Sau 23 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, cuối cùng người phụ nữ ấy cũng tìm được về đoàn tụ với gia đình. Trong ngày đoàn tụ ấy, những giọt nước đã không ngừng rơi và có cả những sự ân hận muộn màng.
Đi cắt thuốc rồi mất tích
Đến bây giờ, dù đã được đoàn tụ với gia đình, người thân, nhưng trong suy nghĩ của chị Trương Thị Thìn (SN 1967, xóm Nam Lộc, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), ngày trở về ấy vẫn như là giấc mơ và đã không biết bao nhiêu lần chị chợt tỉnh dậy rồi bật khóc vì hiện thực quá xa vời với chị.
Từ khi biết tin chị Thìn mất tích bao nhiêu năm nay, giờ đã trở về nên bà con lối xóm ai nấy đều đến thăm hỏi, cũng như chia sẻ niềm vui với gia đình. Niềm vui ấy nhiều gia đình hằng mong ước nhưng không thể.
Nhớ lại những kí ức ngày nào, anh Trương Công Nhượng, em trai chị Thìn cho biết: Đó là vào ngày 16/3/1997. Năm đó, chuyện chị Thìn mất tích là cú sốc lớn với cả gia đình, gây chấn động cả làng quê nghèo. Khi mất tích, hai người con của chị Thìn còn nhỏ dại, đứa lớn 5 tuổi còn đứa bé vừa tròn 3 tuổi.
Với chị việc được trở về quê hương, về với gia đình mình dường như vẫn như là giấc mơ.
Những thông tin ít ỏi về chị trước khi bị mất tích được gia đình xem xét kỹ lưỡng. Đó là câu chuyện của chị kể khi được một người đàn ông ở xã Nghĩa Long nói sẽ đưa chị đi cắt thuốc trong tỉnh Hà Tĩnh của một thầy lang để chữa đau chân, căn bệnh mà bấy lâu nay gia đình chị đã chữa chạy nhiều lần và uống thuốc nhiều nơi nhưng vẫn không tiến triển.
Thế rồi sau lần đi lấy thuốc ấy, chị Thìn đã không quay trở về nữa, một ngày rồi một tuần trôi qua, cũng không có thông tin gì của chị. Gia đình đã vất vả để đi tìm chị khắp nơi, nhưng mọi thông tin dường như không có kết quả. Đau đớn khi mất đi đứa con đang trẻ dại, bố mẹ chị ngày một suy sụp tinh thần.
Dẫu vậy, theo lời anh Nhượng, cả nhà chưa bao giờ nguôi hi vọng sẽ có ngày chị trở về đoàn tụ. “Ngày đó, có người nói chị bỏ đi, có người còn nói có khi chị mất rồi. Bây giờ chị còn sống lại trở về như này thật mừng lắm. Hai mươi ba năm rồi chứ có phải ít đâu”, anh Nhượng chia sẻ.
Nghe em trai kể lại chuyện cũ, chị Thìn cứ vậy nước mắt nghèn ngào: “Cũng vì do tôi quá tin người nên bị người ta lừa bán. Tôi cứ theo người đó dẫn đường nên cứ vậy mà đi không suy nghĩ gì cả. Khi đi đến nơi thì có một người phụ nữ chờ sẵn đưa cho một liều thuốc bảo uống đi rồi sẽ khỏi, uống xong liều thuốc đó, tôi không biết gì nữa cho đến khi tỉnh dậy và họ nói đã đến tỉnh Lạng Sơn rồi. Đến giờ khi đã ở bên các con và anh em mình nhưng tôi vẫn cứ ngỡ như là giấc mơ”.
Trở về quê sau 23 năm
Khoảng 10 ngày sau thì chị được một thanh niên dẫn theo đường rừng đi qua Trung Quốc, qua đến nơi chị mới biết mình đã không còn ở Việt Nam. Quãng thời gian sau đó chị được một người đàn ông mua về làm vợ, đó cũng là quãng thời gian tăm tối nhất trong cuộc đời của chị.
Làm vợ người ta vất vả khổ cực lắm, việc gì tôi cũng làm, từ lên rừng cuốc đất làm rẫy, bổ củi, làm thuê khắp mọi nơi. Có nhiều lúc muốn tự kết thúc cuộc đời mình cho xong nhưng cứ nghĩ đến cha mẹ và các anh em ở nhà là tôi như có thêm nghị lực để sống, với mong muốn có ngày sẽ trốn thoát khỏi nơi đây…" – chị Thìn nhớ lại quá khứ.
Theo như lời chị kể, những tháng ngày làm vợ nơi xứ người, nỗi nhớ cha mẹ và các anh ở nhà, nhớ quê hương da diết. Nhưng giờ muốn quay về cũng không được nữa và không có tiền để về, hơn nữa nhà chồng ở đây cũng quản lý rất chặt không cho quay về. Sống trong buồn tủi cô đơn và luôn bị nhà chồng đề phòng, kể từ sau lần đi lấy thuốc ấy, cuộc sống của cô gái trẻ đang tràn trề mơ ước trở nên tăm tối, chán chường.
"Ở nơi đất khách quê người, không người thân thích, một mình tôi lầm lũi sống hết ngày này qua tháng khác chỉ để chờ có cơ hội là trốn chạy khỏi nơi này. Tuy nhiên, do không biết tiếng nên mọi việc dường như bế tắc. Cuộc sống vợ chồng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau" – chị Thìn nói.
Những giọt nước mắt nghèn ngào của chị Thìn và người thân sau 23 năm chị trở về
Nhưng rồi mong mỏi một ngày nào đó được trở về quê lại trỗi dậy. Thế nhưng thân cô thế cô, niềm mong mỏi ấy nhen nhóm lên rồi bỗng chốc vụt tắt. Ngần ấy năm qua đi, đầu năm 2018, chị Thìn may mắn gặp được một người Việt Nam sang buôn bán ở gần nơi chị ở. Người này nghe kể hoàn cảnh của chị, đã đưa hình chị lên mạng và nhờ mọi người giúp đỡ.
Nhờ người phụ nữ đó mà chị mới liên lạc được với gia đình của mình. Ngày 27/2/2019, được gia đình chồng cho phép chị Thìn đã trở về trong niềm vui khôn xiết của con cái, anh em họ hàng. Chị Thìn cũng đã trình báo sự việc lên chính quyền địa phương và trước mắt sẽ xin phục hồi lại hộ khẩu, giấy CMND.
Ngày chị Thìn trở về, mọi thứ đều đã thay đổi. Hai con chị đều đã lớn khôn, người con gái đã lập gia đình và có con, còn người con trai hiện đang ở ngôi nhà của ông bà để lại.
Điều day dứt lớn nhất của chị Thìn có lẽ là không thể báo hiếu cho những người thân sinh ra mình. Khi chị bị bán sang xứ người, hai người con của chị còn thơ dại, bố mẹ chị dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn cố gắng nuôi dưỡng hai cháu lên người. Thế nhưng, khi các cháu đã dần lớn khôn, chưa chờ được đến ngày gặp con gái thì bố mẹ chị đều đã ra đi vì nhớ thương con và tuổi già.
Nụ cười lẫn trong nước mắt ngày trở về, càng làm chị Thìn thêm căm phẫn người đã đẩy cuộc đời mình vào những ngày tháng tăm tối ấy.
Ngồi trước căn nhà nhỏ của người con trai, ánh mắt chị Thìn như rạng rỡ hơn. Có lẽ với chị, những ngày tăm tối nhất cuối cùng cũng đã qua, mong muốn bao năm nay của chị đã thành hiện thực. Dẫu biết vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hi vọng rằng niềm vui đoàn tụ sẽ giúp chị quên đi những ký ức không vui, từ này sẽ chỉ còn những may mắn đến với chị và gia đình của mình.