Vừa qua, triển lãm tranh “Người đọc” trưng bày 37 tác phẩm màu nước trên lụa tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội của tiến sĩ, họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu đã kết thúc. Triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là giới trẻ và được người tham quan đánh giá cao.
PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu để hiểu thêm về nữ họa sĩ tài năng, giàu lòng trắc ẩn và muốn lan tỏa văn hóa đọc qua những tác phẩm tranh này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh năm 1983 tại Nghệ An. Không chỉ là một nhà khoa học với học vị tiến sĩ văn học, chị còn dấn thân sâu vào nghệ thuật. Những sáng tác của chị gồm cả truyện thiếu nhi, thơ và và gần đây là hội họa.
-PV: Chào chị Thanh Lưu, trân trọng cảm ơn chị đã dành thời gian để trao đổi. Xin chị có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi từng theo nghiệp văn chương, lấy bằng tiến sĩ văn học năm 29 tuổi, từng công tác tại Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm KHXH, xuất bản vài ba cuốn sách được đón nhận khá nồng nhiệt, nhưng hiện tại tôi đang vui với ngã rẽ mới - hội họa. Tôi đang sống và làm việc tự do tại Hà Nội.
-PV: Chị là một tiến sĩ văn học, được biết chị còn viết truyện, làm thơ và vẽ tranh. Xin chị có thể chia sẻ về những cơ duyên đến với bản thân khi bước vào nghệ thuật?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Tôi vốn mê nghệ thuật từ bé, thích đọc, viết, làm thơ, thích cả vẽ, múa, hát. Nhưng thời của tôi không có đủ điều kiện để theo đuổi bất kì loại hình nghệ thuật nào trừ văn chương, vốn là thứ dễ tiếp cận hơn cả chỉ với bút và giấy. Tôi viết bài thơ đầu tiên năm 8 tuổi và quyết theo nghiệp văn chương từ đó. Hồi đi học thì học các lớp chuyên văn của trường năng khiếu thành phố Vinh, trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ An, đi thi học sinh giỏi quốc gia môn văn cả 3 cấp học. Lên đại học, tôi vào khoa Văn ĐHKHXH&NV rồi học 1 mạch lên tiến sĩ. Ra trường, tôi về công tác tại Viện Văn học. Con đường văn nghiệp rộng mở không có bất kì trở ngại nào. Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những bất ngờ thú vị. Năm 2016, trong 1 chuyến du lịch đến đảo Hawaii (Mỹ) cùng với gia đình, tôi tình cờ gặp 1 workshop vẽ tranh bên bờ biển. Đang rảnh rỗi, tôi tham gia. Sau 3 tiếng được chơi với màu và cọ, tôi cảm thấy muốn được tiếp tục. Về lại Sài Gòn, tôi tìm học vẽ ở một lớp học gần nhà. Tôi dành thời gian để học từ những thứ cơ bản nhất, rồi tiếp cận với các chất liệu khác nhau và cuối cùng dừng lại với chất liệu lụa.
-PV: Những bức tranh trong triển lãm “Người đọc” đầy ám ảnh trong một thế giới mà chúng ta, nhất là các em nhỏ đang bị cuốn vào những chiếc điện thoại hơn là những cuốn sách, đó hẳn là thông điệp chị muốn gửi gắm lần này?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Triển lãm “Người đọc” là một dự án tôi ấp ủ từ lâu bởi đối với tôi, người đọc luôn luôn là một mẫu hình của cái đẹp. Cái đẹp ở người đọc là cái đẹp lắng đọng, không phô trương, không ồn ào. Vẽ lại những người đọc là cách tôi chia sẻ niềm hạnh phúc ngắm nhìn vẻ đẹp an tĩnh đó, đồng thời cũng mong muốn thông qua đó, mọi người nhận ra chúng ta đẹp nhường nào khi chúng ta đọc. Đó cũng là một cách truyền dẫn thông điệp trực quan đến 1 xã hội hiện đại giờ đây thiếu vắng bóng dáng sách vở bởi sự xâm lăng của các thiết bị điện tử dễ gây nghiện.
- PV: Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình lên ý tưởng và thời gian để hoàn thiện các bức tranh trong triển lãm?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Ý tưởng về series tranh Người đọc thì đã nhen nhóm từ lâu như tôi đã nói. Tôi cũng không cần lên ý tưởng gì nhiều cho từng bức tranh bởi tôi chủ yếu vẽ theo lối tả thực. Vốn yêu vẻ đẹp của người đọc nên trong tôi đã đầy ắp các trạng huống, các tư thế, các đối tượng đọc. Chính vì thế mà tôi cứ liên tục vẽ hết bức này sang bức khác mà chẳng cần nghĩ nhiều. Mọi chất liệu đời sống đã ngồn ngộn sẵn khi xung quanh tôi có rất nhiều người đọc. Toàn bộ 37 bức tranh được vẽ trong hơn 2 năm tôi bị bó chân ở nhà vì Covid.
-PV: Các bức tranh của chị ngoài chủ đề về đọc sách, bên cạnh đó là những hình ảnh gần gũi ở trong tranh như những bông hoa, các con vật, hẳn chị là người rất yêu thiên nhiên?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Quả đúng là tôi thích đưa thiên nhiên vào tranh bên cạnh đối tượng chính là con người. Tôi là người yêu tự nhiên, có xu hướng coi vạn vật đồng đẳng. Thiên nhiên xuất hiện trong tranh cũng mang những ý nghĩa tích cực, những hàm nghĩa đẹp đẽ như chính con người. Chúng cũng góp phần khơi gợi những thông điệp cho các bức tranh có thêm chiều sâu.
-PV: Cảm xúc của chị sau khi hoàn thành các bức tranh? Cảm xúc khi các bức tranh ấy được treo lên tại nhà triển lãm cho mọi người cùng thưởng thức?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Vẽ tranh đối với tôi là một niềm hạnh phúc. Khi vẽ, tôi tập trung toàn bộ tâm trí, cảm xúc vào bức tranh nên việc vẽ như là một sự hành thiền. Các tác phẩm được vẽ ra bởi niềm hạnh phúc nên cũng được yêu quí vô ngần. Mỗi bức tranh là một đứa con tinh thần mà tôi không muốn rời xa. Tôi bị mắc bệnh tiếc tranh, không muốn bán tranh vì thế. Tuy nhiên, tôi phải học cách vượt lên sự ích kỉ của việc chỉ thỏa mãn tinh thần cá nhân để đưa tranh đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật qua triển lãm. Khi tranh được treo cho mọi người ngắm chung, cảm giác hạnh phúc được nhân lên bội phần bởi sự cộng hưởng cảm xúc của mọi người. Chính việc đó cũng sẽ là động lực thúc đẩy sáng tạo cho nghệ sĩ.
-PV: Xin chị có thể chia sẻ sâu thêm về ý nghĩa một số bức tranh?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Mỗi bức tranh người đọc gửi đến một thông điệp khác nhau về sự đọc. Nếu bạn có trong tay cuốn artbook Người đọc, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó nhờ những dòng ghi chú nhỏ cạnh mỗi bức tranh. Hai bức tranh được nhiều người hỏi han về ý nghĩa nhất là bức đầu tiên trong series, bức Người đọc và bức “Người đọc 27”. “Người đọc” vẽ 1 bé gái nằm đọc cuốn sách về tiên cá trên sofa, xung quanh cô bé là sàn gạch bông đã biến thành biển nước với cá bơi lội tung tăng. Dòng ghi chú bên cạnh bức tranh: “Một người đọc là một người mơ” - chính là tên phụ của cuốn artbook có thể giải nghĩa phần nào thông điệp bức tranh muốn nói đến. Có lẽ ít ai nhận ra, khi đọc, hiện thực đời sống của ta không còn là thực tại xung quanh nữa mà nó chính là cái thực tại trong trang sách. Thứ hiện thực phóng chiếu từ trang sách đó mang đến cho người đọc một thế giới khác. Bởi thế, một người đọc là một người mơ.
“Người đọc 27” vẽ một cô gái đang đọc sách. Họa tiết trên áo cô là một bầy kiến bò lộn xộn. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy chúng có xu hướng bò ra khỏi áo theo một đường thẳng tắp. “Đọc là chấp nhận (sự) từ khước (của) đám đông” - đó là dòng ghi chú bên cạnh bức tranh. Bức tranh là một suy tưởng về sự đọc một cách độc lập, khi ta cần chấp nhận sự bỏ rơi của đám đông cũng như cần từ chối đi theo lối mòn của cộng đồng để tìm ra những ý nghĩa riêng tư mang tính cá nhân nhất từ trang sách.
-PV: Là một nhà khoa học, lại dấn thân sâu vào nghệ thuật, mọi người trong gia đình chị luôn ủng hộ chị chứ?
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu: Đang là một người làm nghiên cứu, bỗng nhiên trở quẻ đi theo con đường nghệ thuật, tôi nghĩ ban đầu đại gia đình vốn có truyền thống khoa cử của tôi không vui, thậm chí nghĩ rằng tôi chỉ đang phung phí thời gian rong chơi thiếu nghiêm túc. Nhưng tôi nghĩ sau 2 triển lãm cá nhân khá thành công, mọi người chắc là đã nhìn việc vẽ của tôi khác đi, ít nhất là đã hiểu tôi đang rất nghiêm túc với lựa chọn rẽ ngang có vẻ ngẫu hứng của mình. Riêng gia đình nhỏ của tôi thì ủng hộ tôi hoàn toàn vì chồng và 2 đứa con của tôi thấy rõ việc vẽ đã giúp tôi thế nào trong những ngày tháng bị bất ổn về tâm lí.
-PV: Xin trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!