Một số chuyên gia pháp lý cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi truyền bá, đăng tải các clip, văn hóa phẩm đồi trụy, ảnh khiêu dâm lên mạng xã hội.
Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Chiều 12/4, trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin 1 hotgirl nổi tiếng bị lộ clip nóng. Hiện tại, những hình ảnh và clip đang được lan truyền một cách chóng mặt trên các trang mạng.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết pháp luật nghiêm cấm hành vi truyền bá, đăng tải các clip nóng, ảnh khiêu dâm và các ấn phẩm có tính chất tình dục.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo luật sư Thơm, pháp luật hiện hành không quy định như thế nào là văn hóa phẩm đồi trụy, tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Văn hóa - Bộ Nội vụ số 855/TT-LB ngày 1/5/1984 thì các loại văn hóa phẩm đồi trụy là việc tuyên truyền lối sống đồi bại, dâm loạn, du đãng, trác táng và những hành vi trái với thuần phong mỹ tục.
Qua clip được phát tán tràn lan trên mạng xã hội với số lượng người truy cập là rất lớn gây xôn xao dư luận. Bước đầu cho thấy, hành vi đăng tải clip này đã có dấu hiệu phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật hình sự 2015. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là tội có cấu thành tội phạm hình thức nên chỉ cần người nào có hành vi phát tán lên mạng xã hội văn hóa phẩm đồi truy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng cần xác định, làm rõ động cơ, mục đích đối tượng đưa các clip này lên mạng xã hội. Đối với hai nhân vật chính trong đoạn phim đó sẽ không được xác định là bị hại vì chính họ là người làm ra clip đó.
Nếu có căn cứ xác định họ không chủ động truyền bá đăng tải lên mạng xã hội thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
“Dù cho có sơ suất, không cố ý để lọt clip của hai người lên mạng xã hội thì cũng đã thể hiện lối sống buông thả không lành mạnh. Đặc biệt khi nhân vật nữ được coi là hình ảnh gần gũi với công chúng với nhiều người theo dõi trên mạng xã hội mà lại có những hình ảnh ghi lại như vậy đã tác động không nhỏ vào lớp trẻ hiện nay”, ông Thơm nhấn mạnh.
Vi phạm pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội) cho rằng, các clip nóng, ảnh khiêu dâm và những ấn phẩm có tính chất tình dục đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm truyền bá, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, hành vi đăng tải clip nóng được cho là của hot girl Trâm Anh hay bất kì ai lên trên mạng xã hội hoặc phát tán, truyền bá trong công chúng là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
“Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi hậu quả, hệ lụy cho xã hội mà hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường phân tích.
Trong trường hợp, nếu hai nhân vật trong clip chỉ để giữ lại những khoảnh khắc cá nhân chứ không nhằm phát tán ra công chúng và cũng không đồng thời là người phát tán clip này ra công chúng thì hai người này trở thành nạn nhân đáng thương, trong tình huống đó, họ sẽ không bị xử lý hình sự nhưng hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Vụ việc này sẽ được cơ quan công an làm rõ về hành vi và động cơ mục đích của từng đối tượng để có biện pháp xử lý cho phù hợp. Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì vẫn có thể xem xét về tội làm nhục người khác nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh đối tượng phát tán clip lên mạng xã hội nhằm mục đích xấu.
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB); b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị; c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh; d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị; d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh; đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người; e) Đối với người dưới 18 tuổi; g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; h) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên; b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên; c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên; d) Phổ biến cho 101 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |