Người Thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu dân

Nguyễn Đắc Minh| 21/02/2015 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày cuối năm 2014, chúng tôi theo Đoàn công tác của Tòa án tối cao đến dự Hội nghị tổng kết công tác thi đua của các Tòa án các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tuy bận rộn cho công tác tổ chức, nhưng ông Trương Thái Hiền, đại biểu quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang đã vui vẻ trả lời phỏng vấn của chúng tôi về công tác, về chuyện đời, chuyện nghề.

Người Thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu dân

Phỏng vấn ông Trương Văn Hiền

Gần dân, tôn trọng dân và thương yêu dân

PV: Thưa ông, hội nghị được tổ chức long trọng, chu đáo, đã làm tốt việc tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, vậy việc tôn vinh đó dưa trên những tiêu chí gì?

Trả lời: Trước hết, cần phải căn cứ vào những tiêu chí, chỉ tiêu thi đua của TAND tối cao đề ra như là tỷ lệ xét xử, hòa giải cao, số án bị hủy, sửa thấp… Đồng thời, những tiêu chí đó cũng cần phải gắn kết với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, học dân và giúp dân”. Bởi vì, nhiệm vụ của các cơ quan Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con ngưởi, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân và thiên chức của người thẩm phán chính là cầm cân, nảy mực, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đúng lương tâm, chức nghiệp của mình. Mà muốn làm được điều đó, bản thân người thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu nhân dân.

Người Thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu dân

Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC

PV: Qua xem các báo cáo thành tích của các cá nhân, tập thể của Tòa án các tinh miền Tây Nam bộ đạt Huân chương Lao động, Bằng khen Chính phủ, Bằng khen của Chánh án TAND tối cao đã phần nào toát lên tinh thần đó. Tuy nhiên, xin Chánh án nói rõ thêm về vấn đề tôn trọng và thương yêu dân?

Theo tôi, cán bộ tòa án nói chung, thẩm phán nói riêng phải có tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, phải đối xử họ công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Đã là người thẩm phán phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân; khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Phải biết trọng dân và tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân, cụ thể là xét xử, giải quyết các vụ án phải công tâm, khách quan, không để xảy ra oan, sai, không để quá hạn, án kéo dài làm cho dân khiếu nại, bất bình vì xét xử không đúng pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Họ phải giúp đỡ nhân dân thông qua việc tăng tỷ lệ giải quyết án, tỷ lệ hòa giải thành cao; giải thích, tuyên truyền và tôn trọng pháp luật cũng là biết tôn trọng dân, các thẩm phán của TAND TP.Vĩnh Long, Rạch Giá đã làm tốt điều này.

Lãnh đạo TAND tối cao và bản thân tôi luôn giáo dục cán bộ, thẩm phán là phải thương yêu nhân dân, thông qua công tác giải quyết các vụ án làm sao để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Khi tiếp xúc, quan hệ với nhân dân, người thẩm phán phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”. Nghĩa là, không được vòi vĩnh, hạch sách, nhũng nhiễu, vì tiền mà bỏ qua công lý, chà đạp lên sự tôn nghiêm của pháp luật, không làm điều gì gây tổn hại tài sản của nhân dân. Đặc biệt, giao tiếp với dân phải thể hiện là những con người đứng đắn, lễ độ; khi xét xử trước công đường phải là những Bao Công... Trong thời gian qua, thẩm phán của Tòa án các tỉnh miền Tây Nam bộ đã làm được những điều này tương đối tốt.

Hãy giữ vững sự độc lập, dũng cảm

PV: Để bảo vệ được lẽ phải, làm được như Bao Công rất cần sự dũng cảm. Sự dũng cảm để đối mặt với đồng tiền, với các lợi ích đan xen, với áp lực của xã hội, và các thẩm phán, hơn ai hết phải là tấm gương cho lòng dũng cảm đó. Xin ông cho biết thêm về suy nghĩ của mình?

Như chúng ta đã biết, nghề thẩm phán ở ta chưa được trả lương đúng mức, đời sống các cán bộ, thẩm phán gặp nhiều khó khăn. Đảng, lãnh đạo TAND tối cao kêu gọi, vận động các thẩm phán phải giữ vững sự dũng cảm của mình. Tôi cho rằng dùng áp lực về tài chính để biện minh cho những hành động chạy án, tham ô, vi phạm pháp luật, lương tâm chức nghiệp của người thẩm phán là không thể chấp nhận. Mọi người (các thẩm phán) phải tự hỏi rằng, khi mình cầm cân, nảy mực phải giữ cho cân bằng, tránh để xảy ra những vụ án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, thì đó chính là “phụng công, thủ pháp”, bảo vệ được công bằng, lẽ phải, chính là hiểu được lòng dân. Thẩm phán cũng là người lao động đặc biệt, cần được trả công xứng đáng, tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ là cần thiết. Thế nhưng khó khăn không có nghĩa là cúi đầu, nghèo khó không thể là biện minh, áp lực thành tích không thể được coi là lý do cho bất cứ hành vì không trung thực nào của các thẩm phán. Tôi đã từng chỉ đạo và mong các thẩm phán hãy cố giữ lấy sự dũng cảm, lòng nhiệt huyết của mình. Đứng trên công đường, trước hết chúng ta là người nhân danh Nhà nước, bảo vệ công lý, chứ không phải là ông chủ, không thể nhân danh đạo đức hay bất cứ động cơ nào để áp đặt, bẻ cong pháp luật. Làm được điều đó, cần lắm sự dũng cảm khi đứng trước cám dỗ của đồng tiền, của áp lực thành tích, của gánh nặng gia đình, và của cả những bức xúc khó kìm nén. Tôi tin rằng ngành Tòa án, xã hội sẽ luôn tôn vinh các thẩm phán đó.

Phải giữ vững ngọn cờ và phải biết phất cờ

PV: Hoạt động thi đua là công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để vinh danh. Thế nhưng, lãnh đạo Tòa án cần làm gì để những cá nhân, tập thể đó giữ vững thành tích của mình và để mọi cán bộ, thẩm phán noi theo, học tập?

Tôi cho rằng, để làm được điều đó, cần phải biết giữ vững ngọn cờ, đốt lửa và phất cao ngọn cờ, cụ thể là làm tốt trên 3 phương diên: thứ nhất, mỗi phong trào thi đua cần tạo ra được sự đột phá mới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm bức xúc. Cần xây dựng tiêu chí xác định gương điển hình tiên tiến để áp dụng trong các đơn vị trực thuộc Cụm thi đua. Các đơn vị, thực hiện bình xét, chấm điểm thi đua thường xuyên, khách quan, công bằng; báo cáo Thường trực Hội đồng TĐKT TAND tối cao những gương người tốt, việc tốt, các tập thể điển hình để lựa chọn và tổ chức tuyên truyền, nêu gương tại các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa tích cực trong cơ quan, toàn hệ thống Tòa án cũng như toàn xã hội.

Việc khen thưởng đem lại giá trị tinh thần vì đó là sự tôn vinh. Mà đã là tôn vinh thì phải có sự thừa nhận khách quan. Nếu không công bằng, khách quan thì TĐKT sẽ phản tác dụng; ngăn chặn tiêu cực trong công tác. Do vậy, việc khen thưởng phải đảm bảo đúng người, đúng thành tích, đúng trọng tâm của thi đua để kịp thời động viên người tốt, đồng thời khuyến khích người chưa tốt, đơn vị chưa tốt cố gắng phấn đấu hơn, tránh tình trạng cào bằng làm triệt tiêu sự nỗ lực phấn đấu liên tục của người đó, đơn vị đó. Đây chính là thắp lửa

Thứ hai là, bản thân người cán bộ, thẩm phán được khen thưởng phải giữ vững đạo đức, làm việc vì nước vì dân, thương dân, vừa hồng vừa chuyên. Họ phải biết xây dựng và củng cố uy tín của mình trước đồng nghiệp, trước dân, được quần chúng thừa nhận, tín nhiệm; dùng nhân cách, thành tích tiêu biểu của mình để tập hợp, tổ chức cho quần chúng noi theo, tham gia tích cực các phong trào. Đểcán bộ, đồng nghiệp biết, tin, làm theo, họ phải là người tiên phong gương mẫu, phải miệng nói, tay làm; chí công vô tư, không công thần, thỏa mãn với thành tích đã đạt. Có như thếhọ mới được đồng nghiệp mến, tin và phục, mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Đó chính là giữ vững ngọn cờ.

Thứ ba, các đồng nghiệp trong đơn vị tránh đố kỵ, ghen ghét với những thẩm phán giỏi, có thành tích, mà họ phải giúp đỡ, ủng hộ, bảo vệ đồng thời giám sát chặt chẽ thẩm phán đó không suy thoái, tự kiêu, giữ vững phẩm chất của mình; soi sáng mình để qua đó giúp cho mình ngày càng tiến bộ hơn; lãnh đạo Tòa án phải khen thưởng kịp thời, chăm lo, bồi dưỡng những cá nhân có thành tích…từ đó tạo điều kiện cho phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp. Đó chính là giương cao, phất cao ngọn cờ.

Phải thực sự cầu thị, nâng cao kiến thức

PV: Thưa ông, có những điểm nhấn gì  quan trọng trong năm 2015 mà mỗi cán bộ, thẩm phán phải quan tâm?

Thực sự là có nhiều điểm nhấn quan trọng, như là đất nước kỷ niệm 70 năm lập quốc, 40 năm thống nhất Tổ quốc, 70 năm thành lập Tòa án nhân dân Việt nam…Đây cũng làm năm có nhiều luật, Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhất là hệ thống các cơ quan Tòa án triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đây là luật hầu như đổi mới toàn diện, cơ bản tổ chức, bộ máy của Tòa án các cấp nhằm thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, xác lập vị trí trung tâm trong các cơ quan tư pháp.

Bản thân tôi là đại biểu quốc hội, tiếp thu ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng nhiều văn bản luật, pháp lệnh… cho nên tôi nhận thấy việc ban hành chính sách, pháp luật ngày càng gắn với mục đích phục vụ nhân dân, cải cách hành chính, tôn trọng quyền con người, bảo vệ công lý…Những văn bản luật đó nó gắn liền với hoạt động của Tòa án, thẩm phán các cấp. Cho nên, tôi mong muốn các cán bộ, thẩm phán phải thực sự cầu thị, nghiên cứu, quán triệt đầy đủ chính sách, pháp luật mới ban hành để thực thi chức trách xét xử, hòa giải của mình; tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới có hiệu lực để dân hiểu và tôn trọng.

Không có ai tự hào rằng trí nhớ của mình sẽ vĩnh tồn theo thời gian, trong khi đó cuộc sống và luật pháp luôn thay đổi, cho nên cần lãnh đạo Tòa án tối cao tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để cho mỗi cán bộ, thẩm phán (kể cả thẩm phán TAND tối cao) thấm nhuần, vận dụng đúng trong thực tiễn, giúp cho họ vững tin, dũng cảm khi độc lập cầm cân, nảy mực trước công đường.

Xin trân trọng cảm ơn và đồng cảm với những chia sẽ của Chánh án, nhân dịp năm mới, thay mặt Ban biên tập báo Công lý, Công lý và Xã hội kính chúc ông và gia đình, cán bộ, thẩm phán các tỉnh miền Tây Nam bộ hạnh phúc, đạt được nhiều thành tích trong năm Ất Mùi.

Thẩm phán cũng là người lao động đặc biệt, cần được trả công xứng đáng, tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ là cần thiết. Thế nhưng khó khăn không có nghĩa là cúi đầu, nghèo khó không thể là biện minh, áp lực thành tích không thể được coi là lý do cho bất cứ hành vì không trung thực nào của các thẩm phán.

 

Nhiệm vụ của các cơ quan Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con ngưởi, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân và thiên chức của người thẩm phán chính là cầm cân, nảy mực, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đúng lương tâm, chức nghiệp của mình. Mà muốn làm được điều đó, bản thân người thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu nhân dân.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thẩm phán phải biết tôn trọng và thương yêu dân