Đây là chủ đề diễn đàn số 3 trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tham dự có Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cùng 82 đại biểu.
Theo báo cáo đề dẫn, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI xác định triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên là: "Đồng hành với thanh niên trong học tập"; "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp"; "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần".
Thảo luận tại Diễn đàn "Tổ chức Đoàn - Người bạn đồng hành với thanh niên", các đại biểu nhất trí đánh giá cao sau 5 năm triển khai, các cấp bộ Đoàn bằng nhiều giải pháp sáng tạo đã góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Quỹ Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam đã trao tặng 1.019 suất học bổng trị giá 4,6 tỷ đồng; các cấp bộ Đoàn đã trao 933.507 suất học bổng, với tổng trị giá gần 2.800 tỷ đồng; toàn Đoàn đã vận động nguồn lực, trao tặng thiết bị, tài khoản học trực tuyến trị giá hơn 156 tỷ đồng.
Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn thanh niên triển khai hiệu quả. Dư nợ của Đoàn thông qua chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn liên tục gia tăng đạt hơn 39.800 tỷ đồng qua 24.600 tổ tiết kiệm và vay vốn (tính đến 31/10/2022). Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn với hơn 75 tỷ đồng đã giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên...
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng so với nhu cầu, mong muốn của thanh niên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nội dung đồng hành với thanh niên vẫn còn hạn chế. Việc triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên yếu thế, khu vực đặc thù chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại biểu Trần Kim Phẳng - Phó Trưởng ban Phong trào Tỉnh Đoàn Bến Tre đặt vấn đề, theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đưa hàng triệu lao động đi xuất khẩu lao động và mỗi năm lực lượng này gửi về nước khoảng 10 tỷ USD. Điều đó cho thấy, xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và quan trọng hơn là học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề so với làm việc trong nước. Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều địa phương, vấn đề xuất khẩu lao động là việc của ngành lao động, thương binh và xã hội, tổ chức Đoàn có rất ít cơ hội để hoạt động, đồng hành hỗ trợ thanh niên.
Anh Trần Kim Phẳng cho rằng, tổ chức Đoàn nên coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp để nâng cao trình độ, tay nghề cho thanh niên. Đại biểu đề xuất, tổ chức Đoàn có thể tham gia tuyên tuyền giúp thanh niên hiểu rõ lợi ích của việc xuất khẩu lao động theo thời hạn, để tham gia xuất khẩu lao động nhiều hơn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII có đặt chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, trong đó nên đặt rõ chỉ tiêu giới thiệu 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động, mang ngoại tệ về cho đất nước.
Vấn đề đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận sâu. Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho rằng, câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên là một bài toán khó cho các tỉnh, thành đoàn, nhất là đối với các tỉnh thành gặp khó khăn về ngân sách.
Theo đại biểu Diễm, muốn chương trình đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp thành công thì cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chứ chỉ riêng cán bộ Đoàn thì chưa thể có những giải pháp thực sự hiệu quả. Muốn đồng hành cùng với thanh niên thì phải tổ chức các nội dung phù hợp, có trọng tâm trọng điểm; trong đó chú trọng giao cơ chế trách nhiệm, tăng phân cấp phân quyền để các địa phương, cơ sở chủ động phát huy thế mạnh của mình.
Đại biểu Nguyễn Trung Hiếu - Đại biểu đoàn tỉnh Vĩnh Long ghi nhận tổ chức Đoàn đã có rất nhiều chương trình hay, hiệu quả nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhưng thực tế đối với những bạn khởi nghiệp chưa thành công thì chưa được quan tâm đúng mức.
Theo đại biểu Trung Hiếu, tổ chức Đoàn nếu xác định đồng hành với thanh niên thì phải xác định là những "người bạn' tốt, luôn đồng hành cùng thanh niên trong cả lúc thành công cũng như lúc khó khăn. Từ đó, đề xuất những phương án hỗ trợ để giúp những thanh niên đó tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, tiếp tục có những ý tưởng sáng tạo, bởi "thất bại là mẹ thành công".
Tại diễn đàn, đại biểu Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho rằng, để đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần thì trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần theo sát hoạt động của thanh niên hơn nữa trên không gian mạng để có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhận định, hiện nhiều đoàn viên, thanh niên thích ứng nhanh chóng và biết cách sáng tạo nội dung để thu hút công chúng theo dõi. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần theo dõi sâu hơn và có những định hướng tiếp cận qua "người có ảnh hưởng" hay còn gọi là tiếp cận "KOL" để phối hợp tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra tiêu chuẩn khi các bạn trẻ sáng tạo, xây dựng sản phẩm số phải phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi.
Đại biểu Đào Việt Hằng - Chủ tịch Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho rằng, Đại hội lần này đã xác định nội dung kỷ nguyên số, tiến sâu vào khoa học công nghệ chính là bước tiếp nối và tập trung sâu hơn để đáp ứng với nhu cầu và tình hình thực tế. Đây cũng là mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045 - "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Để đạt được mục tiêu này, cần có những bước tiếp cận hết sức cụ thể theo nhiều khía cạnh như đối với đoàn viên thanh niên, cần tổng kết hoạt động triển khai chương trình nâng cao kĩ năng giai đoạn 2017-2022 để nhìn nhận thực tế thanh niên Việt Nam đang cần và muốn phát triển những kĩ năng gì. Có thể phân tích sâu hơn theo lĩnh vực học tập, làm việc, theo khu vực, theo độ tuổi. Điều này sẽ giúp các chương trình hoạt động của giai đoạn tiếp theo có tính thực tế và trang bị đúng những kĩ năng cần của thanh niên trong thời đại mới - thời đại của chuyển đổi số và khoa học công nghệ.