Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nội dung trên và cho rằng Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải hết sức chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân; phải yêu cầu các cơ quan trình dự án luật tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng sự tác động trực tiếp của dự án luật.
Ngày 9/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 3 TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, huyện An Lão để thực hiện quyền vận động bầu cử.
Đơn vị bầu cử số 3 (quận Kiến An, Dương Kinh; huyện An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo) gồm các ứng cử viên: ông Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng; ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Hồng Vân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Tại Hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Ban Thường trực MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 5 ứng cử viên. Tiếp đó, các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Làm tốt vai trò người đại biểu của dân, do dân và vì dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các ứng cử viên cam kết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội sẽ luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, luôn thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu ra mình và của Nhân dân cả nước; làm tròn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đôn đốc và theo đuổi đến cùng việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; chú trọng giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Với vai trò là đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ứng cử viên cam kết, sẽ thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng nói chung và các quận, huyện nơi mình được bầu nói riêng, cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải phòng luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ, phối hợp với các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp của Thành phố; đề xuất, hiến kế, kiến nghị những giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng bộ…
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sẽ cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành các luật mới nhằm mục tiêu cao nhất là kiến tạo sự phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng củ đất nước, tăng cường tính dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công…
Chủ tịch Quốc hội cam kết, sẽ làm tốt vai trò người đại biểu của dân, do dân và vì dân, đem hết khả năng, tâm huyết đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện công cuộc Đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn, Mặt trận Tổ quốc các cấp và cử tri tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa nếu các ứng cử viên trúng cử.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, sửa đổi Luật Đất đai
Đối với các kiến nghị của cử tri về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa gần đây đều nhấn mạnh quan điểm phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nhưng đồng thời phải tạo được môi trường hòa bình để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trên các mặt hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại để thực hiện được nguyên tắc bất di bất dịch này.
Nhất trí với kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Văn phòng Quốc hội cũng đã có Đề án tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí của Quốc hội; đồng thời cũng sẽ tăng cường thông tin trên các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng khác để tăng sự tương tác, gắn bó giữa cử tri và nhân dân với Quốc hội và để cử tri theo dõi và giám sát được hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội sẽ chú trọng hơn nữa công tác giám sát, có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các vấn đề người dân bức xúc như: đất đai; bảo vệ tài nguyên, môi trường; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh trật tự nông thôn… Hoạt động giám sát không chỉ tập trung ở Quốc hội mà còn phải đi sâu, tăng cường tổ chức các phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên giải trình tại các cơ quan của Quốc hội.
Liên quan đến ý kiến của cử tri về xây dựng luật pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu cuộc sống không đi vào luật pháp, nghị quyết thì luật pháp và nghị quyết cũng không đi vào cuộc sống được. Nếu ngồi phòng lạnh để làm luật thì sẽ không sát thực tế, không lắng nghe được người dân muốn gì, thực tiễn cuộc sống đang cần gì, đòi hỏi điều gì. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải hết sức chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân; phải yêu cầu các cơ quan trình dự án luật tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là đánh giá tác động đối với các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật.
Về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chủ trương rất lớn, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, cần tập trung theo hai hướng: tại các địa bàn thuận lợi thì tập trung duy trì thành tích nông thôn mới đã đạt được, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Với các địa bàn khó khăn, miền núi thì tập trung xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, liên kết giữa các thôn, bản với nhau trước. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và dự kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương để cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri về tháo gỡ nút thắt trong tích tụ ruộng đất, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; dự kiến trong năm 2022, Quốc hội cũng sẽ xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có vấn đề đẩy mạnh thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Cùng với vấn đề đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải đưa được khoa học công nghệ, đưa được hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác mạnh vào sản xuất nông nghiệp… thì chắc chắn đời sống của nông dân sẽ thay đổi.