Giáo dục

Lo ngại những biến tướng trong thu phí dạy thêm

Hữu Tuấn- Duy Tuấn 05/05/2025 - 20:48

Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri phản ánh tình trạng biến tướng trong việc thu phí dạy thêm, như việc phụ huynh tự tổ chức thu tiền dưới danh nghĩa “bồi dưỡng” cho giáo viên nhưng không được công khai, minh bạch.

Khó khăn trong việc giám sát

qh-1.jpg
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong lĩnh vực xã hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi về quyết định của Bộ Chính trị thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước (thực hiện từ tháng 9/2025).

Cử tri và nhân dân đồng tình với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2025 sẽ tăng tính công bằng, minh bạch, đồng thời giảm gánh nặng cho thí sinh và phụ huynh; việc chỉ tổ chức một kỳ xét tuyển duy nhất sẽ giúp giảm áp lực, tránh tình trạng phải nộp hồ sơ ở nhiều trường khác nhau như trước đây.

Bên cạnh đó cử tri và nhân dân đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (quy định về học thêm, dạy thêm) với các quy định cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng lạm dụng và tiêu cực trong giáo dục, được xem là bước tiến trong việc minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo quyền lợi cho học sinh và giáo viên, đồng thời giảm áp lực tài chính cho phụ huynh.

Tuy nhiên, một số phụ huynh và giáo viên bày tỏ lo ngại rằng việc hạn chế dạy thêm, học thêm có thể ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập, đặc biệt đối với học sinh cuối cấp chuẩn bị thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp.

Nhân dân phản ánh tình trạng biến tướng trong việc thu phí dạy thêm, như việc phụ huynh tự tổ chức thu tiền dưới danh nghĩa “bồi dưỡng” cho giáo viên nhưng không được công khai, minh bạch, dẫn đến sự không đồng thuận giữa các phụ huynh trong lớp.

Trong khi đó, giáo viên cũng đối mặt với áp lực lớn khi phải đảm bảo chất lượng giảng dạy và ôn tập mà không được thu phí, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân.

Một số địa phương gặp khó khăn trong việc giám sát và thực thi quy định, đặc biệt là tại các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường. Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần có các biện pháp giám sát, thanh tra thường xuyên để đảm bảo thực hiện đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Ngăn chặn hành vi mạo danh “lương y gia truyền” để buôn bán thuốc giả

Liên quan đến công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe, cử tri đề nghị ngành Y tế tiếp tục quan tâm đầu tư thêm thiết bị, vật tư y tế và bảo đảm cơ số thuốc để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh nhằm hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu; khắc phục tình trạng người bệnh phải mua thuốc ngoài.

Đề nghị xây dựng thêm và nâng cấp các bệnh viện, đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền dân tộc, sớm ban hành Luật để kiểm soát tình trạng đội lốt “lương y gia truyền” để bán thuốc giả tràn lan.

qh-4.jpg
Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Đặc biệt, thời gian qua, người dân rất lo lắng và bức xúc về tình trạng sản xuất, mua bán và quảng cáo các sản phẩm giả. Những sản phẩm này có hại cho sức khỏe và sự phát triển của con người. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm và mang lại lợi nhuận bất chính rất lớn.

Các sản phẩm giả thường gặp gồm sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và thuốc đông y giả. Ngoài ra, hàng hóa kém chất lượng cũng đang tràn lan trên thị trường.

Tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vẫn còn phổ biến. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng đang diễn ra nghiêm trọng.

Một số sản phẩm còn chứa hàm lượng chất cấm như Cadimi và chất vàng O vượt quá quy định. Những sản phẩm này không được phép thông quan xuất khẩu. Điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu chung của cả nước.

Cử tri đề nghị Chính phủ cùng các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường siết chặt quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm. Việc quản lý cần được thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối.

Đặc biệt, cần chú trọng kiểm soát các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối và thức ăn đường phố – những nơi có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.

Cử tri kiến nghị tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần bổ sung hình thức xử phạt nghiêm khắc như đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở vi phạm. Đối với hành vi cố ý sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn gây hậu quả nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra – cả định kỳ lẫn đột xuất – tại các bếp ăn tập thể. Việc bán đồ ăn không bảo đảm vệ sinh tại cổng các trường học, khu công nghiệp và hàng quán ven đường cũng cần được kiểm soát nghiêm ngặt, do đây là những điểm nóng về nguy cơ thực phẩm bẩn.

Nhân dân mong muốn có biện pháp chế tài thực sự nghiêm khắc, xử một vụ không chỉ cảnh tỉnh một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực, trên phạm vi cả nước để không còn nỗi lo về rất nhiều thứ bẩn (ăn thực phẩm bẩn, uống nước bẩn, thở không khí bẩn, thuốc chữa bệnh giả, sách giáo khoa giả, công an giả, thuế vụ giả, thanh tra giả…).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại những biến tướng trong thu phí dạy thêm