Đời sống

Người cao tuổi: Tài sản quý giá của đất nước

Dương Dũng 07/06/2024 - 09:48

Theo Quyết định 772/QĐ-TTg năm 2006 và Điều 6 Luật Người cao tuổi 2009 thì ngày 6 tháng 6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam". Đây là ngày để nhớ ơn và tri ân những đóng góp của người cao tuổi trong cộng đồng và xã hội.

Vị trí quan trọng của người cao tuổi Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người cao tuổi luôn giữ vai trò, vị trí rất quan trọng. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn và các giá trị gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, người cao tuổi là tài sản vô cùng quý giá cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo.

Dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 25%, tương đương 27 triệu người vào năm 2050. Hội Người cao tuổi Việt Nam cả nước hiện có trên 12 triệu người cao tuổi. Hội Người cao tuổi tập hợp thu hút trên 10 triệu hội viên.

ewggg.jpg
Người cao tuổi luôn có một vị trí quan trọng trong xã hội.

Với tỷ trọng càng cao trong cơ cấu dân số, người cao tuổi ngày càng có một vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng.

Ngày 10 tháng 5 năm 1995, Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam được thành lập, đã trở thành mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội.

Ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg: “Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

Ngày 23 tháng 11 năm 2009 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) đã biểu quyết thông qua Luật NCT. Điều 6, Luật NCT ghi rõ: “Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”.

Những năm qua, các cấp hội người cao tuổi (NCT) trong cả nước đã phát huy tốt vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, gương mẫu trong các hoạt động xã hội, phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

ewwff.jpg

Ngày 6/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” kêu gọi toàn dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của phụ lão “Trách nhiệm của các vị phụ lão với trách nhiệm đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì, nước nhà hưng, suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề…Nước nhà lo các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cùng vui (Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão 6-1941). Người cho rằng NCT trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho phụ lão cả nước bắt chước và hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà” (Hồ Chí Minh, Thư gửi các bậc phụ lão, báo cứu quốc số 48, ngày 21/9/1945).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ lão cứu quốc Hội đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược giành thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NCT Việt Nam đã kế thừa, phát huy truyền thống từ Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Hội NCT Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội.

ssss.png
Trong bối cảnh hiện đại, khi xã hội ngày càng phát triển và biến đổi nhanh chóng, tầm quan trọng của người cao tuổi càng trở nên rõ rệt và cần được đánh giá đúng mức.

Từ năm 1941 - 1945: Hàng chục vạn NCT đã tham gia vào tổ chức Hội Phụ lão cứu quốc, để tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang của Đảng; nuôi giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ, làm công tác binh vận, giữ bí mật các cơ sở hoạt động của Đảng, tích cực xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ năm 1945 - 1954 (kháng chiến chống Pháp): NCT đã gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Động viên thanh niên đi bộ đội, đi thanh niên xung phong mở đường chiến dịch. Các “Hội mẹ chiến sĩ” tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”.

Từ năm 1954 -1975 (Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Ở miền Bắc có nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những “cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ”, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”. Nhiều cụ mạnh khỏe còn tham gia các đội “Bạch đầu quân”.

Ở chiến trường miền Nam, nhiều cụ đã ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị; các bà má miền Nam tay không, dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, đòi con đang bị giam cầm; kêu gọi anh em binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào.

Từ năm 1975 - 2024: NCT có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, trật tự xã hội…trong đó có nhiều NCT có trình độ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia vẫn nhiệt huyết, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ để tiếp tục đóng góp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế . NCT đã khẳng định được vị trí là hạt nhân nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, như: “Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi”, “Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và tham gia “giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự biên giới, đất liền, biển đảo”; tham gia các hoạt động xã hội ở cơ sở, làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, Trưởng bản, Tổ hòa giải, Tổ tự quản… nhất là khôi phục lại làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương, đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định cơ sở, phát triển khinh tế - xã hội.

uqqf-3-.jpg
Người cao tuổi là một phần không thể thiếu trong xã hội Việt Nam.

Để phát huy vai trò người cao tuổi

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của NCT nhiều năm qua, “Tuổi cao chí càng cao” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; NCT đã hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” trong các phong trào thi đua, có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; tham gia giữ gìn an ninh trật tự; tham gia các hoạt động ở địa phương, các cấp Hội cơ sở góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

NCT là một phần không thể thiếu trong xã hội Việt Nam, không chỉ vì vai trò quan trọng trong gia đình mà còn bởi sự đóng góp to lớn của NCT cho cộng đồng và quốc gia. Trong bối cảnh hiện đại, khi xã hội ngày càng phát triển và biến đổi nhanh chóng, tầm quan trọng của NCT càng trở nên rõ rệt và cần được đánh giá đúng mức.

NCT đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền lại các giá trị văn hóa truyền thống. Họ là những người giữ gìn các phong tục, tập quán, và các nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Trong mỗi gia đình, NCT thường là người dẫn dắt các thế hệ trẻ thực hiện các nghi thức truyền thống, giúp duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam, NCT thường là trụ cột tinh thần, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và gắn kết gia đình. Họ là nguồn cảm hứng, là người đưa ra những lời khuyên và giúp giải quyết các mâu thuẫn nội bộ. Sự hiện diện của họ mang lại cảm giác an toàn và ấm áp cho con cháu.

Không chỉ trong gia đình, NCT còn có những đóng góp quan trọng cho cộng đồng và xã hội. Nhiều NCT tham gia vào các hoạt động từ thiện, giáo dục, và bảo vệ môi trường. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần cộng đồng, sự hy sinh và lòng nhân ái.

Sự hiện diện và tham gia của NCT trong các hoạt động xã hội khuyến khích sự phát triển bền vững. Họ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn, nơi mà giá trị của mọi cá nhân được tôn trọng và phát huy. Sự lão hóa dân số không nên được coi là gánh nặng mà là cơ hội để xã hội tận dụng nguồn tài nguyên nhân lực dồi dào và giàu kinh nghiệm này.

Người cao tuổi Việt Nam không chỉ là những người đã sống qua nhiều thập kỷ và tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, mà còn là nguồn sức mạnh và sự ổn định cho gia đình và xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc nhìn nhận đúng đắn và tôn trọng vai trò của họ là cần thiết để xây dựng một xã hội phát triển bền vững và nhân văn. Việc chăm sóc và tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho xã hội không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cao tuổi: Tài sản quý giá của đất nước