Người góp phần lưu giữ hồn phường rối cổ Tế Tiêu

Lập Nguyễn| 13/02/2021 15:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nhịp sống ồn ào, vội vã ngày nay, ở đâu đó vẫn có những con người thầm lặng cống hiến cho nền văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Nghệ nhân Phạm Công Bằng, làng Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là người vẫn luôn đau đáu việc bảo vệ, phát triển nghệ thuật múa rối truyền thống của ông cha.

50.roi-co-te-tieu-3-.png
Múa rối cạn Tế Tiêu tham gia liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội

Thổi hồn vào di sản văn hóa phi vật thể

Thủ đô thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến có làng Đào Thục, Thụy Lâm (Đông Anh) và xã Chàng Sơn (Thạch Thất) cả hai đều nổi tiếng với nghệ thuật rối nước. Nhưng riêng ở làng Tế Tiêu hiện là ngôi làng duy nhất ở thành phố Hà Nội còn bảo lưu được cả múa rối cạn và rối nước. Hiện nay phường rối Tế Tiêu có hơn 100 trò rối cạn và hàng trăm trò rối nước.

Với sự đam mê, cộng thêm tình yêu di sản, nghệ nhân Phạm Công Bằng đã không ngừng góp sức bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Anh còn khéo léo sáng tạo lồng ghép giữa nội dung tiết mục múa rối cạn và rối nước một cách tài tình, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

50.roi-co-te-tieu-6-.png
50.roi-co-te-tieu-2-.png
Nghệ nhân Phạm Công Bằng bên những con rối cổ

Anh Phạm Công Bằng là con trai thứ 9, đồng thời là truyền nhân của cụ Bể, tiếp bước cha trên con đường duy trì nghề cổ. Năm 2001, anh Bằng cùng với cụ Phạm Văn Bể đã xây dựng Thủy đình để biểu diễn phục vụ bà con trong làng cũng như thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Nhà thủy đình được xây dựng nhờ nguồn tiền của Quỹ Ford Việt Nam, trên mảnh đất do chính quyền địa phương hỗ trợ.

Đến năm 2016, cụ Bể qua đời ở tuổi 92, thực hiện nguyện vọng của cha, anh Phạm Công Bằng vẫn ngày đêm cặm cụi đẽo gọt những con rối gỗ, truyền dạy cho những em thiếu nhi, thanh niên trong làng có nhu cầu học nghề và chủ trì những tiết mục biểu diễn rối nước, rối cạn mỗi khi nhận được lời mời.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng kể: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được bố mình thắp lên tình yêu với nghệ thuật múa rối. Ban đầu ông thường kể cho tôi nghe các tích truyện dân gian gắn với từng con rối, sau đó ông hướng dẫn tôi sửa chữa, làm đẹp và cao hơn là tạo hình con rối theo các nhân vật trong truyện dân gian hay các vở chèo, tuồng. Nhờ vậy, tôi gắn bó với nghệ thuật múa rối đến bây giờ”.

Biết đến múa rối từ nhỏ, đến khi đi học cấp 1, cấp 2 anh đã tham gia cùng phường rối Tế Tiêu đi biểu diễn cùng các ông, các bác vào những dịp mừng hội làng, nhất là biểu diễn cổ động hội khỏe Phù Đổng, ngày Quốc tế Thiếu nhi, rằm Trung Thu...

Theo nghệ nhân Phạm Công Bằng “Khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã dàn dựng kịch bản tạo hình quân rối và dạy các bạn cùng trường biểu diễn nhiều trò và vở diễn có nội dung tạo sức hấp dẫn cho người xem. Như vở: Thánh Gióng đánh giặc Ân; Trí khôn ở đâu, Thạch Sanh chém Trăn Tinh, Lê Phụng Hiểu đánh hổ, Đấu vật trọi châu và nhiều tiết mục múa hát khác, được nhà trường đặc biệt là các bạn học sinh hưởng ứng khen ngợi”.

50.roi-co-te-tieu-4-.png
Nghệ nhân Phạm Công Bằng tham gia biểu diễn các tiết mục

Phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch

Hiện nay phường rối Tế Tiêu có gần 20 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn tại làng hoặc đi diễn khắp nơi theo lời mời của các địa phương. Nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết, tiền bồi dưỡng cho mỗi buổi diễn chỉ đủ để các thành viên uống nước và chi trả các chi phí khác, nhưng họ đều vui vẻ tự nguyện gắn bó với phường rối. “Mặc dù nghề múa rối cạn không mang lại thu nhập ổn định nhưng các thành viên vẫn hoạt động vô cùng nhiệt huyết bởi rối đã trở thành một phần cuộc sống của họ”, nghệ nhân Phạm Công Bằng nói.

Nhằm bảo tồn vốn nghệ thuật cổ truyền, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tạo điều kiện cho phường rối năm nào cũng được tham gia biểu diễn 1 tháng vào các ngày thứ 7 và chủ nhật cho khách trong và ngoài nước được xem trong khuôn viên Bảo tàng. Ngoài ra hàng năm anh vẫn đưa phường rối lên thành phố Hà Nội biểu diễn ở khu phố cổ dịp tết Trung Thu cho khách trong và ngoài nước được thưởng thức. Tham gia nhiều hội chợ làng nghề, trưng bày biểu diễn, tương tác với khán giả.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị mà ông cha đã để lại, hàng năm vào các dịp hè, anh Bằng phối hợp với một số trường học trên địa bàn đưa các em học sinh cấp I và cấp II được nghỉ hè cũng đến xem và tìm hiểu môn nghệ thuật múa rối cổ truyền. Được tận tay làm những con rối các em còn được tự tay điều khiển quân rối và biểu diễn một số trò rối đơn giản.

Gần 20 năm, theo thời gian khu vực Thủy đình bị xuống cấp, đầu năm 2017 anh đã xây dựng dự án tôn tạo và nâng cấp khu nhà thủy đình có khu trưng bày quân rối cổ truyền. Dự án trên đã được chính quyền UBND thị trấn Đại Nghĩa và UBND huyện Mỹ Đức phê duyệt. Ngày nay, khách thập phương đến thăm phường rối Tế Tiêu sẽ được trực tiếp xem nghệ nhân tạo hình, đẽo gọt quân rối, xem biểu diễn và tương tác với diễn viên, trải nghiệm và được diễn viên hướng dẫn tự biểu diễn quân trò.

Các tiết mục rối nước và rối cạn ở Tế Tiêu thường có bối cảnh là làng quê Việt Nam, những người nông dân chính là những người nghệ sỹ, những người tạo hình và biểu diễn những con rối. Bằng những con rối giản dị gần gũi, hồn hậu và đậm chất đồng bằng Bắc bộ tất cả đã làm nên ấn tượng của phường rối cổ Tế Tiêu. Hiểu được những giá trị đó, từ lúc tham gia nắm giữ di sản cho đến nay mặc dù có nhiều khó khăn nhưng anh Bằng đã cố gắng vượt qua. Luôn luôn ý thức học hỏi, gìn giữ, phát triển và truyền dạy cho thế hệ sau để môn nghệ thuật độc đáo mãi được lưu truyền.

Một mùa xuân nữa đang đến và người dân thủ đô lại được thưởng thức những tiết mục múa rối mang đậm chất dân gian. Những tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo như mạch nguồn chảy mãi từ mùa xuân này tới mùa xuân khác; từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nghệ nhân Phạm Công Bằng chính là cầu nối cho sợi dây gắn kết ấy.

50.roi-co-te-tieu-5-.png
Nghệ nhân Phạm Công Bằng hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu nghệ thuật múa rối
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người góp phần lưu giữ hồn phường rối cổ Tế Tiêu