Sau cái chết vì căn bệnh ung thư của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, chúng ta lại giật mình thảng thốt, điều gì đã khiến cho ung thư phát triển nhanh đến như vậy.
Câu chuyện của thói ích kỷ, độc ác
Ung thư – căn bệnh nan y đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người. Tại Việt Nam, con số người chết vì ung thư mỗi năm là hơn 80 ngàn người. Trong bảng xếp hạng của 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chết vì bệnh ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78.
Những con số thống kê chi tiết khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại và tự đặt ra cho mình một câu hỏi: Tại sao người Việt mắc ung thư nhiều đến vậy?
Có một thực tế đó là ở Việt Nam, không cứ là bệnh ung thư mà là bất cứ bệnh gì khi phát hiện đều đã là ở những giai đoạn sau, khó điều trị, khó chạy chữa và dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư có rất nhiều, tuy nhiên chủ yếu là do nguồn nước bị ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Điều đáng nói ở đây, những thực phẩm độc hại mà chúng ta đang sử dụng không phải đến từ đất nước xa xôi nào, mà do chính người Việt sản xuất.
Rau quả phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, thậm chí dùng dầu nhớt để tưới cho rau, rồi lợn, gà nuôi bằng những loại cám tăng trọng, siêu nạc… Tất cả những thứ đó, người Việt đã quá lạm dụng và biến thức ăn hàng ngày thành thứ “vũ khí giết người” thầm lặng.
Trong số những luống rau kia, luống nào là rau sạch
Chẳng ai trong chúng ta còn lạ lẫm với câu chuyện, một người nông dân trồng hai luống rau riêng biệt, một luống để gia đình mình ăn, luống còn lại để bán cho mọi người. Đó quả là một suy nghĩ ấu trĩ và đáng hổ thẹn.
Cũng chả ai còn thấy sốc hay giật mình khi nghe ở đâu đó bắt giữ hàng tấn thực phẩm hôi thối, quá hạn, không rõ nguồn gốc… Tất cả dường như đã trở nên quá quen thuộc, như cơm bữa hàng ngày.
Vậy thì người Việt có ích kỷ hay không?. Xin thưa rằng, chúng ta vừa ích kỷ, vừa tàn nhẫn, độc ác. Có ai dám chắc, gia đình, người thân chúng ta chả bao giờ ăn phải thực phẩm bẩn đang đầy rẫy ngoài thị trường kia, có ai dám chắc, luống rau sạch dành riêng cho gia đình kia, con lợn, con gà sạch được riêng biệt kia sẽ bảo vệ được chúng ta.
Sự thật là, không một ai dám chắc được điều đó, bởi chúng ta đang sống trong cộng đồng, trong một xã hội rộng lớn chứ không phải chỉ thu hẹp trong một gia đình bé nhỏ. Đó là sự ích kỷ của chúng ta.
Chúng ta độc ác, tàn nhẫn bởi chúng ta sẵn sàng bỏ mặc đồng loại chết dần dần, miễn làm sao, thực phẩm làm ra bán được hết, tiền thu về thật nhiều, còn hại đến đâu không còn là câu chuyện của mình.
Chúng ta đừng vô cảm
Xin trở lại với câu chuyện về tinh thần chiến đấu với bệnh ung thư của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường – ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập. Chẳng phải nói thì ai cũng biết anh có sức ảnh hưởng như thế nào đến cả một thế hệ thanh niên Việt Nam và tinh thần "chiến binh" của anh trong 4 tháng ròng chiến đấu với căn bệnh quái ác, lại một lần nữa làm thức tỉnh nhiều người.
Việc anh chiến đấu với bệnh tật đã không còn là câu chuyện của riêng Trần Lập, bởi tinh thần đó đã như một ngọn lửa thổi bùng ý chí của biết bao người, trong đó có cả những bệnh nhân ung thư như anh.
Đối với anh, cuộc đời là những chuyến đi rất dài, anh đón nhận bệnh tật với một tâm thế bình tĩnh, một tinh thần của một "chiến binh".
Trần Lập trong show diễn cuối cùng của cuộc đời: Đôi ban tay thắp lửa
Show diễn cuối cùng của cuộc đời, anh và những người bạn đã cùng nhau thắp lửa, “một đôi bàn tay không đủ, nhưng nếu nhiều đôi bàn tay kết lại sẽ thành ngọn lửa sưởi ấm cho chính chúng ta và những người xung quanh”.
Ung thư đã đánh gục nhiều người, nó cứ ngấm từ từ, lặng lẽ. Và có lẽ, chúng ta nên nhìn lại chính mình. Đã đến lúc những suy nghĩ ấu trĩ, ích kỷ, khỏe mình hại người kia cần được loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội loài người.
"Chúng ta hãy đừng sống vô cảm, đừng sống lạnh lùng với nhau. Căn bệnh ung thư không trừ bất kì ai, ung thư có thể cướp đi người thân của bất cứ ai. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ cùng hướng tới việc tìm kiếm được những cách thức khả quan hơn trong việc đẩy lùi căn bệnh ung thư. Điều đó sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều" - Trần Lập.