Các bác sĩ hôm qua (10/3) cho biết, bệnh nhân thứ hai đã được chữa khỏi HIV bằng phương pháp điều trị cấy ghép tế bào gốc sau khi không tìm thấy dấu vết của virus 30 tháng sau khi anh ngừng điều trị.
Người này được gọi là "Bệnh nhân London", một người mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ Venezuela, đã gây chú ý vào năm ngoái khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge báo cáo rằng họ không tìm thấy dấu vết của virus gây bệnh AIDS trong máu của anh trong 18 tháng.
Hơn 37 triệu người trên thế giới bị nhiễm HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS
Ravindra Gupta, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tờ The Lancet HIV, cho biết kết quả xét nghiệm mới "thậm chí còn đáng chú ý hơn" và có khả năng chứng minh bệnh nhân đã được chữa khỏi. "Chúng tôi đã lấy một lượng lớn các mẫu thử nghiệm từ những vị trí mà virus HIV thích ẩn nấp và tất cả xét nghiệm đều âm tính", Gupta cho biết.
“Bệnh nhân London” – người vừa quyết định tiết lộ danh tính của mình trong tuần này - là Adam Castillejo, 40 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003 và đã dùng thuốc để kiểm soát bệnh từ năm 2012.
Cuối năm đó, anh được chẩn đoán mắc bệnh Ung thư hạch Hodgkin tiến triển, một căn bệnh ung thư chết người.
Năm 2016, anh đã trải qua một ca ghép tủy xương để điều trị ung thư máu, nhận tế bào gốc từ những người hiến có bộ gen đặc biệt ngăn chặn được HIV.
Adam Castillejo đã trở thành người thứ hai được chữa khỏi HIV sau Timothy Brown, quốc tịch Mỹ, được gọi là "Bệnh nhân Berlin", đã khỏi bệnh HIV vào năm 2011 sau khi được điều trị bằng những phương pháp tương tự.
Các xét nghiệm siêu vi về dịch não, mô ruột và mô bạch huyết của Castillejo trong hơn hai năm sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus cho thấy không còn virus hoạt động.
Gupta cho biết các xét nghiệm đã phát hiện ra các virus HIV “bất hoạt” - những virus không có khả năng sinh sản, và do đó an toàn. "Chúng tôi mong đợi điều đó", ông nói. "Thật khó để tưởng tượng rằng tất cả dấu vết của một loại virus lây nhiễm hàng tỷ tế bào đã bị loại bỏ khỏi cơ thể."