Môi trường quân đội là môi trường tập trung, chuyên nghiệp, và xu hướng tính dục không quyết định khả năng đóng góp của một người”.
Chiều 21/5, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa đã trình bày báo cáo giải trình và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS) và phục vụ tại ngũ đối với công dân nữ; bỏ cụm từ “có chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân Việt Nam”; ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định riêng đối với người đồng tính.
Riêng đối với người đồng tính là công dân Việt Nam, theo ông Khoa, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện NVQS bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp: “Công dân phải thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Và ông cũng cho biết thêm, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật.
Báo Công lý đã có cuộc trao đổi nhanh với anh Lương Thế Huy, cán bộ phụ trách pháp lý tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chuyên về mảng quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) về vấn đề này.
Anh Lương Thế Huy, cán bộ phụ trách pháp lý tại iSEE chuyên về mảng quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).
PV: Anh có quan điểm như thế nào về giải trình Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi), trong đó có nhắc đến đối tượng người đồng tính là công dân Việt Nam, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện NVQS bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp?
Anh Lương Thế Huy: Trước tiên tôi xin làm rõ một chút thông tin. Trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự, không có điểm nào ghi là người đồng tính nam cũng có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà chỉ là "công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự" thì có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong quân đội.
Người đồng tính nam vẫn có giới tính là nam, chứ pháp luật không hề coi người đồng tính là một giới tính khác, nên đương nhiên vẫn là đối tượng của nghĩa vụ quân sự. Chỉ là trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, các nhà làm luật có nhắc đến đối tượng người đồng tính nam, và theo hướng là không cần quy định cụ thể người đồng tính trong luật.
PV: Việc nhâp ngũ đối với người đồng tính nam (vì áp dụng NVQS bắt buộc đối với công dân nam) có thể gây ra nguy cơ, rủi ro gì đối với họ khi sinh hoạt tập thể với những quân nhân nam khác?
Anh Lương Thế Huy: Người đồng tính nam trước giờ vẫn, đã và đang phục vụ trong quân đội, mặc dù có thể không công khai. Môi trường quân đội là môi trường tập trung, chuyên nghiệp, và xu hướng tính dục không quyết định khả năng đóng góp của một người. Vì vậy, nếu tất cả đều tuân thủ những quy định, kỷ luật trong quân đội đặt ra, cùng hướng về mục tiêu lớn bảo vệ Tổ quốc thì tôi nghĩ không có vấn đề gì.
PV: Việc người đồng tính tham gia NVQS có làm giảm chất lượng quân đội như một số ý kiến trước đây từng lo ngại hay không?
Anh Lương Thế Huy: Ở nhiều quốc gia, tham gia vào quân đội là một quyền, không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Ví dụ ở Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan là có nghĩa vụ quân sự bắt buộc, hay hầu hết các nước châu Âu không yêu cầu công dân có nghĩa vụ tham gia phục vụ quân đội. Vì vậy, phục vụ quân đội được coi là một nghề với những tiêu chuẩn riêng.
Nhiều nước cũng từng tranh cãi cho phép người đồng tính tham gia vào quân đội có làm suy giảm tính chiến đấu hay sức mạnh hay không. Tuy nhiên, quan điểm này dựa trên định kiến là người đồng tính nam thì yếu ớt, trong khi thực tế thì không phải như vậy. Tranh cãi hiện tại chỉ là xoay quanh việc quân nhân là người đồng tính có quyền được công khai về mình trong quân đội hay không.
Khi chưa phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ, thì họ vẫn mang bản dạng sinh học nam.
PV: Nếu như áp dụng quy định này, thì theo anh cần có thêm bổ sung điều khoản như thế nào để đảm bảo rằng người đồng tính không bị kỳ thị, không bị rơi vào các nguy cơ rủi ro khi sinh hoạt với các quân nhân nam khác?
Anh Lương Thế Huy: Như đã nói, tôi đồng ý với việc không quy định riêng về người đồng tính trong luật, vì nếu có quy định dù là cấm hay cho phép, thì mới là biểu hiện của phân biệt đối xử. Điều quan trọng hơn, khi nó là một nghĩa vụ, có nghĩa là đã và đang có nhiều người đồng tính phục vụ trong quân đội. Điều cần làm là tạo điều kiện cho người đồng tính vẫn có thể thoải mái là chính mình, không phải che giấu bản thân dù ở bất kỳ môi trường nào.
Chủ đề đồng tính có thể là đề tài cấm kỵ trong quân đội nhiều nước, hoặc bị coi là vi phạm kỷ luật. Nhất là khi những người đồng tính trong quân đội biết nhau, khó tránh được những hành vi thân mật hơn. Lúc này thì vấn đề an toàn tình dục cũng rất quan trọng, nếu vẫn xem nó là cấm kỵ thì khó mà hỗ trợ hay khuyến khích họ thực hiện hành vi tình dục an toàn được. Môi trường cởi mở hơn luôn giúp con người đóng góp cho công việc tốt hơn.
PV: Trong việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự, với bản dạng sinh học là NAM, thì cả người đồng tính nam và Người chuyển giới nam có thể phải đi khám tuyển. Vậy theo anh quy trình khám tuyển như thế nào để đảm bảo không đưa "nhầm" người chuyển giới nhập ngũ?
Anh Lương Thế Huy: Đối với người chuyển giới thì lại là một câu chuyện khác. Người chuyển giới nữ (từ nam sang nữ) hiện nay vẫn không được thừa nhận là nữ giới, vì vậy vẫn thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, mặc dù cơ thể hoặc thể hiện, đặc tính giới tính của họ đã hoàn toàn như người nữ.
Đã có những trường hợp người chuyển giới vẫn phải đi khám nghĩa vụ quân sự chung với những người nam khác và cảm thấy bị xúc phạm vì những thủ tục, thái độ không phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng đang được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này, nên thừa nhận quyền thay đổi giới tính của người chuyển giới, để họ có thể có những quyền và nghĩa vụ phù hợp với giới tính thật của mình.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
Người chuyển giới là người sinh ra có giới tính sinh học là nam, nhưng trong suy nghĩ thì cảm nhận mình là nữ, và mong muốn thể hiện ra ngoài giống như nữ; và tương tự, người sinh ra có giới tính sinh học là nữ nhưng lại cảm nhận mình là nam, và mong muốn thể hiện ra ngoài giống như nam. Không phải người chuyển giới nào cũng muốn phẫu thuật. Có rất nhiều người chỉ đơn giản là cảm nhận về bản thân và thể hiện ra ngoài trái ngược với quy định của xã hội cho giới tính sinh học của họ. Những người chuyển giới đã phẫu thuật một phần hoặc phẫu thuật toàn phần thì còn được gọi là người chuyển giới tính. |