Trong ngôi nhà cấp bốn chật hẹp, không có nhiều vật dụng đáng kể, nhưng đã nhiều năm qua người mẹ vẫn chăm sóc cho người con bệnh tật trong cũi gỗ. Người mẹ đó là chị Nguyễn Thị Vui (36 tuổi), ở thôn Văn Đăng 3, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Bất hạnh liên tiếp...
Vừa về đến nhà, cô con gái nhỏ của chị đã chạy ra ôm chầm lấy mẹ. “Mẹ ơi, anh con đang kêu vì đói rồi đó. Mẹ cho anh ăn cơm đi”, đó là con gái chị Vui, cháu Vũ Thị Kim Hương (10 tuổi, đang học lớp 5 trường tiểu học Vĩnh Lương 1). Đúng lúc này, chúng tôi cũng đi tới căn nhà của chị Vui.
Ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, chị Vui kể, chị sinh ra ở miền biển huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Khi vào Nha Trang, chị khoảng 17, 18 tuổi gì đó. Sau 4-5 năm sau, chị gặp anh Vũ Như Tùng (sinh năm 1974) và hai người đã kết duyên chồng vợ. Anh chị sống trong căn nhà nhỏ cấp 4 chật hẹp gần 20 mét vuông được người bà con mua lại và cho gia đình chị ở nhờ. Hàng ngày, chị làm bánh xèo bán, còn anh Tùng đi làm phụ hồ.
Đến tháng 8-2000, anh chị sinh cháu trai đầu lòng và đặt tên là Vũ Thành Vương. Họ hàng, bà con lối xóm ai nấy đều mừng cho anh chị. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, trong một đêm ngày đầu hè năm 2001, cháu Vương bỗng nhiên khóc thét, một lúc sau chân tay co giật. Cứ ngỡ cháu bị trúng gió nên sáng hôm sau anh chị đưa cháu đi khám, ban đầu bác sĩ vẫn chưa tìm ra căn bệnh của cháu mà chỉ cho thuốc uống.
Uống thuốc vài hôm nhưng không thấy con hết bệnh, sốt ruột vợ chồng chị Vui đã bắt xe đò đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở TP. Hồ Chí Minh khám. Tại đây, ngay lần khám bệnh đầu tiên, các bác sĩ đã kết luận cháu bị bệnh bại não. “Khi nghe tin đó từ bác sỹ, vợ chồng tôi như đứt đi từng khúc ruột, tim nhói đau”, chị Vui nghẹn ngào.
Sau đợt điều trị đầu tiên kéo dài gần 2 tuần lễ, vợ chồng chị Vui đưa con về Nha Trang. Nhưng căn bệnh quái ác của cháu vẫn không thuyên giảm. Vì thế, được một thời gian ngắn, anh chị lại tiếp tục đưa cháu vào điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, cứ hy vọng một ngày nào đó con sẽ khỏi bệnh và lớn khôn như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng sau hai năm lặn lội đưa con đi điều trị, căn bệnh của Vương vẫn không khỏi, đêm đêm cháu vẫn khóc và co giật… Để chữa bệnh cho con, tài sản trong nhà có thể bán được đã đội nón ra đi.
Chữa chạy mãi, sau hơn 20 tháng tuổi thì Vương cũng có thể chập chững những bước đi đầu tiên. Nhưng hễ cháu cứ đi được vài bước lại ngã nhào. Năm 2004, hai anh chị sinh thêm con gái đặt tên là Hương. Rất may, Hương phát triển bình thường, thông minh, ngoan ngoãn, là nguồn động viên lớn của gia đình.
Số phận không chiều lòng người, một lần nữa tai họa ập đến gia đình bé nhỏ của chị, khi vào buổi tối năm 2008, anh Tùng đi đến nhà một người bạn ở xóm khác chơi. Đúng lúc này, trong nhà người bạn đang xảy ra đánh lộn. Nhóm thanh niên tưởng anh là “đối thủ”, đã vô cớ ra tay sát hại nhầm anh.
Vốn đã khó khăn nay lại thêm khổ đau, mất mát chồng chất, chị Vui gần như suy sụp hoàn toàn. Nhưng nhờ sự động viên của bà con, lối xóm chị đã cố gượng dậy. “Từ ngày anh ấy mất, vì không có người trông con nên tôi đã phải đóng cái cũi gỗ để nhốt con vào”, chỉ tay về phía căn phòng nhỏ bên trong, chị Vui nói.
Nuôi con trong cũi gỗ
6 năm qua, trong ngôi nhà cấp bốn chật hẹp hoang tàn, người mẹ ấy vẫn chăm sóc cho đứa con tật nguyền… trong chiếc cũi gỗ. Từ chuyện ăn uống hay vệ sinh của Vương đều diễn ra trong “không gian” chỉ cao khoảng gần 2 mét, rộng chừng 3 mét vuông.
Chị Vui bên chiếc cũi "nhốt" Vương.
Mở cửa chiếc cũi gỗ, chị Vui dùng khăn lau mặt cho Vương. Đã 14 năm, Vương chưa từng gọi được một câu "mẹ", giờ cháu chỉ nặng khoảng hơn 20 kg. Chân đã teo đi nhiều nên cũng không thể đứng được nữa, từ ăn uống đến vệ sinh đều cố định một chỗ. “Khi đóng chiếc cũi này để "nhốt" con, tôi đã suy nghĩ nhiều lắm, đau lòng lắm nhưng tôi đã không còn lựa chọn nào khác vì không có ai trông cháu khi tôi đi làm, lại sợ cháu bò ra ngoài sẽ ngã xuống ao, xuống rãnh”, chị Vui buồn bã kể.
Múc từng muỗng cơm chan canh bí đỏ, lẫn vài miếng thịt nhỏ, chị Vui bón cho con ăn… Khi đó, trong chiếc cũi gỗ thì thầm tiếng của chị động viên con, tâm sự với con. Đêm đến chị Vui lại bế Vương ra chiếc nệm gian ngoài ngủ cùng mẹ và em gái để truyền hơi ấm từ mẹ.
Chị Vui đang cho Vương ăn bên trong cũi.
Công việc hiện nay của chị Vui mỗi tháng thu nhập chỉ được vỏn vẹn 1 triệu đồng từ tiền công chị chăm sóc trại heo cho gia đình gần đó, vì thế gia cảnh hiện nay của gia đình chị là rất khó khăn. “Tôi nghĩ giờ đây khoa học đã phát triển hơn và hy vọng có thể chữa được bệnh cho con tôi, nhưng do không có tiền nên những năm gần đây tôi đã không thể đưa con đi khám lại. Tôi chỉ mong ước có tiền để đưa con đi khám một lần xem sao”, chị Vui nói.
Theo ông Trần Hùng Dũng, quyền Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương: "Đây là một gia đình đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh rất éo le. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên tháng 9 năm 2013 do trụ sở UBND xã xây dựng lại nên hồ sơ của các đối tượng chính sách bị thất lạc. Hiện xã đã có văn bản trình UBND TP. Nha Trang xem xét hỗ trợ cho các trường hợp khuyết tật theo quy định, trong đó có gia đình chị Vui".
Mong rằng gia đình chị sớm nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để chị Vui bớt khó khăn và mơ ước đưa Vương đi khám trở thành hiện thực./,