Người mất không để lại di chúc, phân chia di sản thừa kế thế nào?

Hà An| 25/08/2022 07:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trường hợp người đã mất không để lại di chúc hoặc di chúc để lại không hợp pháp thì những người thừa kế theo pháp luật có thể thực hiện việc nhận thừa kế thông qua Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Hỏi: Gia đình bà K.T.N ở xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có thửa đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa bà K.T.N và ông L.V.B. Năm 2004, ông L.V.B mất không để lại di chúc, hàng thừa kế theo pháp luật của ông L.V.B gồm 5 người gồm bà K.T.N và 4 người con.

Năm 2012, Bà K.T.N cùng hai người con ký hợp đồng chuyển nhượng 100m2 đất thừa kế cho ông N.T.A. Vào cuối năm 2013 gia đình bà K.T.N mới làm thủ tục mở thừa kế và chứng thực tại UBND xã Vân Xuân.

Tại văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tất cả mọi người thống nhất lại việc chuyển nhượng 100m2 cho ông N.T.A (ông N.T.A không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật) nhưng vẫn không tách thửa, không có ranh giới.

Việc chuyển thỏa thuận chuyển nhượng này thực chất là giao dịch cầm cố do một trong những người con của bà K.T.N nợ nần không trả được nợ nên đã cầm cố cho ông N.T.A, gia đình không nhận được đồng tiền nào từ việc chuyển nhượng này.

 Gia đình bà K.T.N đặt câu hỏi về quy trình mở thừa kế của gia đình bà có đúng quy định hay không?

Độc giả K.T.N (Vĩnh Phúc)

phan-chia-di-san-thua-ke.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Dựa theo nội dung bạn đọc cung cấp, luật gia Tống Hữu Huy thuộc Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn về việc trên như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 659 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc Phân chia di sản theo di chúc quy định:

Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người đã mất không để lại di chúc hoặc di chúc để lại không hợp pháp thì những người thừa kế theo pháp luật có thể thực hiện việc nhận thừa kế thông qua Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Theo nội dung trên, có thể thấy, việc UBND cấp xã công chứng, chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là trái thẩm quyền. Chỉ có UBND cấp huyện trở lên mới đủ thẩm quyền chứng thực, công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Bên cạnh đó, những người thừa kế chỉ có thể thỏa thuận chuyển nhượng di sản thừa kế cho người khác trong trường hợp khi còn sống người để lại di sản đang phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác thì sau khi người có tài sản mất, những người thuộc hàng thừa kế thỏa thuận trong VB thỏa thuận phân chia về việc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thay cho người chết theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 637 Bộ luật dân sự 2005 quy định về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Mặt khác, năm 2012 gia đình bà K.T.N đã chuyển nhượng diện tích đất là 100m2 cho ông N.T.A khi quyền sử dụng đất chưa được xác lập cho 03 thành viên trong gia đình bà K.T.N. Việc chuyển nhượng này không thỏa mãn quy định tại khoản 1 Điều 106 Luật đất đai năm 2003 quy định về quyền chuyển nhượng, quyền tặng cho quyền sử dụng đất phải có đầy đủ các điều kiện theo quy định, đơn cử như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đứng tên những người chuyển nhượng.

Ngoài ra, việc không tách thửa, xác định ranh giới giữa các thửa đất theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 117 Nghị định 181/2004 hướng dẫn việc thi hành Luật đất đai 2003 thì việc tách thửa là một thủ tục hành chính cần thiết trước khi tiến hành chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Cho đến thời điểm hiện tại, quy định về việc tách thửa cũng là một thủ tục cực kỳ quan trọng, thể hiện quyền của người sử dụng đất. Căn cứ tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Như vậy có thể thấy trải qua rất nhiều năm nhưng quy định của pháp luật về việc tách thửa vẫn không bị thay đổi. Tách thửa được coi là một điều kiện quan trọng trong việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,… đối với một phần thửa đất. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định diện tích, mốc giới, kẻ, vẽ bản đồ của cơ quan nhà nước và tranh chấp với các thửa đất xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mất không để lại di chúc, phân chia di sản thừa kế thế nào?