Người dân điêu đứng vì “con nợ” tuyên bố vỡ nợ hàng chục tỷ đồng

Tùng Anh| 24/11/2022 22:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vô cùng hoang mang, lo lắng khi “con nợ” là Nguyễn Thị Lý (SN 1988, ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung) thông báo bị lừa mất 52 tỷ đồng và tuyên bố mất khả năng chi trả các khoản vay.

anh1-vu-vo-no.jpg
Bà Bùi Thị Độ lo lắng khi “con nợ” thông báo mất khả năng chi trả các khoản vay.

Những ngày cuối tháng 11/2022, tìm về thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), đi đến đâu, cũng chỉ nghe người dân bàn tán xôn xao về vụ vỡ nợ hàng chục tỷ đồng.

Tại căn nhà của bà Bùi Thị Độ ở thôn Nghĩa Đụng liên tục có người dân tìm đến tận nhà để đòi nợ. Bởi lẽ, bà Độ chính là khâu “trung gian”, đi huy động vốn của người dân địa phương rồi cho Nguyễn Thị Lý ở cùng thôn vay lại.

Bà Độ nghẹn ngào cho biết: “Mấy ngày nay tôi mất ăn mất ngủ, tinh thần bị suy sụp vì ngày nào cũng có người gọi điện thoại rồi tìm đến tận nhà đòi nợ. Với khoản nợ lên đến 14,7 tỷ đồng thì tôi có bán hết nhà, bán hết đất cũng không thể trả nổi”.

Bà Độ cho biết, bà là Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn kiêm tổ trưởng tổ vay vốn theo kênh Ngân hàng Chính sách xã hội nên có nhiệm vụ đầu mối cho bà con nông dân vay vốn làm ăn và thu lãi trả ngân hàng hàng tháng. Thấy bà Độ là người uy tín, có khả năng kêu gọi huy động vốn từ người dân nên vào tháng 3/2021, Nguyễn Thị Lý đã nhờ bà Độ thông báo với bà con cho vay lãi để “đáo hạn ngân hàng” tại một ngân hàng ở thị xã Bỉm Sơn. Cũng vì tin tưởng bà Lý là người cùng thôn, có cửa hàng kinh doanh thuốc tây và sữa lớn ở địa phương nên nhiều người đã tin tưởng, cho bà Lý vay với lãi suất cao hơn các ngân hàng.

Thời gian đầu, với khoản vay 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Lý đều trả lãi sòng phẳng nên càng tạo được lòng tin. Từ đó, có nhiều người dân cho bà Lý vay từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng thông qua người “trung gian” là bà Độ.

Đến đầu tháng 10/2022, bà Lý nói cần huy động thêm 6 tỷ đồng để đầu tư làm ăn nên bà Độ tiếp tục thông báo, sau đó nhiều người dân lại gửi tiền qua cho bà Độ. Chỉ tính từ ngày 12/10 đến ngày 21/10, bà Độ đã huy động và cho bà Lý vay tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Bà Lý hẹn đến ngày 25/10 sẽ trả cả gốc lẫn lãi.

Qua các giấy nợ viết tay mà bà Độ cung cấp, từ tháng 3/2021 đến ngày 21/10/ 2022, tổng số tiền bà Độ cho bà Lý vay đã lên tới 14,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi “ôm” tiền, đến ngày 23/10/2022, bà Lý gọi điện cho bà Độ thông báo bị một người ở tỉnh Bình Dương lừa mất 52 tỷ đồng nên không còn khả năng trả nợ các khoản vay.

Không chỉ riêng bà Độ, ông Mai Đức Th. ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn cũng cho bà Nguyễn Thị Lý vay tổng số tiền lên đến 5,9 tỷ đồng.

Bà Độ cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần tìm đến nhà bà Lý để đòi nợ nhưng cả vợ chồng bà Lý đều không có ở nhà, gọi điện thoại thì không liên lạc được nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an”.

anh2-vu-vo-no.jpg
Khoản vay hàng chục tỷ đồng của “con nợ” chỉ bằng hình thức giấy nợ viết tay.

Trao đổi với PV Báo Công lý, thiếu tá Nguyễn Văn Dương - Trưởng Công an xã Hà Long cho biết, trên địa bàn có xảy ra sự việc vỡ nợ, công an xã đã tiếp nhận nội dung thông tin và đã chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hà Trung giải quyết theo thẩm quyền.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liêp tiếp xảy ra những vụ vỡ nợ với số tiền “khủng” từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng. Biết bao người đã lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, gia đình ly tán, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Mặc dù thủ đoạn hay hình thức gom tiền trong các vụ vỡ nợ không có gì mới, nhưng rất nhiều người dân vẫn “sập bẫy” chỉ vì ham lãi suất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân điêu đứng vì “con nợ” tuyên bố vỡ nợ hàng chục tỷ đồng