“Ngôi trường cổ tích” trên núi

Trang Việt| 06/01/2023 09:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 12 năm xây dựng và phát triển, với tình yêu thương con trẻ cùng sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, tháng 11/ 2022 vừa qu,a tập thể cán bộ và giáo viên Trường Mầm non Mai Long (xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã rất vinh dự khi được Chủ tịch nước tặng cờ thi đua.

Lập trường trên núi

Nằm cách TP. Cao Bằng khoảng 70 km, Mai Long là một trong những xã xa xôi nhất của huyện Nguyên Bình. Từ trung tâm thị trấn huyện đi vào Mai Long chỉ có gần 30km, những cũng phải mất tới hơn 1 giờ đi xe chúng tôi mới có thể tới nơi. Đường lên Mai Long rất khó đi vì có nhiều những khúc cua tay áo. Trong tưởng tượng tôi nghĩ, nếu được nhìn cung đường này từ trên cao, có lẽ nó như một con rồng uốn lượn đang nằm phơi mình nơi lưng trời.

“Ngôi trường cổ tích” trên núi

Trường Mầm non Mai Long, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Lên tới đỉnh dốc, chúng tôi dừng lại nghỉ đôi chút để được cảm nhận một bầu không khí trong lành, cũng một phần là để cho con chiến mã (xe máy) nguội đi sức nóng khi vừa phải “gồng mình” để vượt dốc. Ngồi thư thái và phóng tầm mắt xuyên qua những đám mây để nhìn về phía thung lũng trong lòng những dãy núi, chúng tôi thấy Trường Mầm non Mai Long nhỏ bé đang ẩn hiện trong làn sương sớm giữa núi rừng. Tuy rằng đã nhìn thấy trường, nhưng cũng phải mất tới cả giờ đồng hồ sau thời gian nghỉ chúng tôi mới xuống được tới nơi.

 Trên con đường vào trường, chúng tôi bất ngờ khi gặp cô Tạ Thu Huyền- Hiệu Trưởng của Trường Mầm non Mai Long. Trong dáng vẻ tất tả cô đang cùng các phụ huynh học sinh tự sửa chữa con đường vào trường đã bị hư hỏng, lầy lội sau những trận mưa.

Chào đón chúng tôi bằng một nụ cười, cô nhẹ nhàng nói: "Ở đây cái gì cũng tự thân vận động các anh ạ, nếu việc nặng, sức nữ nhân không làm được thì mới nhờ các bậc phụ huynh và người dân giúp một tay, chị em chúng tôi làm mãi cũng thành quen ấy mà".

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, cô giới thiệu nơi ăn, nơi ở và những phòng học sinh hoạt của các con được chia ra thành những lớp, khu vực khác nhau theo từng lứa tuổi. Tiếp đến, phía sau trường là khu sinh hoạt dùng để làm bếp, phía ngoài là những luống rau xanh mà các cô tự tăng gia trong thời gian không lên lớp. 

Cô Huyền kể, tôi vào đây cũng đã 14 năm rồi, từ khi trường còn chưa được tách ra, khi đó còn thiếu thốn đủ bề chứ không được khang trang và đầy đủ như bầy giờ. Đây là trường chính, chúng tôi còn có 6 điểm trường được phân bổ rải rác tại các thôn khác nhau, trên đó thì cuộc sống khó khăn hơn bởi vì cao và xa lắm. Nói tới đây, cô đưa tay và chỉ cho chúng tôi nhìn lên phía ngọn núi cao trước mặt; “Đó, điểm trường gần nhất của chúng tôi, nhìn vậy nhưng đi bằng xe máy cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới lên tới”, tôi ngước mắt nhìn theo hướng tay cô Huyền chỉ và thấy thấp thoáng một vài mái nhà, mập mờ với lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay khi được cắm trên nóc của điểm trường.

Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các bậc phụ huynh, đến nay trường đã được xây dựng mới. Trường có một điểm trường chính và có 06 điểm trường nằm tại các thôn khác nhau. Với nhiệm vụ thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 06 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non theo quy trình của Bộ Giáo dục ban hành, nhà trường hiện có 18 giáo viên, trong đó Ban giám hiệu 02 người đi kiểm tra các điểm trường và ra huyện họp công tác chuyên môn. Còn lại 16 giáo viên với các trình độ được đào tạo từ Đại học cho tới Trung cấp. Trường có 11 lớp với số lượng 202 em học sinh, trong đó có 01 học sinh bị khuyết tật.

Trong những chuỗi hoạt động cộng đồng, nhà trường luôn vận động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường, để nhà trường giáo dục hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, nhằm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em nằm trong độ tuổi trên địa bàn, nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo phân công của cấp có thẩm quyền, thường xuyên tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với gia đình học sinh để thực hiện tốt hơn hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, luôn luôn tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động phù hợp trong cộng đồng, cô Tạ Thu Huyền cho chúng tôi biết.

Khéo léo, sáng tạo

Hỏi về những sản phẩm khéo léo đang được trang trí xung quanh khuôn viên của Trường Mầm non Mai Long, cô Phương Thị Lệ Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã từng bước giới thiệu cho chúng tôi những tác phẩm mà tự tay các cô đã làm. Từ cổng vào tới trong các khu vui chơi cho trẻ, chúng tôi không hết những ngạc nhiên bởi đôi tay khéo léo của các cô giáo đã tạo lên. Thay vì phải bỏ tiền ra mua, bằng sự sáng tạo và tận dụng những thứ bỏ đi trong sinh hoạt hàng ngày, các cô đã làm thành những sản phẩm tái chế bắt mắt, sinh động để cho các con vui chơi, cũng là làm giảm thiểu rác sinh hoạt để bớt ảnh hưởng tới môi trường.

“Ngôi trường cổ tích” trên núi

Cờ thi đua Chủ tịch nước trao cho Trường Mầm non Mai Long.

Nào là những vật dụng như lốp xe đã được các cô sơn với nhiều mầu sắc khác nhau rồi làm thành những chiếc xích đu, những hàng rào… tiếp đến là những tảng xi măng cũng được các cô trang trí tạo nên nhiều mầu sắc và chữ cái để các con học tập.

Cô Hằng cho biết, những lon bia là các cô vận động được từ người dân địa phương, mang về rửa sạch rồi sâu vào nhau tạo thành dây treo như một chiếc bạt khổng lồ, mỗi khi có gió chúng va vào nhau để tạo thành tiếng kêu nho nhỏ như những bản tình ca nơi núi rừng.

Không những vậy, có những thứ gần như ai cũng có thể ném ngay vào thùng rác sau mỗi lần dùng xong như vỏ thạch, ấy mà qua tay các cô sau khi tân trang bằng nhiều mầu sắc, rồi sâu chuỗi vào nhau, khi treo lên như những chiếc mành ngăn cách khoảng không gian, nhìn bắt mắt nên các cháu rất là thích thú. Rồi những khay đựng trứng nữa, cũng bằng việc làm sạch rồi chúng tôi biến tấu thành các sản phẩm vui chơi mà lại an toàn cho trẻ nhỏ, cô Hằng chia sẻ thêm.

Với những đôi tay khéo léo cộng thêm sự sáng tạo mà các cô giáo còn tạo lên một góc nhỏ với không gian xanh của riêng mình, đặc biệt là góc thiên nhiên đó lại được sinh từ những củ quả thực phẩm dùng hàng ngày, nhìn như một vườn thực vật sinh thái tươi tốt.

Nhìn những thứ đồ chơi mà các cô tạo ra, làm cho ai cũng cảm giác như lạc vào một ngôi vườn cổ tích giữa thời hiện đại 4.0, khiến cho đám trẻ vô cùng yêu thích và cảm nhận sự thân thương khi bước chân tới trường.

Để bù đắp cho những cố gắng không ngừng nghỉ đó, tháng 11/ 2022 vừa qua, Trường Mầm non Mai Long đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng cờ thi đua toàn quốc. Niềm vinh dự này chắc chắn sẽ là động lực to lớn cho tập thể nhà trường ngày càng phấn đấu hơn nữa, để trường luôn đạt những thành tích cao trong giảng dạy, để các con mỗi ngày tới trường đều là những ngày vui.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngôi trường cổ tích” trên núi