Người giữ hồn của người đã khuất

Ngọc Anh| 02/01/2015 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 40 năm cầm rìu, rựa để đục, đẽo nên những bức tượng gỗ có hình, hồn phục vụ cho việc “tiễn đưa người chết”, nghệ nhân Y Bép đã truyền lửa và giữ hồn cho một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên.

40 năm với nghề

Tượng nhà mồ dùng trong lễ bỏ mả của người Gia Rai, Ba Na, Ê Đê… Người đồng bào quan niệm, lễ bỏ mả là cuộc chia ly giữa người sống và người chết. Tượng nhà mồ được xem là kỷ vật tiễn đưa những linh hồn đã khuất bóng về với ông bà, tổ tiên cũng là về với bến nước.

Tiến sĩ Ngô Văn Doanh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định: Lễ bỏ mả được đánh giá là một lễ hội mang tính tổng hợp văn hóa nghệ thuật nhuần nhuyễn và sinh động bậc nhất Tây Nguyên.

Già làng Y Bép ở Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) năm nay đã 66 tuổi nhưng có hơn 40 năm làm nghề đục, đẽo tượng nhà mồ. Trong căn nhà sàn cổ kính nằm ven đường quốc lộ, nghệ nhân Y Bép cho biết: “Hiện tại, số lượng người đục, đẽo tượng nhà mồ trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Với kinh nghiệm đẽo tượng của mình, Y Bép được xem là người giữ hồn cho nét văn hóa của người đồng bào ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Y Bép bắt đầu làm quen với nghề làm tượng nhà mồ khi còn thanh niên. Thời đó, văn hóa làm tượng nhà mồ nở rộ khắp buôn làng, trở thành nghề hái ra tiền của nhiều người. Bản thân Y Bép, trong một lần chứng kiến các nghệ nhân gạo cội trong bản đục, đẽo những khối gỗ khô cứng thành những hình hài đủ dạng nên ông rất thích, rồi mê mẩn cầm rìu, rựa từ lúc nào không hay. Ông tâm sự: “Mình đến với nghề đục tượng nhà mồ cũng tình cờ lắm. Thời đó, bạn bè ai cũng đi làm nương rẫy, mình cũng thế. Trong một lần đi chơi, thấy các già làng đục tượng hay, lại mang ý nghĩa văn hóa tâm linh nên mình mê và quyết tâm theo học từ đó”.

Người giữ hồn của người đã khuất

Nghệ nhân Y Bép bên sản phẩm tượng chim đậu ngà voi do chính mình làm

Đam mê là thế nhưng để trở thành một nghệ nhân không hề dễ như Y Bép nghĩ. Chàng thanh niên Y Bép thời đó hàng ngày gùi cơm gạo đi theo các thầy học nghề. Ai sai bảo gì, ông nghe lời và làm theo. Đến khi bắt đầu tập đẽo tượng, bàn tay của ông cũng dần bị chai sạn và những vết rìu, dựa cứa vào đôi bàn tay đến rỉ máu. Dù khó khăn như vậy nhưng ông không hề nản mà hàng ngày vẫn cặm cụi, kiên trì theo học đến cùng.

Mới vào nghề, ông phải tập nhìn tượng cho quen hình thù. Sau khi tinh thông hình dạng tượng thì mới tập đục. Từ công đoạn nặn đất rồi tập đục, đẽo, khi đã quen rồi mới lấy những cây gỗ ít có giá trị ra tập đục, đẽo. Y Bép không nhớ nổi bao nhiêu bức tượng bị đẽo hỏng, bị đền, bị dao cắt đứt tay... Có lúc nản, ông định bỏ nghề nhưng lại nghĩ, người ta học được, làm được, chẳng lẽ mình lại thua. Vậy là ngày đêm mình miệt mài học tiếp. Ngoài thời gian học thầy, tối về nhà, ông tự lấy đồ nghề ra tập để đục cho thành thạo.

Thời gian trôi qua, sự rèn luyện cần mẫn cộng với vốn thông minh, siêng năng, lại sẵn lòng đam mê, Y Bép sớm nổi trội trong nhóm người đi học, được các thầy khen ngợi. Thấy học trò có tài, có duyên với nghề, các thầy bắt đầu chia sẻ nhiều kinh nghiệm hơn.

Người giữ hồn của người đã khuất

Tượng nhà mồ ở Đăk Lăk ngày càng hiếm, chỉ lác đác còn sót vài tượng chim đậu ngà voi…

Hơn 40 năm đẽo tượng nhà mồ, Y Bép không nhớ mình đã đẽo bao nhiêu tượng, con số được ông ước tính lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tượng. Không chỉ đục tượng cho người trong buôn làng, Y Bép còn đi khắp các huyện, tỉnh để làm. Công việc đẽo tượng nhà mồ ngoài giúp giữ gìn nét văn hóa của đồng bào còn giúp Y Bép trở nên giàu có hơn. Năm 2006, Y Bép vinh dự được mời ra Huế đẽo tượng nhà mồ phục vụ Festival Huế.

Niềm trăn trở cho mai sau

Y Bép cho biết, mỗi bức tượng chôn bên cạnh người chết có ý nghĩa riêng của nó. “Tượng chim đậu ngà voi thể hiện sự giàu có của gia đình người chết, tượng chim công thể hiện vẻ đẹp của người dưới mồ, tượng ngà voi thể hiện sức mạnh của người chết khi còn sống…”.

Nhiều người cho rằng, tượng nhà mồ thường không được tinh xảo so với tượng gỗ mỹ nghệ trên thị trường. Thế nhưng, theo Y Bép, tượng nhà mồ tuy chế tác đơn giản nhưng mang ý nghĩa văn hóa lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên xa xôi này, nên nó đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Điều đáng nói là, tượng nhà mồ dùng những công cụ đơn giản như rìu, rựa để đẽo, gọt thành hình dáng, và chỉ chú trọng vào hình thể chung. Dù tượng nhà mồ chỉ phác thảo hình tượng nhưng tượng phải có hồn, có nét, phải thể hiện được ý nghĩa của tượng, điều đó mới khó và đòi hỏi tay nghề cao.

Dẫn chúng tôi ra ngoài khu nhà mồ ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, nghệ nhân Y Bép cho biết, để tạc một tượng nhà mồ phải chọn loại gỗ bền, dai, tránh biến dạng, mục nát theo thời gian như gỗ mật, căm xe, cà chít… Mỗi khúc gỗ dùng đục tượng dài khoảng 2,5m, trong đó chôn xuống đất 1/3, phần còn lại được đẽo, gọt thành hình. Gỗ được chọn phải là gỗ tốt để tránh bị nứt nẻ, làm hỏng hình dạng tượng khi chôn ở ngoài trời. Cẩn thận hơn nữa, người ta không chôn tượng gỗ trực tiếp xuống đất mà phải đổ bê tông dưới chân tượng để chống trộm.

Trong suốt cuộc nói chuyện với khách, nghệ nhân Y Bép đau đáu một nỗi lo là tượng nhà mồ đang mai một dần và có nguy cơ biến mất trong tương lai.

Hiện nay, người đến thuê làm tượng nhà mồ ngày một ít. Có nhiều lý do, có thể do cuộc sống càng ngày càng khó khăn, không có điều kiện làm, cũng có thể là do suy nghĩ thay đổi. Mặt khác, Tây Nguyên bây giờ không còn gỗ để cho bà con đục tượng, gỗ ngày một khó tìm hơn và bản thân người làm tượng cũng chết đi nên không còn nhiều nghệ nhân. Y Bép lo sợ, cứ theo đà này thì tượng nhà mồ cũng sớm biến mất cùng với thời gian. Và, tượng nhà mồ cũng chỉ còn lại trong ký ức của người Tây Nguyên và trong sử sách mà thôi.

Niềm đam mê nghề của ông đã truyền cho hai người con trai, dù có nhiều lúc, các con ông rất nản chí, định bỏ vì nghề ế ẩm nhưng ông vẫn kiên trì, động viên con theo nghiệp để giữ gìn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ hồn của người đã khuất