Trong quá trình hoạt động của mình, các Toà án quân sự luôn là lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống tham nhũng và các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Hơn hai phần ba thời gian trong quân ngũ, gần một nửa thời gian (30 năm) làm việc ở Toà án quân sự ở các cương vị khác nhau, từ thư ký Toà án, trợ lý nghiên cứu, Thẩm phán, Chánh Toà, Chánh án Toà án quân sự quân khu, Phó Chánh án và Chánh án Toà án quân sự Trung ương, trực tiếp tham mưu, chỉ đạo hoặc giải quyết nhiều vụ án phức tạp, tôi đã chứng kiến sự phát triển, trưởng thành của các Toà án quân sự.
Những vụ án ghi dấu ấn trong lịch sử
Trong quá trình hoạt động của mình, các Toà án quân sự luôn là lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống tham nhũng và các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chỉ huy các cấp trong quân đội để phạm tội. Vụ án Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu, Bộ Quốc phòng biển thủ khối lượng rất lớn tiền, tài sản của quân đội, nhận hối lộ… đã bị Tòa án binh tối cao xét xử ngày 5/9/1950 xử phạt tử hình; vụ án Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân, Chỉ huy trưởng cùng nhiều bị cáo cũng là cán bộ chỉ huy các cấp thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng lợi dụng chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã phạm tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái… bị Toà án quân sự cấp cao xét xử ngày 7/9/1987 và xử phạt nghiêm minh; vụ án Đỗ Thanh Xuân, đại tá, Sư trưởng và các bị cáo khác cũng là chỉ huy Sư đoàn 8 Quân khu 9 cùng các bị cáo khác ngoài quân đội lợi dụng danh nghĩa quân đội phạm tội buôn lậu, bị Toà án quân sự Quân khu 9 xét xử ngày 28/11/1990…
Đặc biệt, vụ án Nguyễn Văn Thụ (tức Nguyễn Ngọc), nguyên Phó trưởng ty Công an, kiêm Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải và Thái Văn Hùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn giết người (thiếu uý Lữ Anh Dồi) có tổ chức năm 1979. Vụ án được bỏ qua không truy cứu một thời gian dài và thậm chí, thời gian sau đó những người thực hiện nó được thăng thưởng. Ngọc được thăng cấp và cử đi học ở nước ngoài. Cho đến năm 1987, sau khi Công an vũ trang được chuyển sang cho quân đội quản lý, một ban chuyên án được thành lập để điều tra lại toàn bộ vụ án.
Căn cứ kết quả điều tra, Viện Kiểm sát quân khu 9 đã truy tố Nguyễn Ngọc về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 220 Bộ luật Hình sự và tội “Vu khống” theo Điều 33 Pháp lệnh giải quyết đơn thư khiếu tố và Thái Văn Hùng về tội “Giết người”, theo điểm a, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khác với bản Cáo trạng, ngày 13/8/1988, Tòa án quân sự Quân khu 9 đã mở phiên tòa xét xử, qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc 15 năm tù về tội “Giết người”, 3 năm tù về tội “Vu khống”; Thái Văn Hùng tù chung thân về tội “Giết người”. Bản án sơ thẩm bị Viện kiểm sát kháng nghị, các bị cáo cũng như đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo; Toà án quân sự cấp cao đã xét xử phúc thẩm, sửa lại hình phạt từ 15 năm lên 20 năm về tội “Giết người” và giữ nguyên hình phạt tội vu khống, tổng hợp hình phạt Ngọc phải chịu là 20 năm tù. Phiên tòa kết thúc trong sự vui mừng của đông đảo đại biểu đến dự phiên tòa, tạo được sự đồng tình sâu rộng trong dư luận tại địa phương và trong cả nước. Phiên tòa thành công cũng đánh dấu sự trưởng thành của các Tòa án quân sự. Nhiều bài học có giá trị được rút ra qua các giai đoạn giải quyết vụ án này, tuy vậy, các phán quyết của phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa tạo được sự nhất trí từ các phía nên sau đó đã bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị đề nghị hủy bỏ tội giết người đối với Nguyễn Ngọc. Bản án được Ủy ban Thẩm phán TANDTC xem xét lại, Hội đồng thẩm phán TANDTC sau nhiều lần họp đã y án phúc thẩm của Toà án quân sự cấp cao…
PGS. TS. Trần Văn Độ
Không chỉ kết án nghiêm minh người phạm tội, trong quá trình xét xử của mình, các Toà án quân sự cũng đã minh oan cho không ít người không phạm tội bị truy tố. Vụ án Phan Văn Tợn, đại tá, Đoàn trưởng Đoàn 622 Quân khu 9 là một ví dụ. Phan Văn Tợn đã bị truy tố về tội làm trái việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và tội cố ý làm trái những nguyên tắc chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử Tòa án Quân khu 9 đã lắng nghe và cân nhắc các ý kiến trình bày của các bị cáo, các nhân chứng, các giám định viên của các cơ quan chức năng như tài vụ, kỹ thuật, ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo và những người có liên quan. Qua các giai đoạn thẩm vấn tranh luận và thẩm tra các tài liệu liên quan khác có trong hồ sơ đã xác định các bị cáo có những sai phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng nên HĐXX đã quyết định tuyên đại tá Phan Văn Tợn và các bị cáo khác không phạm tội và kiến nghị Bộ tư lệnh Quân khu 9 phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo.
Cùng phấn đấu nâng lên một tầm cao mới
Hơn hai phần ba thời gian trong quân ngũ, gần một nửa thời gian (ba mươi năm) làm việc ở Toà án quân sự ở các cương vị khác nhau, từ thư ký Toà án, trợ lý nghiên cứu, Thẩm phán, Chánh Toà, Chánh án Toà án quân sự quân khu, Phó Chánh án và Chánh án Toà án quân sự Trung ương, trực tiếp tham mưu, chỉ đạo hoặc giải quyết nhiều vụ án phức tạp, tôi đã chứng kiến sự phát triển, trưởng thành của các Toà án quân sự. Tôi nhận thấy rằng, trong hoạt động xét xử đòi hỏi người cán bộ Toà án quân sự, đặc biệt là Thẩm phán phải trung thực, khách quan, kiên quyết bảo vệ công lý. Tôn trọng sự thật, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự thật; không bị cám dỗ là những phẩm chất đư¬ợc thể hiện rõ nét trong các Tòa án quân sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử, cán bộ các Tòa án quân sự đã thể hiện được tính độc lập, trách nhiệm bảo vệ công lý, vì lợi ích chung của nhân dân cũng như xây dựng Quân đội; sự tác động từ mọi phía, với nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm làm cho việc giải quyết vụ án bị thiên lệch đều được ngăn chặn, không có trường hợp vi phạm vì tư lợi làm sai lệch vụ án.
Những phẩm chất trên thể hiện rõ vai trò, truyền thống các Tòa án quân sự, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ kịp thời cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trải qua 70 năm xây dựng và hoạt động, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và phát triển các Toà án quân sự trong giai đoạn phát triển mới, Cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, triển khai thực hiện Hiến pháp 2013. Đó là:
Thứ nhất: Các Toà án quân sự là Cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong quân đội. Mọi hoạt động tư pháp của Toà án quân sự tuân thủ pháp luật thống nhất của Nhà nước; đồng thời phục vụ nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của các Toà án quân sự, nhất là xác định thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để các cơ quan pháp luật trong quân đội nói chung, các Toà án quân sự nói riêng hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong toàn bộ hoạt động của mình, các Tòa án quân sự phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, nhưng không thoát ly những đặc điểm riêng mà phải bảo vệ được các yếu tố tạo nên sức chiến đấu của quân đội.
Thứ hai: Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là lãnh đạo, Thẩm phán các Toà án quân sự theo hướng chuyên môn hoá: Có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm chính trị, chuyên môn sai trái; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhận thức và áp dụng đúng đắn pháp luật; có kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết sâu sắc về xã hội, về quân đội; có phẩm chất đạo đực tốt, không bị chi phối vì bất cứ một cám dỗ nào; có tính nhân đạo, nhân văn trong hoạt động của mình.
Để có được đội ngũ cán bộ như vậy, cần tích cực đào tạo (trong nhà trường, trong thực tiễn hoạt động…), rèn luyện, bố trí sử dụng cán bộ khách quan, theo năng lực; không “chia bè, kéo cánh”, cục bộ trong sử dụng, bổ nhiệm cán bộ; chăm lo đến chính sách đối với cán bộ các Toà án quân sự.
Thứ ba: Toà án quân sự là cơ quan xét xử, nhưng cũng là một đơn vị quân đội. Trong hoạt động của mình, các Tòa án quân sự phải giải quyết nhiều mối quan hệ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là quan hệ giữa Tòa án quân sự với các cơ quan bảo vệ pháp luật và giữa Tòa án với người chỉ huy các cấp trong quân đội.
Tổ chức, hoạt động của Toà án quân sự không thể tách rời sự quản lý về tổ chức, sự chỉ đạo về nghiệp vụ của TANDTC. Điều đó đảm bảo cho các Toà án quân sự thuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng chung; áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật trong toàn quốc.
Không chỉ phối hợp, mà kiểm tra chế ước, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện hoạt động tư pháp trong quân đội là điều kiện quan trọng để các Toà án quân sự thực hiện có hiệu quả, đúng pháp luật chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của mình trong quân đội.
Các Tòa án quân sự là cơ quan xét xử của Nhà nước được tổ chức trong quân đội, mọi hoạt động của các Tòa án quân sự đều có quan hệ khăng khít với người chỉ huy, chịu sự chỉ huy về hành chính quân sự theo Điều lệnh. Đồng thời, các Toà án quân sự có vai trò rất quan trọng giúp người chỉ huy các biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các đơn vị. Việc xét xử của các Toà án quân sự không chỉ mang tính chuyên môn đơn thuần, mà phải nhằm tới phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thứ tư: Qua các thời kỳ hoạt động, với những điều kiện cụ thể khác nhau, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của quân đội, của từng đơn vị, từng chiến trường, các Toà án quân sự phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc chịu sự lãnh đạo tực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Quân uỷ Trung ương và đảng ủy các cấp trong quân đội…
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Toà án quân sự nói riêng, TAND nói chung, đã là một cựu cán bộ, có hơn 30 năm chứng kiến các bước thăng trầm của lịch sử, tôi rất mong muốn trong thời gian tới các Tòa án quân sự ra sức phấn đấu nâng lên một tầm cao mới để không ngừng phát triển, góp phần làm phong phú hơn truyền thống tốt đẹp của quân đội, của hệ thống TAND nói chung và của Toà án quân sự nói riêng, xây dựng một nền công lý vững chắc trong cả nước.