Nhiều hộ dân tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn vì nằm sát nơi thi công đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Nguy hiểm rình rập
Anh Nguyễn Văn Hà (trú tại thôn An Dương, xã Hùng An) cho biết, đất nhà anh có diện tích 500m2, nằm trên tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua, tuy nhiên, bên phía chủ đầu tư chỉ thu hồi 240m2 đất, còn lại 260m2 thì không thu hồi.
Chị Lý Thị Sơn (vợ anh Hà) than thở về việc thi công đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang làm hư hỏng nhà: "Ngôi nhà của gia đình đã bị hư hỏng nghiêm trọng do việc thi công ở quá gần. Nhiều vết nứt liên tiếp xuất hiện khiến cho gia đình 5 người (2 vợ chồng và 3 con nhỏ) sống trong cảnh lo âu, mất ăn mất ngủ".
Mỗi lần đội thi công lu đường là những tấm lợp trên mái nhà và đòn tay lại va vào nhau cành cạch, khiến cho mọi người không ai dám ở lại trong nhà. Cách đây khoảng 1 tuần, mái bếp đã bất ngờ đổ sụp khi đội thi công đang lu lèn đường ngay trước của nhà, may mắn là không có ai trong gia đình bị thương, anh Hà cho hay.
Anh Hà cho biết thêm, gia đình đang sống trong lo lắng vì ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hơn nữa, sau khi tuyến đường hoàn thành thì gia đình sẽ không có đường vào nhà, vì tuyến đường cắt ngang qua mái hiên nhà anh. Gia đình đã nhiều lần đề nghị được thu hồi, đền bù nốt diện tích đất còn lại để có thể chuyển đi nơi khác, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi từ chính quyền địa phương. Vì vậy, anh mong muốn chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án sẽ xem xét để cho gia đình anh được giải phóng, đền bù để chuyển đi nơi khác ổn định cuộc sống.
Nhà cửa, vườn cây biến thành ao nước
Cũng nằm cạnh bên tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, ông Nguyễn Văn Ngà (xã Hùng An, huyện Bắc Quang), cho biết: "Rãnh thoát nước ở khu vực xung quanh đã bị bịt kín trong quá trình thi công đường cao tốc. Trận mưa lớn vào giữa tháng 5 đã khiến cho lượng lớn nước mưa kèm theo bùn đất từ công trường tràn vào nhà. Trong nhà, nước có chỗ đến đầu gối, có nơi đến bụng. Nhiều đồ điện bị hư hỏng, đồ đạc cứ ngổn ngang hết. Nước rút thì bùn đất bám khắp nơi, dọn dẹp rất vất vả.
Gia đình có hàng nghìn mét vuông cây ăn quả, sau trận ngập khiến cho số cây trồng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng cây sâm của gia đình hiện nay đã bị chết hoàn toàn, nhiều cây ổi, bưởi đang kết trái nhưng do ngâm nước nên đang bắt đầu rụng liên tục".
Theo ông Ngà, việc nước ngập vào nhà khiến nhiều gia đình vất vả. Ngoài đảo lộn sinh hoạt, sinh kế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các gia đình chủ yếu làm nông, việc thu hoạch sau này sẽ không đạt hiệu quả.
Hiện các mương dẫn nước đã được phía đơn vị thi công xử lý. Tuy nhiên, cũng chỉ đang khơi thông tạm thời. Nếu mưa lớn thì nguy cơ nhà dân tiếp tục ngập úng là rất cao, ông Ngà cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Lý, ông Hoàng Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND xã Hùng An (huyện Bắc Quang) cho biết, trước đây, tình trạng ngập úng không xảy ra. Mới đây, khi đơn vị thi công san lấp mặt bằng, xe đi lại đổ đất lên rãnh thoát nước gây nên ngập.
Địa phương đang làm việc với đơn vị thi công, phía bảo hiểm để giải quyết cho các gia đình bị ảnh hưởng".
Đường biến thành sình lầy
Nằm trên tuyến thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, vì chưa có phương án đền bù để di dời, gia đình anh Nguyễn Văn Hà (xã Hùng An) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Bên cạnh việc bị nứt nhà, sập mái, việc thi công công trình đã làm cho hệ thống mương, cống bị tắc nghẽn nghiêm trọng, con đường di chuyển từ nhà ra đến trung tâm xã sau mỗi cơn mưa là biến thành sình lầy.
Một số lần đưa con đi học, 2 bố con anh đã ngã do đường trơn trượt, bánh xe không thể quay được vì bùn đất, rất may không có thương vong xảy ra, anh Hà cho hay.
Cùng sống bên cạnh khu vực thi công của tuyến đường cao tốc, bà Lê Thị Chung (xã Hùng An) cho biết, cứ mỗi khi mưa là nước lại ngập vào cổng nhà, di chuyển rất khó khăn. Nhiều lần mất điện vì xe lớn của công trình đi qua làm đứt dây. Bên cạnh đó, quá trình thi công tạo nhiều vũng nước sâu nên rất nguy hiểm, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Cứ mưa xuống là con đường lại ngập, lầy lội nên người dân rất vất vả.
Bà Chung đề nghị cần sớm làm đường gom tạm thời cho người dân đi thì sẽ bớt vất vả, thoát cảnh ngập, trơn trượt, tránh tình trạng ngập lụt xảy ra trong thời gian dài.
Ông Hoàng Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND xã Hùng An cho biết, xã đã ấn định ngày tới đây sẽ làm việc với đơn vị thi công để giải quyết về vấn đề mở đường gom cho người dân đi lại, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang có tổng chiều dài 27,5km (điểm đầu tiếp giáp với địa phận tỉnh Tuyên Quang, điểm cuối tại xã Tân Quang huyện Bắc Quang) với tổng mức đầu tư gần 3200 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào cuối tháng 5/2023.
Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) là đơn vị thực hiện gói thầu 03-XL (đoạn Km0 - Km12+500) cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chiều dài 12,5km, đi qua địa phận thị trấn Vĩnh Tuy và 3 xã Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang). Tổng giá trị xây lắp của gói thầu gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 30 tháng.