Xã hội

Người cựu binh nguyện đời mình đi tìm hài cốt đồng đội

Bá Mạnh 23/07/2025 - 09:30

“Chiến tranh đã lùi xa, vậy nhưng những nỗi đau, sự mất mát dường như vẫn còn hiện hữu, dai dẳng theo thời gian và hằn sâu trong trái tim của người ở lại. Có liệt sĩ may mắn được trở về an nghỉ trên quê hương, nhưng có những liệt sĩ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xa xôi, cách trở... Phải tìm bằng được các anh về - Đó là mệnh lệnh từ trái tim”, CCB Lê Văn Chớ cho hay.

Rưng rưng quá khứ

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi gặp cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Chớ tại căn nhà ven sông Cày (xã Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), khi ông đang lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ chung các đồng đội của mình.

“Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau người ở lại vẫn còn hiện hữu. Những liệt sĩ đã được tìm thấy thì còn có người thân và gia đình thăm nom nhưng vẫn còn biết bao đồng đội chưa được tìm thấy, nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng người thân…”, ông Chớ nói và khấn cầu các đồng đội linh thiêng phù hộ cho ông ngày càng tìm kiếm được nhiều thêm những đồng đội của mình đang nằm đâu đó dưới đất sâu lạnh lẽo.

Bên con sông Cày nước chảy quanh năm, ông kể lại đời binh nghiệp của mình cho chúng tôi nghe. Câu chuyện về ông có sự hào hùng, gian khổ, sự hi sinh cao cả cho Tổ quốc vẹn tròn.

cuu_binh_2.jpg
Từng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, Cựu chiến binh Lê Văn Chớ (75 tuổi, xã Mai Phụ, tỉnh Hà Tĩnh) đã nhiều lần chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống để bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày trở về, ông vẫn đau đáu trong lòng về việc tìm kiếm những liệt sĩ còn nằm lại nơi chiến trường xưa. Hơn 30 năm qua, ông cùng Ban liên lạc vẫn miệt mài, chắp nối thông tin, góp sức tìm kiếm hài cốt đồng đội.

CCB Lê Văn Chớ đi bộ đội vào cuối năm 1966, khi mới vừa tròn 18 tuổi. Ông học Trường trinh sát đặc công rồi vào chiến trường B. Suốt ba năm ở trung đoàn 812, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị khốc liệt, ông đã tham gia ngót 100 trận đánh lớn nhỏ, bảy lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. 55 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí ông vẫn nhớ như in trận chiến đấu ác liệt chiếm cao điểm 440 tại động Chiêm Dòng ở phía Tây Hải Lăng, Quảng Trị.

CCB Lê Văn Chớ cho biết, tháng 5/1970, hưởng ứng lời kêu gọi của mặt trận, các chiến trường đều ra sức thi đua đánh Mỹ lập công mừng sinh nhật Bác. Đêm 18/5, Đại đội 20 đặc công và Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 do Võ Mai Phong làm Đại đội trưởng nhận lệnh tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 54 nguỵ trên động Chiêm Dòng ở phía Tây Hải Lăng (cao điểm 440).

cuu_binh_9.jpg
Mũi trưởng Đặc công Lê Văn Chớ chụp năm 1969.

“Trận này, tôi được giao chỉ huy mũi chủ công dẫn bộ đội luồn sâu đánh Sở chỉ huy và trung tâm thông tin của địch. Quá trình chiến đấu, tôi bị thương vào tay, băng bó xong, tôi tiếp tục dẫn đồng đội xông lên… Địch bắn ra như vãi đạn, giao tranh ác liệt nhưng anh em không hề nao núng, khí thế ngút trời, ai nấy đều muốn lập công kính dâng lên Bác sau gần một năm Người đi xa. Tôi cùng đồng đội xông lên với ý chí sẵn sàng quyết tử, sau đó bản thân trúng đạn rồi lịm dần đi với hình ảnh đồng đội anh dũng tấn công…”, CCB Lê Văn Chớ kể lại.

CCB Lê Văn Chớ kể tiếp, trong trận đánh ấy, ông bị đạn xuyên thủng từ lưng ra trước bụng, ruột bị đứt làm 4 đoạn. Lúc đó, tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Khương phải lấy bát B52 úp vào bụng ông, lấy mũ tai bèo đắp vào quấn chặt lại rồi đưa ông về trạm cứu thương dã chiến phía sau trận địa. Theo các đồng đội kể lại thì lúc đó ông đã không còn sự sống, mọi cố gắng đều trở nên vô vọng…

cuu_binh_3.jpg
Bàn thờ chung các đồng đội được cựu chiến binh Lê Văn Chớ lập tại nhà mình.

Trận này, theo xác minh của đồng đội, tiểu đoàn 4 có 10 chiến sĩ (trong đó có Lê Văn Chớ) hy sinh nên đã đào 10 huyệt và chuẩn bị làm lễ truy điệu. Ông đã được đưa vào túi nylon - một loại quan tài dã chiến ở chiến trường để chuẩn bị chôn cất. Bằng một kì tích nào đó, đồng đội phát hiện thấy túi nylon chứa ông phập phồng nên nhanh chóng chuyển ông vào hầm phẫu thuật trạm quân y dã chiến. Bác sĩ Nguyễn Đình Căn và các y sĩ đã phẫu thuật thành công cho ông, đưa ông từ “cõi chết trở về”.

Trận chiến đấu ác liệt 19/5/1970 ở phía Tây Hải Lăng khiến ông bị thương nặng, buộc phải rời đơn vị về hậu phương lớn chữa trị. Giữa năm 1971 bình phục, ông lại trở về quân đội, làm trợ lý đặc công Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh. Năm 1976, ông phục viên, là thương binh 2/4 với thương tật 61%.

Phải tìm bằng được các anh về...

Những ngày tháng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đối với ông là những tháng ngày không thể nào quên. Ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi vẫn còn được trở về đoàn tụ bên gia đình, được sống trong những ngày tháng hòa bình. Hình ảnh về những đồng đội năm xưa đã ngã xuống thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để trả nợ ân tình với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

cuu_binh_7.jpg
“Quyết tâm tìm hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và tìm kiếm thân nhân cho những liệt sĩ đã được chôn cất tại nghĩa trang, lấy đó làm niềm vui cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình”, Cựu chiến binh Lê Văn Chớ chia sẻ.

Năm 1995, ông bắt đầu hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cùng với các đồng đội khác của mình, đến nay, gần 30 năm, Ban liên lạc của ông đã kết nối, chắp nối thông tin với vô số thân nhân của các liệt sĩ để cùng đưa các anh về quy tập, yên nghỉ tại các nghĩa trang.

1920x1080-3.png

“Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ và xúc động. Những bước chân không mỏi trên đại ngàn, trở lại những trận địa đã qua nơi dấu tích đã đổi thay theo năm tháng. Ăn cơm rừng, lội suối, trèo đèo, ngủ võng, đằm mình trong những cánh rừng…, những người lính già chúng tôi cùng chạy đua với thời gian, gắng tìm những gì còn lại cho gia đình, quê hương đồng đội”. Cựu chiến binh Lê Văn Chớ cho hay.

Bên cạnh đó, ông còn tìm kiếm hồ sơ góp phần làm căn cứ để Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng cho đồng đội đã hy sinh. Người cựu binh tâm sự: “Mỗi lần tìm được hài cốt liệt sĩ tôi mừng lắm. Chỉ mong tìm được hết các anh, chỉ khi các anh có người hương khói, chăm sóc thì lòng tôi mới an tâm, thanh thản được. Còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục công việc này".

cuu_binh_8.jpg
Mỗi chuyến đi là mỗi câu chuyện, tìm về kí ức, nơi thanh xuân, xương máu gửi lại nơi chiến trường.

Theo ông Chớ, trong hàng trăm chuyến đi, không phải lần nào cũng tìm được hài cốt liệt sĩ, có những lần trở về tay trắng. Thế nhưng ông cùng Ban liên lạc của mình không cho phép mình dừng lại, còn một chút manh mối, thông tin ông lại tiếp tục lên kế hoạch tìm kiếm đồng đội.

e7bfdd8f-d6f0-40eb-82c0-fc3809ca73fd.jpg
Bằng khen Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và BCH Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tặng cựu chiến binh Lê Văn Chớ.

Những năm gần đây, vì tuổi đã cao nên công tác tìm kiếm có phần khó khăn nhưng ông và các đồng đội trong Ban liên lạc của mình không hề nản lòng, vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về những đồng đội đã hi sinh trên chiến trường. Do đó, sau mỗi lần có thông tin là cựu chiến binh Lê Văn Chớ cùng các đồng đội của mình không bằng cách này thì cách khác hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ đi tìm và đón các anh về. Trong năm 2025, ông và đồng đội của mình đã tìm thấy thêm 6 hài cốt liệt sĩ.

cuu_binh_5.jpg
Vết thương do đạn bắn xuyên từ lưng ra trước bụng và sự sống dậy với ông cho đến tận bây giờ vẫn là điều kì tích.

Từng là người lính trải qua chiến tranh, hiểu và luôn trân trọng tình cảm thiêng liêng của đồng đội nên ông và Ban liên lạc của mình luôn tâm niệm khi mình còn sức khoẻ thì sẽ tiếp tục tìm kiếm đưa các hài cốt liệt sĩ đồng đội trở về. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là sự tri ân của ông đối với các anh hùng liệt sĩ, với những đồng đội đã hy sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cựu binh nguyện đời mình đi tìm hài cốt đồng đội