Người dân cần làm gì khi cán bộ không khai thác được dữ liệu điện tử?

Hà An| 30/12/2022 08:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong trường hợp người dân ở vùng sâu vùng xa, không thể khai thác dữ liệu điện tử thì khi làm các thủ tục cần giấy tờ chứng minh cư trú thì có thể sử dụng “Giấy xác nhận thông tin về cư trú”. Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Hỏi: Theo tôi được biết, từ ngày 1/1/2023 sẽ “khai tử” sổ hộ khẩu giấy. Do đó, khi đi giải quyết các thủ tục hành chính, cán bộ sẽ khai thác thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng bởi khu vực tôi sinh sống là vùng sâu, vùng xa, nhiều lúc không có mạng Internet nên cán bộ không thể khai thác dữ liệu điện tử. Khi đó, công dân sẽ phải xuất trình loại giấy tờ gì để thực hiện giao dịch?

Độc giả Hoàng Đình Tưởng, Lào Cai

bo-so-ho-khau.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Về vấn đề này, luật gia Khổng Thùy Dung, Văn phòng luật sư Interla tư vấn như sau:

Sổ hộ khẩu là giấy tờ quan trọng sử dụng để chứng minh thông tin cư trú của người dân, là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch quan trọng như: thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; thủ tục làm sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà; xác nhận tình trạng hôn nhân;…

Theo quy định Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 01/7/2022, mọi thông tin liên quan đến cư trú đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.

Các loại giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu giấy, cụ thể:

Giấy xác nhận thông tin về cư trú: Hiện nay, sổ hộ khẩu thường được sử dụng để chứng minh thông tin về cư trú khi tham gia các giao dịch, thủ tục hành chính. Khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy, công dân có thể sử dụng giấy tờ khác có nội dung tương tự là Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế.

Căn cước công dân gắn chíp: Gần đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành sử dụng thông tin trên căn cước công dân gắn chíp thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh thông tin cá nhân và nơi cư trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Tài khoản định danh điện tử: Trước thời điểm bỏ sổ hộ khẩu, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các yêu cầu xuất trình cổ hộ khẩu để sử dụng ứng dụng định danh điện tử, thẻ căn cước công dân, dữ liệu dân cư khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân tại Nghị quyết 121/NQ-CP ban hành ngày 11/9/2022. Theo đó, tài khoản định danh điện tử cá nhân là một trong những phương thức thay thế sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Như vậy trong trường hợp bạn ở vùng sâu vùng xa, không thể khai thác dữ liệu điện tử thì khi làm các thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA cần giấy tờ chứng minh cư trú, bạn có thể sử dụng “Giấy xác nhận thông tin về cư trú”. Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân cần làm gì khi cán bộ không khai thác được dữ liệu điện tử?