Trên địa bàn xã Trường Trung (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) mới đây xảy ra vụ việc 2 thanh niên đi đánh cá đêm không may vướng vào dây điện giăng ra để bẫy chuột khiến cả 2 tử vong. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi hành vi của người chủ ruộng lúa kéo dây điện đánh bẫy chuột có vi phạm pháp luật không và sẽ bị xử lý thế nào?
Trước đó, ngày 10/3, người dân thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) khi ra thăm đồng thì phát hiện anh N.M.C. (31 tuổi) và anh T.V.C. (23 tuổi, trú thôn Phượng Đoài) đã tử vong bên bờ ruộng lúa của một gia đình cùng thôn.
Nhận được tin báo, Công an xã Trường Trung đã tới nắm bắt sự việc, bảo vệ hiện trường đồng thời báo cáo sự việc lên cơ quan cấp trên.
Theo lãnh đạo UBND xã Trường Trung, lực lượng chức năng bước đầu nghi ngờ 2 nạn nhân đi vào khu ruộng, vô tình vướng phải dây điện dùng để bẫy chống chuột. Khu vực ruộng nạn nhân tử vong là của nhà anh N.V.T.
Lực lượng chức năng đã triệu tập anh T. tới trụ sở cơ quan công an để làm việc.
Hiện trường vụ việc
Trao đổi với PV, Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) phân tích: Sự việc xảy ra tại xã Trường Trung quả là đáng tiếc, để lại hậu quả nghiêm trọng khiến 2 người tử vong.
Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có quy định như sau:
“Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
....
đ) Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật;”
Tại Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP có quy định như sau: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tiền:
1. Hình thức xử phạt chính: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; c) Đình chỉ hoạt động điện lực có thời hạn; đình chỉ hoạt động dán nhãn năng lượng có thời hạn.
3. Mức phạt tiền: a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính được quy định do tổ chức thực hiện tại Điều 5, Điều 7, Điều 8, từ khoản 2 đến khoản 6 Điều 9, Điều 10, khoản 4 và các khoản từ khoản 6 đến khoản 9 Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 20, khoản 2 Điều 21, Điều 23, Điều 31 Nghị định này.”
Theo đó, cá nhân có hành vi sử dụng điện bẫy chuột là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Hành vi của người chủ ruộng lúa đã dùng điện lưới để bẫy chuột trên phạm vi đất của nhà mình quản lý, canh tác là gây nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp sử dụng điện trái phép, gây hậu quả chết người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại Mục 12 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn nội dung sau:
Nếu việc lắp đặt hàng rào điện tự chế để bẫy, bắt chuột được thực hiện ở nơi có nhiều người qua lại và người mắc điện biết điều đó nhưng vẫn cố ý mắc hoặc người đó để mặc cho các hậu quả xảy ra sau khi mắc điện (cho dù đều có để Biển báo nguy hiểm) thì nếu có người bị điện giật chết do vướng phải lưới điện, người mắc điện sẽ bị xét xử về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Nếu việc lắp đặt, sử dụng điện bẫy chuột được thực hiện ở nơi mà người mắc điện cho rằng sẽ không có người qua lại, người đó tự tin mình sẽ thực hiện tốt các biện pháp như canh gác cẩn trọng, cảnh báo người qua lại, cắm Biển báo nguy hiểm nhưng vẫn có hậu quả làm chết người xảy ra do lưới điện đó thì người mắc điện sẽ bị xét xử về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Ngoài ra, nếu việc mắc điện không phải để bẫy, bắt chuột phá hoại mùa màng mà mục đích là để chống trộm và nếu có hậu quả chết người xảy ra do lưới điện đó thì người mắc điện sẽ bị xét xử về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
“Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc nên phải căn cứ các tình tiết cụ thể để phân định tội danh, khung hình phạt. Hành vi dùng điện để đánh bẫy chuột, động vật hoang là nguy hiểm cho xã hội cần được tuyên truyền sâu rộng tới người dân biết, nắm rõ quy định của pháp luật", Luật sư Tuấn nói.