Cầu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) bắc qua sông Nông Giang, thuộc xã Thiệu Trung đã bị xuống cấp nghiêm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào. Mỗi lần xe ô tô tải đi qua, cầu rung rất mạnh khiến người dân nơi đây vô cùng sợ hãi.
Bằng mắt thường có thể nhìn thấy dầm cầu Thiệu Trung làm bằng sắt, đã hoen gỉ, các điểm nối bê tông mặt dưới cầu bong tróc. Lớp đá ở mố cầu đã xuất nhiều điểm sạt lở. Và lan can cầu một số nơi bị gãy, nứt, lòi sắt, nguy cơ mất an toàn cho người dân đi qua.
Cầu Thiệu Trung được xây dựng từ những năm 1980 nay đã xuống cấp nghiêm trọng
Theo chị Phạm Thị Thanh, một người dân xã Thiệu Trung cho biết, cầu Thiệu Trung nối từ Quốc lộ 45 vào làng nghề truyền thống đúc đồng Chè Đông. Đây là làng nghề nổi tiếng từ xa xưa về kỹ thuật đúc trống đồng tinh xảo, hằng năm lượng người từ các địa phương khác tìm về đây đặt hàng đúc các dụng cụ bằng đồng là rất lớn.
Hàng ngày có rất nhiều xe tải lớn chạy qua khiến cây cầu rung rất mạnh
"Mỗi lần đi qua cầu mà gặp xe ô tô là tôi phải dừng lại đợi xe đi qua tôi mới dám đi vì cầu rung lên rất sợ, nhiều khi phải nín thở đi qua. Về lâu dài, nhân dân chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm đầu tư kinh phí, tu sửa hoặc làm mới cầu Thiệu Trung để nhân dân yên tâm qua lại”, chị Thanh nói.
Lan can cầu gãy, nứt lòi sắt gây mất an toàn cho người dân đi qua
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết, cầu Thiệu Trung được xây dựng từ năm 1980, là tuyến đường độc đạo để nhân dân trong xã giao thương với bên ngoài. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã bỏ nguồn kinh phí sửa chữa ray gầm cầu mấy lần rồi.
Nhiều điểm thành cầu bị bong tróc bê tông khiến người dân sợ hãi mỗi lần đi qua
"Từ năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho chủ trương làm mới cầu Thiệu Trung, giao huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư. Thế nhưng, lúc đó Trung ương có Nghị quyết 11 giãn đầu tư tài chính công nên đến nay vẫn chưa được đầu tư", ông Lạc nói.
Các mố cầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở khu vực kè đá
Ông Lạc cho biết thêm: “Nếu không được tu sửa, đầu tư mới thì hiểm họa “sập cầu” sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên ngân sách địa phương hạn hẹp không thể tự làm được, do đó chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành sớm về kiểm tra, nghiên cứu, đầu tư, giúp địa phương xây dựng một cây cầu mới, đảm bảo an sinh xã hội”.