Người phụ nữ phải can thiệp ECMO sau khi mắc cúm A

Chí Tâm| 05/08/2022 15:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một phụ nữi ở Thanh Hoá được cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do mắc cúm A. Các bác sĩ đã phải đặt ECMO để cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân là người phụ nữ 39 tuổi, ở Thanh Hoá. 2 năm nay, bệnh nhân phát hiện bị suy tủy nên đi viện thường xuyên. Đây là bệnh có đặc điểm giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu trong máu, đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ do sự giảm sinh tế bào máu của tủy xương. 

Phát hiện mắc cúm A, bệnh nhân được điều trị ở Thanh Hoá, tuy nhiên bệnh diễn biến nặng khi xuất hiện biến chứng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). 

dieutri.jpeg
Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được chuyển từ Thanh Hoá vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cách đây ít ngày. Tuy nhiên, do diễn biến quá nặng, các biện pháp thở máy không có hiệu quả, hôm qua, bác sĩ phải đặt ECMO cho bệnh nhân rồi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc cúm A trên nền suy tủy. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO. Sau 1 ngày đặt ECMO phổi đang có tiến triển hơn.

Theo BS Phúc, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Một số đối tượng khác có yếu tố nguy cơ cao khi mắc cúm A bao gồm: Người tuổi trên 65; Bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu; Trẻ em dưới 2 tuổi; Phụ nữ mang thai…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận gần 142.000 ca mắc cúm A, không có ca tử vong. Việt Nam cũng chưa ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm độc lực cao.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em.

Trong tổng số hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại Bệnh viện, số có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca (gần 33%) và 34 trường hợp cúm B. Số ca phải nhập viện điều trị là 178. 

Để phòng tránh cúm A, các chuyên gia y tế khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Với bệnh nhân yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ phải can thiệp ECMO sau khi mắc cúm A