Ở làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có ngôi chùa cổ lên đến hàng ngàn năm tuổi. Tương truyền rằng, xưa kia ngôi cổ tự nằm cạnh dòng Tiểu Giang Biên, là một nhánh của dòng sông Hát chảy vào. Nơi đây cũng gắn liền với tuổi thơ của vua Lý Nam Đế và cũng là nơi ngài chiêu binh mãi mã để đánh đuổi giặc Lương, dựng lên nhà nước Vạn Xuân đầu tiên của Việt Nam.
Vang mãi tiếng chuông chùa
Từ ngàn xưa, vào thời Tiền Lý chùa Giang Xá có tên chữ là Linh Bảo tự (chùa Linh Bảo), đến thời gian sau này chùa được đổi tên chữ là Bảo Phúc tự (chùa Bảo Phúc). Để cho dễ hiểu và cũng là để cho người dân thập phương dễ bề tìm kiếm về chùa, dân làng lấy tên địa danh để gọi thay tên chữ nên mới có tên thường gọi là chùa Giang Xá như ngày nay.
Ngôi chùa được tọa lạc trên một thế đất đẹp, phong thủy hữu tình bên dòng Tiểu Giang Biên tựa như khung cảnh “trên bến dưới thuyền” vô cùng đẹp. Trong khuôn viên chùa có 4 khuyết tiền hậu là 2 giếng tròn, phía bên tả và bên hữu có ao, cạnh giếng tròn có ao sen. Để rồi cứ mỗi độ hoa sen nở với mùi hương phảng phất, quện vào những nén nhang thơm, bên tiếng chuông chùa vang vọng tạo nên một không gian yên tĩnh đến lắng đọng và thư thái nơi chốn cửa Thiền thờ Phật.
Vào năm 1989, qua quá trình nghiên cứu về những di tích lịch sử của làng Giang Xá, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội đã đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng khu di tích Đình và Đền thờ vua Lý Nam Đế trước, còn ngôi chùa cổ kính Linh Bảo tự được để lại nghiên cứu sau.
Tới năm 1991, khi tỉnh Hà Sơn Bình được tách ra thành 2 tỉnh là Hà Tây và Hòa Bình, huyện Hoài Đức được chuyển về là đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tây (cũ). Thời điểm này, sau khi khảo sát, nghiên cứu theo ghi chép lịch sử để lại, Bảo Tàng Hà Tây (cũ), thấy rằng chùa Giang Xá là một ngôi chùa cổ có từ lâu đời, lại lưu dấu tích của vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế nên nhanh chóng đưa vào danh mục di tích cần phải xếp hạng và bảo vệ. Đồng thời tiến hành làm các thủ tục hồ sơ lý lịch về di tích để trình Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử.
Vào ngày 11/5/1993, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin đã ký Quyết định số 534 QĐ/BT về việc công nhận chùa Bảo Phúc (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) là một “Di tích lịch sử và Kiến trúc - Nghệ thuật” cấp Quốc gia.
Tìm hiểu theo ghi chép lịch sử để lại thì thấy rằng, vào thời Lê Mạt chùa Bảo Phúc đã được xây rất lớn (trước đó khoảng hơn 700 năm), còn chuông chùa được đúc vào thời Lê Trung Hưng (cách đó hơn 200 năm). Do binh biến, giặc dã nên ngọn chùa cổ và chuông chùa không còn. Cho tới thời Minh Mệnh tam niên (1822) mới làm lại chùa và đúc lại chuông.
Từ đó, tiếng chuông chùa như một món ăn tinh thần của người dân nơi đây, nó là “hồn cốt” của nền văn hóa tâm linh bên dòng Tiểu Giang Biên, và cũng là niềm tự hào của ngôi làng Giang Xá với đa dạng sắc thái văn hóa đang ngày một tốt tươi vươn lên men theo dòng lịch sử của cha ông để lại.
Nơi ghi dấu tuổi thơ và dựng nước của vua Lý Nam Đế
Hiện nay, trong rất nhiều nơi cùng phụng thờ vua Lý Nam Đế, và huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng là một vùng đất có nhiều di tích thờ ngài. Trong đó, làng Giang Xá là một trong những nơi thờ tự chính với ý nghĩa khá đặc biệt. Bởi vì nơi đây đã gắn liền với tuổi thơ lớn lên của ông, và cũng là nơi ông chiêu binh mãi mã đề đánh đuổi giặc Lương rồi xưng Đế.
Trò chuyện cùng phóng viên về tuổi thơ của vị vua xưng Đế và lập lên nhà nước đầu tiên của người dân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đã ngược dòng lịch sử để kể về thần tích của ngài cho chúng tôi nghe.
Ông chia sẻ, theo tài liệu của lịch sử nghiên cứu để lại, vua Lý Nam Đế (có tên gọi khác là Lý Bôn, Lý Bí) sinh ngày 12/9 năm Quý Mùi (tức ngày 17/10 năm 503) tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tương truyền, khi Lý Bí lên 7 tuổi thì cha mất và tới 9 tuổi thì mẹ cũng qua đời nên Lý Bí được người chú ruột đón về chăm sóc.
Một ngày nọ, có vị Pháp tổ thiền sư đến chùa Châu Ấp (Hương Ấp) làm lễ, trông thấy Lý Bí có diện mạo khôi ngô, tuấn tú, Thiền sư liền xin Lý Bí về làm "con nuôi cửa Phật" để dạy bảo, học hành. Đến năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp tổ thiền sư về tu hành tại chùa Linh Bảo, Giang Xá thuộc quận Tống Bình (nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Lớn lên, bởi căm thù giặc Lương tàn bạo, ông đã triệu tập nhân dân cùng các hào kiệt nổi dậy chống lại quân Lương. Ban đầu, từ địa điểm xuất quân “Linh Bảo tự”, nghĩa quân đã phát triển mạnh như chẻ tre, mới có chưa đầy 3 tháng mà nghĩa quân đã đánh chiếm được các điểm trọng yếu của địch, giải phóng đất nước, ông chọn ngày 12 tháng giêng năm giáp Tý (năm 544) lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên quốc hiệu là Vạn Xuân.
Minh chứng cho việc này, hiện nay làng Giang Xá vẫn đang cẩn trọng giữ gìn hàng chục đạo sắc phong mà các triều đại đã tôn vinh vua Lý Nam Đế như: Quyển ngọc phả bằng giấy gió, do cụ Nguyễn Bính (thời Lê) phụng soạn vào năm 1572; 12 đạo sắc phong vào thời Lê (khởi đầu là vua Lê Huyền Tông sắc phong năm 1670); tiếp đến là Quang Trung sắc phong 01 đạo; cuối cùng là triều Nguyễn sắc phong 09 đạo (đạo cuối cùng là do vua Khải Định sắc phong năm 1924).
Đây là một công trình rất có ý nghĩa góp phần quan trọng vào việc gìn giữ những di sản văn hóa, thể hiện tấm lòng của những người con làng Giang Xá dành cho lịch sử. Ông Thuận cho biết thêm.
Giờ đây, qua hàng ngàn năm lịch sử, sự bồi đắp của địa chất cùng với sự phát triển của cuộc sống đã khiến cho dòng Tiểu Giang Biên không còn được như xưa nữa. Nhưng, ngôi chùa Linh Bảo (nay là chùa Bảo Phúc) thì vẫn mãi trường tồn cùng với thời gian, mỗi ngày đang dần được tôn tạo và phục dựng khang trang hơn, to đẹp hơn để thỏa ước vọng tâm linh của nhân dân, cũng là để xứng với ý nghĩa và tầm vóc của lịch sử để lại.