điểm của Bộ trưởng quanh việc xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ, còn các đô thị thì đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao. “Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới”, Bộ trưởng Hùng phát biểu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cái gì cũng có 2 mặt, nếu lạm dụng sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy. Bộ TT&TT đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Ông cũng hứa Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển.
Đây là lần đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu
Nâng cao giáo dục, đạo đức trên không gian mạng
Tiếp tục trả lời Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Do đó, để ngăn chặn được thì yếu tố đầu tiên phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Như Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù đến 10 năm. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng bị xử lý mạnh tay như vậy.
Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.
Ông cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội.
"Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội thì không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin" - ông Hùng nói và nhấn mạnh cần phải nâng cao đạo đức, giáo dục trên không gian mạng. Bộ cũng đã kiến nghị làm việc với Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng số vào cấp học phổ thông.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ khi có Luật An ninh mạng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Ông lấy ví dụ: trước đây với Facebook chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chỉ thực hiện 20-30, còn bây giờ là 70%; Google trước đây chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chấp hành 50, bây giờ là 85-90, chẳng hạn với yêu cầu gỡ các game xấu độc thì tỉ lệ gỡ gần đây là 92%.
Mới đây, Facebook cũng tuyên bố là không chấp nhận các tin quảng báo về chính trị.
Cần có kỹ năng phân biệt tin tốt, tin xấu
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về việc tung tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ.
Bộ trưởng nhận định, có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. “Nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại. Tôi vẫn nghĩ là câu chuyện giáo dục, đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội. Với cách hành xử mới thì chúng ta phải quen dần".
Về cuộc gọi rác thì mới nhưng tin nhắn rác thì nhiều năm rồi. Hiện nay, các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Cách đây gần một tháng tôi đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nhiều mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng”, Bộ trưởng nói.
Về cơ sở luật pháp, theo ông sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hòa (Đồng Tháp) về việc có quản lý mạng xã hội như quản lý báo chí được không, Bộ trưởng TT&TT cho biết mạng xã hội và báo chí là hai không gian khác nhau. “Nói đến báo chí là nói đến định hướng dư luận, sứ mệnh về thông tin, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội”, Bộ trưởng Hùng nói.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng khẳng định: "Trong khi đó, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ TT&TT đã hoàn thành. Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức".