Từ quốc lộ 1A, qua ải Chi Lăng, rẽ phải rồi đi một thôi đường rừng nữa là đến xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), xã nuôi nhiều ngựa bạch nhất Việt Nam.
Ở đây, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng không chỉ xem ngựa bạch là con vật dùng để thồ, kéo, vận chuyển hàng hóa đơn thuần, mà họ còn có một niềm kính ngưỡng rất lớn đối với loài ngựa được “ông trời ban tặng”.
Truyền thuyết về “Thiên mã giáng trần”
Hữu Kiên là xã sâu nhất, xa nhất và có lẽ cũng là nghèo nhất của huyện Chi Lăng. Từ xưa đến nay, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở đây luôn phải chống chọi với cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Cái nghèo của Hữu Kiên, không phải do đồng bào lười nhác với sương mờ non cao, mà nghèo vì đất đai bạc màu, nghèo vì thiên tai, dịch bệnh. Nhưng, có một điều lạ ở Hữu Kiên là không hiểu vì sao, trong khi con người thốc mình vào đá, đánh vật với đá để mưu sinh thì loài ngựa bạch lại có vẻ phù hợp và ưa thích nơi này đến vậy. Chúng cứ sinh ra, lớn lên, trổ giò khoe mã trên đá để rồi dốc sức giúp con người. Không những thế, giờ chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho những sơn dân nơi rừng thẳm.
"Thiên mã giáng trần" tại bản Hữu Kiên
Tính đến giờ, ngay cả những già làng, trưởng bản ở Hữu Kiên cũng không nhớ nổi ngựa bạch có ở đây tự bao giờ, họ chỉ nhớ rằng, từ xưa, xưa lắm, trong đời sống văn hóa của người Tày đã xuất hiện một truyền thuyết về chuyện “Thiên mã giáng trần”. Truyền thuyết ấy kể rằng, xưa kia vùng đất này hoang vu chín suối mười đèo, dân cư thưa thớt, cuộc sống của người dân đói khổ triền miên. Nhìn thấy cảnh thương tâm ấy, trời già động lòng chắc ẩn liền ban cho Hữu Kiên giống ngựa bạch quý hiếm để san sẻ, chia vơi những nhọc nhằn, lam lũ của con người. Giống ngựa trời ấy có màu trắng như tuyết, lông mượt như nhung, mắt rực như hai hòn lửa, sức khỏe phi thường. Kể từ ngày có ngựa quý, cuộc sống của đồng bào bớt đi nhiều lầm than, đói khổ. Ngựa kéo gỗ dựng nhà, ngựa vận chuyển lúa ngô từ nương cao đến chân ruộng thấp, ngựa giải phóng sức người, ngựa hiện diện trong mọi sinh hoạt của đồng bào. Chúng như những người bạn hiền lành, tận tụy, gắn bó từ sáng sớm đến tối mịt với người dân trên vùng đất ủ sương và rậm rịt toàn cỏ rả này.
Đáp lại cái ân tình ấy, đồng bào Tày, Nùng ở Hữu Kiên có một niềm kính ngưỡng vô cùng lớn đối với loài ngựa được trời ban phát. Họ dựng lán, làm chuồng trại cẩn thận cho ngựa ở, tỉ mẩn, ân cần chăm sóc, đều đặn tắm rửa, lau cọ, chải lông cho nó mỗi sớm chiều. Ngựa yên thì người mới thịnh. Nhiều khi ngựa chỉ cần húng hoắng “ho khan” vài tiếng, người chủ cũng phải mắc màn ngồi ở ngoài chuồng, canh me cho nó ăn uống ngủ nghỉ thuốc thang tử tế. Nếu “ông” ngựa, “bà” ngựa nào già cả, hay vì bệnh tật, ốm đau mà “khuất núi”, người ta cũng không nỡ giết thịt mà tổ chức tang ma cho ngựa rinh rượp chả khác mấy so với tang lễ của con người. Nhưng đến nay, cùng với sự phát triển của toàn xã hội, phong tục ấy cũng dần mai một. Bất cứ con ngựa bạch nào già yếu và nằm xuống, tức thì được đám thợ chia năm xẻ bảy, thịt để ăn, tim gan phèo phổi đem ngâm rượu, xương ném vào trong những nồi cao.
Chả biết cao ngựa bạch nó có tác dụng đến đâu, giúp con người “cường dương, tráng thận”, đánh đuổi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ thế nào, chỉ biết rằng có những đận rừng xanh núi đỏ Chi Lăng rặt một đám dân buôn ngựa. Họ ăn chực nằm chờ, ăn dầm ở dề hàng tuần, hàng tháng trời để cố gắng kỳ nèo bằng được “ông Tày, bà Nùng” bán ngựa cho mình. Bởi, trong thế giới ngựa bạch thì ngựa bạch Hữu Kiên được dân trong nghề đánh giá là “chuẩn” và có giá nhất. Ngựa bạch ở đây hội tụ đủ các yếu tố như mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành màu đồng, khi mặt trời đứng bóng hoặc khi bị rọi đèn pin, mắt ngựa bắt ánh sáng đỏ rực lên như hòn lửa. Bên cạnh đó, trên cơ thể ngựa bạch, tất cả các lỗ tự nhiên như mồm, mũi đều có màu hồng, bốn chân móng sừng ánh bạc, lông đuôi mượt, xòe ra như cái chổi phất trần trong tay các bậc lão nhân.
Dân trong nghề cũng đồn đại rằng, nhờ hấp thụ được những tinh túy của đất trời, được ăn thứ cỏ gà, cỏ mật gặn chắt mình ngoi lên từ đá nên ngựa bạch ở Hữu Kiên khỏe mạnh, dẻo dai, xương của chúng cũng cứng cáp và chứa nhiều dưỡng chất hơn so với những con ngựa cùng loại đến từ vùng đất khác. Thế nên, thông thường một con ngựa bạch có giá khoảng 30 – 40 triệu đồng, nhưng nếu cũng chú ngựa ấy mà mang “hộ khẩu”, “nguồn gốc xuất xứ” từ Hữu Kiên thì có khi giá được đẩy lên gấp hai lần, từ 80 đến 90 triệu. Chính vì thế, mấy năm gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” của dân buôn ngựa. Họ cất công đi mua ngựa bạch đã trưởng thành từ những vùng đất khác, thậm chí từ bên Lào, bên Trung Quốc rồi mang về “phù phép” thành ngựa Hữu Kiên.
Ngựa “xóa đói giảm nghèo”!
Cũng chính vì cái tố chất thể lực dẻo dai, dũng mãnh của mình mà ở nhiều thời điểm, ngựa bạch Hữu Kiên bị săn lùng ráo riết đến mức phải đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Nhưng cũng may, chính quyền ở đây đã có một quyết sách hết sức kịp thời để ngăn chặn tình trạng suy giảm của đàn ngựa bạch. Đó là tìm mọi cách tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân phát triển nghề nuôi ngựa, xem đó như là một trong những phương cách để xóa đói giảm nghèo. Và quả thật, hướng đi đó đã phần nào cho kết quả khả quan. Tính đến giờ, đàn ngựa bạch ở Hữu Kiên lên đến hơn 300 con, chiếm xấp xỉ 50% tổng số ngựa bạch trên toàn quốc. Trong nhiều xóm, nhiều bản ở Hữu Kiên đã bắt đầu xuất hiện những đại gia phất lên từ nuôi ngựa.
Theo quan điểm của nhiều người dân ở đây thì hướng đi ấy là sáng suốt, là bởi, vốn dĩ Hữu Kiên không được thiên nhiên ưu đãi, diện tích tự nhiên lại toàn đá gan gà, ngoái nhìn bốn phía đều thấy thăm thẳm đá, não nùng những đá, núi đồi trơ khấc nối dài ra bất tận. Đấy là chưa kể đến yếu tố thời tiết mưa nắng thất thường, rét thì cắt da cắt thịt, nắng thì quánh quéo, nồng nã nên rất khó để phát triển về nông, lâm nghiệp. Dù cán bộ xã đã lăn lộn khắp nơi, thử đem rất nhiều giống cây về trồng thử, nhưng đều không cho kết quả. Phần lớn cây đem trồng trên đất này đều èo uột, còi cọc, cho năng suất thấp. Đến như cây na vốn được xem là thế mạnh kinh tế của huyện Chi Lăng thì khi mang về Hữu Kiên cũng lụi đi vì sương muối. Rất may trong bối cảnh đó là còn có ngựa…
Nhà nhà nuôi ngựa, người người nuôi ngựa, đến ngay cả gia đình ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cũng có chăn thả đến vài ba con ngựa bạch. Ông Đảm bảo, cũng nhờ nghề nuôi ngựa bạch phát triển mà mấy năm nay đời sống của người dân trong xã cũng bớt phần khốn khó. Một con ngựa đực từ 5 – 7 tuổi có giá ít nhất cũng vài ba mươi triệu, gia đình nào có dăm con thì tổng tài sản cũng lên đến cả trăm triệu đồng, một số tiền mơ ước đối với người vùng cao. Còn nếu nuôi ngựa cái thì cứ khoảng gần 2 năm nó lại sinh nở ra một con ngựa khác, bán ít nhất cũng xấp xỉ 15 đến 20 triệu. Nhưng rất ít người bán, vì chỉ cần chịu khó nuôi vài năm nữa thôi, giá của chúng đã bốn, năm chục triệu đồng. Mỗi khi gia đình có việc, người ta chỉ cần bán đi một, hai con ngựa cũng đủ tiền trang trải. Hoặc khi giáp hạt, một con ngựa bạch có thể đổi được đến vài tấn thóc, đủ giúp cả gia đình no ấm đến mùa sau.
Chủ tịch xã Hữu Kiên Nông Quang Đảm bên con ngựa bạch của gia đình mình
Cũng vì thế mà từ mấy năm nay, nhiều gia đình ở Hữu Kiên phất lên trông thấy, nhất là những gia đình có giống ngựa tốt, như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Thông ở bản Nà Lìa. Giờ dân bản đã quá quen với cái cảnh anh Thông ngày ngày khật khưỡng dắt con ngựa đực cao to lừng lững, lông, bờm bóng mượt đem đi phối giống. Khi đến gia đình cần phối giống cho ngựa cái, anh đẩy con ngựa đực của mình vào chuồng nhà đó rồi mặc cho lũ ngựa tự do giao hoan, tình tự, giải tỏa những ẩn ức, ham muốn bản năng, còn anh thì cùng gia chủ ngồi gà gật bên mâm rượu. Mỗi lần như thế, anh thường được gia chủ trả khoảng 200 - 300 ngàn đồng để mang về mua đồ bổ dưỡng cho ngựa ăn để hồi lại sức. Nếu sau này “cô” ngựa cái của gia đình đó “mang thai” và “hạ sinh quý tử” là ngựa bạch, anh Thông sẽ được người ta trả thêm từ một đến hai triệu đồng.
Anh Thông bảo, do dân buôn ngựa chỉ săn lùng ngựa bạch đực để nấu cao, nên giờ đây số ngựa đực trưởng thành ở Hữu Kiên còn rất ít, chỉ khoảng 15 – 20 con trên tổng số trên 300 con. Chênh lệch về giới tính đó khiến các “chàng bạch mã” ở Hữu Kiên ngày càng có giá. Những nhà có ngựa bạch cái vào thời kỳ động dục có khi phải xếp hàng để chờ đợi anh Thông sắp lịch. “Nếu ngựa bạch mẹ phối giống với ngựa bạch bố là tốt nhất, bởi chắc chắn sẽ sinh ra ngựa bạch con. Thế nhưng, gần đây nhiều gia đình còn nghĩ ra cách để cho ngựa thường sinh ra ngựa bạch. Đó là chọn những con ngựa cái hởi (màu vàng vàng) hoặc ngựa cái kim (màu đen trắng) có màu mắt đỏ như hòn lửa khi rọi đèn pin rồi đem phối với ngựa bạch đực thì tỷ lệ sinh ra ngựa bạch rất cao”, anh Thông chia sẻ.
Người xưa có câu “Khuyển mã chi tình”, thế nên, trong tâm thức của nhiều đồng bào Tày, Nùng ở xã Hữu Kiên, ngựa bạch vừa là người bạn, vừa là “cứu cánh” của họ trong cơn khốn khó. Chính vì quan niệm thế nên đàn ngựa bạch ở đây ngày càng nhiều lên mãi. Giờ đây, khi ngược ngàn về với Hữu Kiên, vùng đất nằm lơ lửng giữa mây xanh, khách thượng sơn sẽ không khó để bắt gặp những đàn ngựa lên đến hàng chục, hàng trăm con, lông trắng như tuyết đang nhởn nhơ gặp cỏ bên sườn núi, tiếng lục lạc giăng mắc không gian, hắt lên mãi đỉnh trời. Cảnh ấy, chả khác gì so với chốn bồng lai tiên cảnh.