Người giữ công lý nơi đầu sóng

Trung Thành| 12/09/2016 06:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở Cà Mau, vùng đất mà nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ví như “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” của Tổ quốc, có một người cán bộ Tòa án dành trọn tâm sức của mình để đem lại bình yên cho mỗi nếp nhà đồng bào Kinh, Hoa, Khơ me trong những xóm ấp mù xa.

Anh là Thái Quốc Việt, Chánh án TAND huyện Ngọc Hiển- người được nhiều anh em đồng nghiệp gọi vui là Người giữ công lý nơi đầu sóng.

Đò ngang cách trở

Chả hiểu run rủi thế nào, sớm hôm tôi rời thị trấn Năm Căn đi Rạch Gốc (huyện lị của Ngọc Hiển) trời mưa như trút. Anh Bình, chủ chiếc tàu cao tốc mà tôi thuê trọn gói 2 triệu đồng cho hai lượt khứ hồi, thở dài ngao ngán: “Ngoài đó có gì đâu, mưa gió thế này, kiếm chỗ lai rai cho khỏe. Tiền tàu chú đưa, anh trả lại”. Tôi bảo, đại ý rằng: “Em đường xa nghìn dặm đến đây, cũng chỉ muốn cuồn cuộn rẽ nước ra thăm cái huyện lị nằm tận cùng Tổ quốc, để được trải nghiệm cảm giác nhảng một chân xuống biển Tây, trong khi chân kia vẫn còn thò thụt phía biển Đông”. Anh Bình im lặng một hồi rồi chầm chậm khởi động, vít ga. Chiếc tàu như mũi tên dũi lút vào màn mưa trắng xóa…

Đời làm báo, tôi đã từng lang thang qua nhiều đảo nổi, đảo chìm của Việt Nam, từng được ngồi tàu Hải quân lướt biển “êm như võng”, từng nôn thốc tháo ruột gan khi bám thuyền ngư dân ra đảo Thổ Chu, nhưng chưa bao giờ tôi thấy sợ như lần ra Rạch Gốc. Giữa mưa xiên gió tạt, giữa giông gió tràn trời, chiếc tàu mỏng manh chả khác gì cái lá tre, chao lượn trên sông Cửa Lớn hơn cả con cá nô đùa ngoài vịnh. Tàu chạy chừng hơn 2 tiếng, qua vài cái ngã ba sông thì cuối cùng thị trấn của Ngọc Hiển cũng thấp thoáng hiện ra, giữa mênh mang sóng nước và ngút ngàn tràm đước.

Do đã gọi điện hẹn trước nên anh Việt đón tôi ngay khi tàu cập bến. Khác với hình dung trước đó của tôi về một vị Chánh án “ăn sóng nói gió” như phần đông đàn ông xứ miệt vườn sông nước, anh Việt kiệm lời, thâm trầm như núi. Đến ngay cả khi tôi hỏi về cái danh xưng “Người giữ công lý nơi đầu sóng” mà đồng nghiệp trên Tòa án tỉnh ưu ái đặt cho, anh cũng chỉ cười trừ. Anh bảo: Chẳng qua là thấy tôi gắn bó với “cái doi cát phập phồng”nhô ra biển thế này suốt gần hai mươi năm, kể cả quãng thời gian còn công tác ở TAND huyện Năm Căn (từ 1998 - 2004), nên anh em trêu vậy cho vui, chứ tôi và đơn vị nào có gì nổi bật, nổi trội đâu!.

Người giữ công lý nơi đầu sóng

Chánh án Thái Quốc Việt (bên trái) trò chuyện với PV

Nói là vậy, thế nhưng hầu như năm nào, kể từ khi được bổ nhiệm làm Chánh án TAND huyện Ngọc Hiển, anh Việt cũng được nhận bằng khen, giấy khen hoặc một danh hiệu cá nhân nào đó, từ Lao động tiên tiến xuất sắc, đến Chiến sỹ thi đua. Còn TAND huyện Ngọc Hiển, nơi anh Việt làm Chánh án, luôn nằm trong “top” đầu của Tòa án hai cấp tỉnh Cà Mau về mức độ hoàn thành các chỉ tiêu công tác. Tuy mới được thành lập kể từ khi chia tách huyện (2004), nhưng trong phòng truyền thống của đơn vị treo đủ các loại bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh, của TAND cấp trên và đặc biệt là Cờ thi đua Chính phủ.

Chèo thuyền đưa phiên tòa về từng xóm ấp

“Lúc mới được chia tách, đơn vị khốn khó trăm bề, từ trụ sở cho đến các trang thiết bị làm việc đều thiếu và yếu. Hơn nữa, địa bàn phụ trách rộng, nằm rải rác mà nhân lực lại thiếu nên nhiều lúc anh em phải động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều anh em ở xa, thông thường thì cuối tuần sẽ được về với gia đình, thế nhưng lắm lúc án nhiều, công việc bề bộn quá đành gác lại việc riêng, có khi vài tuần mới nhìn thấy mặt con”, anh Việt chia sẻ.

Do ranh giới phía bắc của Ngọc Hiển là sông Cửa Lớn và sông Bồ Đề, nên địa bàn huyện bị tách biệt chả khác gì một cù lao. Dù có địa hình tương đối bằng phẳng, nhưng phần lớn các xóm ấp bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông và kênh mương chằng chịt. Ở Ngọc Hiển có nhiều con sông rất rộng, như sông Cửa Lớn, nhiều  quãng rộng lên tới cả nghìn mét, giao thông, đi lại vô cùng khó khăn và hầu hết phải dùng xuồng. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của những cán bộ Tòa án huyện như anh Việt.

Anh Việt kể, chuyện đi công tác bị lật thuyền, ngã sông xảy ra như cơm bữa, gần như ai cũng gặp. Có người một năm “rớt kênh, rơi rạch” đến vài lần. Cũng may là trong đơn vị, phần lớn anh em đều sinh ra lớn lên ở vùng này, “nằm nghiêng thấy nước, nằm ngửa thấy sông” nên biết bơi từ tấm bé. “Người ướt thì được, nhưng tài liệu thì không”, thế nên giờ bất cứ đi công tác ở đâu, anh em thường gói ghém tài liệu, máy móc kỹ càng trong túi ni lông, đề phòng bất trắc.

Xuống địa bàn đã vậy, mỗi lần tổ chức phiên tòa lưu động thì anh em trong Tòa án huyện còn khổ trăm bề. Trước mỗi phiên xét xử, anh em phải thuê xuồng, khiêng vác loa đài, phông bạt, vành móng ngựa xuống chằng buộc đâu đấy rồi… nổ máy. Phải hôm trời quang mây tạnh còn đỡ, gặp khi mưa bão, nước xô, sóng dữ, thuyền - người - đồ đạc bị chao đảo, lắc lư chả khác gì “cô đồng nhập thánh”. Nhiều khi xuồng chết máy, anh em phải thay nhau chèo đến rã rời.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì nhiệm vụ, anh em trong đơn vị vẫn động viên nhau cố gắng “chèo thuyền đưa phiên tòa về từng xóm ấp”. Và, sau mỗi lần được tận mắt chứng kiến những “Bao Công xử án”, “khoảng trống pháp luật” trong mỗi người dân Kinh, Hoa, Khơ Me ở đây cũng bớt mênh mông. Đó mới là điều quan trọng. Bởi, phần lớn cư dân ở Ngọc Hiển đều gốc gác từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và các huyện khác của Cà Mau. Họ về đây, từ nhiều năm trước, trong những chuyến dong thuyền ra đi tìm miền đất mới. Đến đây thấy chằng chịt sông nước, tôm cá dồi dào, họ neo đậu lại, cắm cọc, chặt cây, cắt lá lợp một túp lều ven kênh rạch mà sống. Miếng cơm manh áo ghì sát đất nên chả mấy khi họ quan tâm đến chuyện chữ nghĩa, học hành nên kiến thức xã hội nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng còn quá nhiều hạn chế. Và đôi khi, bi kịch “đáo tụng đình” cũng bắt đầu từ đó.

Thế nên, việc Tòa án huyện Ngọc Hiển tăng cường tổ chức những phiên tòa lưu động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó góp phần rất lớn trong việc từng bước “xóa mù pháp luật” cho người dân nơi sơn cùng thủy tận.

Sáng tạo không ngừng

“Không chỉ hoàn thành tốt về công tác xét xử lưu động, mà trong nhiều năm qua, TAND huyện Ngọc Hiển luôn là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác của TAND hai cấp tỉnh Cà Mau. Có được thành tích đó, ngoài sự cố gắng nỗ lực của cả tập thể, phải nói đến sự đóng góp công sức rất lớn của anh Việt”, Phó Chánh án TAND tỉnh Cà Mau Trần Trọng Hữu chia sẻ.

Người giữ công lý nơi đầu sóng

Đường ra Rạch Gốc

Quả thật, trong mỗi đơn vị, ở bất cứ ngành nghề nào, vai trò của người lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng, đôi khi còn quyết định đến sự “lên bổng” hay “xuống trầm” của cơ quan. Kể từ khi giữ cương vị Chánh án TAND huyện, anh Việt luôn trăn trở là phải làm sao để xây dựng đơn vị phát triển, trong sạch và vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là trong công tác xét xử. Để làm được điều này, anh đã phải mất rất nhiều công sức để mày mò, sáng kiến ra nhiều phương pháp làm việc mới cho anh em.

Ví như ngoài việc sinh hoạt định kỳ hàng tháng, anh Việt còn tổ chức giao ban hàng tuần với các Thẩm phán để nắm bắt được tiến độ giải quyết án của từng người, có vướng mắc gì về nghiệp vụ thì cùng tranh luận và tìm cách giải quyết. Trước khi xét xử mỗi vụ án, anh Việt còn yêu cầu các Thẩm phán soạn đề cương và kiểm tra kỹ đề cương nội dung thẩm vấn. Khi phiên toà diễn ra, bản thân anh cũng thường xuyên ngồi theo dõi để nắm bắt cách thẩm vấn cũng như cách điều khiển phiên toà của Thẩm phán. Sau phiên toà, anh cho họp để rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời những thiếu sót của HĐXX.

Anh Việt chia sẻ: Nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, từ việc thụ lý, báo gọi triệu tập phiên tòa, thống kê báo cáo, nghiên cứu văn bản nghiệp vụ đều được lập bảng biểu theo dõi khoa học, kịp thời, hiệu quả, chính xác nên tiến độ giải quyết án của đơn vị tăng lên rõ rệt. Vì thế mà đã hạn chế nhiều được án quá luật định.

Còn đối với việc giải quyết, xét xử án dân sự, anh Việt chủ động trao đổi với các cơ quan chuyên môn, đồng nghiệp trong việc giải quyết án, áp dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để giải quyết cho chính xác.  Chằng hạn, khi đi đo đạc đất đai, định giá tài sản có tranh chấp, thẩm định tại chỗ đều chụp ảnh hiện trường, xác định dấu vết nên các hồ sơ được xây dựng, điều tra đều rõ ràng, dễ hiểu, đúng trình tự tố tụng đảm bảo cho việc phán quyết được đầy đủ, chính xác.

Đặc biệt, anh cũng luôn nhắc anh em trong đơn vị cần hết sức kiên trì, mềm dẻo trong công tác hòa giải. Trong quá trình hòa giải, cán bộ Tòa án nhất định phải phân tích cho các bên đương sự hiểu những quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh về mặt đạo đức xã hội; tôn trọng, bảo đảm các ý kiến thể hiện sự  tự nguyện của các đương sự, không áp đặt quan điểm, phản bác ý kiến tự nguyện thỏa thuận của các đương sự mà chỉ đề xuất gợi mở hướng giải quyết tối ưu cho các đương sự để họ thực hiện nguyên tắc tự quyết định.

“Cơ quan là nơi tập hợp nhiều con người với nhiều hoàn cảnh, tính cách, trình độ khác nhau. Thế nên, nếu mình gần gũi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, sở trường sở đoản của từng người để từ đó phân công công việc sao cho phù hợp thì mới phát huy thế mạnh của từng cán bộ. Hơn nữa, mình làm lãnh đạo, trước tiên phải giữ được sự công bằng và gương mẫu thì anh em mới nể phục, nội bộ cơ quan mới đoàn kết được”, anh Việt chia sẻ.

Và, cũng chính nhờ sự tận tâm, tận lực cùng cách điều hành đơn vị hết sức khoa học ấy, anh Việt đã đóng góp rất lớn cho sự trưởng thành, vững mạnh của TAND huyện Ngọc Hiển hôm nay. Còn đối với bản thân anh, cái được lớn nhất có lẽ là sự yêu mến của anh em đồng nghiệp, và sự tin tưởng của đồng bào nơi đất Mũi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ công lý nơi đầu sóng