Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng nỗi đau và mất mát vẫn còn đọng mãi trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 60.000 ngôi mộ.
Và, hàng ngày, hàng giờ, người dân ở đây đang làm tất cả những gì có thể để ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Ấm lòng người đã khuất
Nhiều năm trước, các thân nhân liệt sỹ từ mọi miền của Tổ quốc đến Quảng Trị để tìm kiếm, thăm viếng phần mộ liệt sỹ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, từ chuyện tàu xe cho đến nơi ăn, chốn ở. Thấu hiểu được điều đó, vào năm 1997, Đảng và Nhà nước cùng với chính quyền tỉnh Quảng Trị đã cho xây dựng và khánh thành Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ tỉnh Quảng Trị, hay còn gọi là Nhà khách 27/7. Từ ngày Nhà khách đi vào hoạt động đã giảm bớt rất nhiều những khó khăn mà thân nhân các gia đình liệt sỹ phải trải qua. Đồng thời, Nhà khách đó không chỉ đơn thuần là phục vụ khách đến khách đi, mà còn là nơi gắn bó nghĩa tình sâu nặng giữa thân nhân các liệt sỹ với nhân dân Quảng Trị.
Mỗi năm, cứ gần đến ngày 30/4 hay 27/7, hàng ngàn, hàng vạn người lại đổ về Quảng Trị. Họ đến, để thắp lên nén tâm hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ. Dòng người lặng lẽ, đứng lặng trước từng nấm mộ với những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Mỗi người từ một miền quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều đau đáu một nỗi niềm chung, đó là thành tâm khấn nguyện, nói lời tri ân với những người đã khuất.
Một đoàn cựu chiến binh để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh
Anh Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ tỉnh Quảng Trị cho biết: Thông thường cứ đến tháng 4, 7, 9, 11 hàng năm là thời điểm mà các thân nhân liệt sỹ về Quảng Trị đông nhất. Từ ngày mở cửa, nhân viên nhà khách luôn túc trực 24/24 giờ, đồng thời họ còn ra tận các bến tàu, bến xe để đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Bất cứ thời gian nào trong ngày, Nhà khách cũng đều túc trực và mở cửa phục vụ. Theo Ban Giám đốc, năm 2013 và 2014, năm nào Nhà khách cũng đón tiếp và phục vụ đến hơn 4.105 đoàn, với trên dưới 20.000 lượt thân nhân. Chỉ với gần 30 người cùng 4 ôtô, nhưng những cán bộ nhà khách đã làm việc không biết mệt mỏi, luân phiên đưa đón tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị đón tiếp phục vụ chu đáo thân nhân liệt sỹ.
Theo quy định của Bộ LĐTB&XH, mỗi thân nhân liệt sỹ đến Nhà khách để đi viếng hoặc tìm mộ mỗi năm một lần sẽ không mất bất cứ một khoản tiền nào. Thế nhưng, công tác đi tìm mộ ngày càng khó khăn, phần lớn các gia đình không biết rõ vị trí mà người thân của mình hy sinh, nên phải lưu lại, vượt quá số ngày quy định nhưng các cán bộ Nhà khách luôn tạo điều kiện và giúp đỡ họ tận tình.
“Nhà khách là một đơn vị hoạt động mang tính đặc thù, độ tuổi cán bộ công nhân viên chức đã ngoài tứ tuần, mỗi anh em đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng nhưng họ vẫn cống hiến nhằm giúp đỡ các thân nhân liệt sỹ, nhằm san bớt những mất mát, vơi đi những nỗi đau. Đồng thời, Nhà khách cũng thay mặt cán bộ và nhân dân Quảng Trị thể hiện tình cảm thủy chung, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với thân nhân các gia đình liệt sỹ trong cả nước”, anh Hoàn tâm sự.
Nước mắt rơi ở Nghĩa trang Đường 9
Có mặt trên một chuyến xe đưa đón thân nhân liệt sỹ, tôi có dịp chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Như chuyện tình của bà cụ Đặng Thị Cháu, 76 tuổi, từ Hà Tĩnh vượt hơn 300km lặn lội vào Quảng Trị thắp hương cho chồng. Chồng bà là liệt sỹ Nguyễn Đình Thực (SN 1945) quê ở Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, thuộc đơn vị C4, D74, hy sinh ngày 5/3/1968 tại Đường 9 - Khe Sanh. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm 30/4 hoặc ngày thương binh liệt sỹ 27/7, bà lại vào Nghĩa trang Đường 9 để thăm ông. Bà kể: “Ở với nhau chưa được bao lâu thì ông nhà bà vào tham gia chiến đấu ở chiến trường miền tây Quảng Trị, rồi hy sinh, để lại cho bà hai đứa con thơ và bố mẹ già. Ngày ấy, biết bao nhiêu là cực nhọc, vất vả phải một mình gồng gánh cho cả gia đình...”.
Lần đầu tiên đặt chân đến Nghĩa trang Đường 9, lòng tôi như lắng lại với bao cảm xúc dâng trào. Hơn 10.000 mộ được bày trí trên một khuôn viên rộng, thoáng mát và sạch sẽ, phần mộ nào cũng khói hương nghi ngút. Đang đi, bà Cháu đứng lại rồi bảo “mộ của ông nhà nằm ở đây”. Với túi đồ mua sẵn từ quê, nào là cu đơ, rượu Can Lộc... các con bà mở ra rồi đặt lên phần mộ bố. Khi tôi hỏi: “Sao bà không vào đây mà mua, mang từ ngoài kia vào vừa nặng vừa vất vả”? Bà cười bảo: “Đó là những đặc sản của quê hương, bà muốn ông ấy được ấm lòng”. Nói rồi mấy mẹ con bà cùng thắp hương khấn vái...
Người nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Giang đang thắp hương và làm thủ tục đưa hài cốt anh về Thái Bình
Mỗi động tác của bà Cháu đều nhẹ nhàng, kính cẩn, hai hàng nước mắt tuôn trào trên đôi gò má. Bà ngồi bên mộ ông thật lâu, vì lần nay bà vào không ở lại như mọi hôm mà ra luôn trong ngày. Bà nói: “Gia đình chưa muốn đưa hài cốt ông về quê, bà muốn để ông ở lại chung vui cùng đồng đội. Còn sau này bà không đi được nữa, con cháu sẽ đưa ông về bên bà”.
Một trường hợp khác cũng gây xúc động không kém, đó là trường hợp của chú Nguyễn Đức Bình (58 tuổi), ở Thụy Hà, Thái Thụy, Thái Bình. Chú Bình là anh con bác của liệt sĩ Nguyễn Văn Giang (SN 1954), hy sinh tại chiến trường Quảng Trị vào ngày 15/8/1972. Liệt sỹ Nguyễn Văn Giang là con thứ ba trong gia đình có năm anh, chị em. Đang học bậc trung học nhưng theo tiếng gọi của quê hương, anh vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, lúc đó anh mới 17 tuổi. Sáu tháng sau, mẹ anh khóc cạn nước mắt khi nhận được giấy báo tử của con trai.
Thực hiện nguyên vọng của người mẹ đã quá cố, mới đây, cả gia đình chú Bình xuất phát từ Thái Bình vào Quảng Trị để bốc hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Văn Giang. Chặng đường quá xa, xe chạy không ngừng nghỉ nên nhìn ai cũng mệt mỏi. Rồi họ đứng trước phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Văn Giang thắp hương, khấn vái rồi làm lễ bốc mộ. Ai cũng rưng rưng nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Nhị, em ruột của liệt sỹ Nguyễn Văn Giang tâm sự: “Tôi lập gia đình ở Vũng Tàu, hiện tại là giáo viên đã nghỉ hưu. Nhà có năm anh em, nhưng hy sinh mất hai người, em Giang đã tìm được mộ còn anh Nguyễn Văn Nhuận, hy sinh tại mặt trận phía Nam, gia đình tôi đã đi nhiều nghĩa trang, đăng tin nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được. Lần này vào đây, gia đình cũng muốn đón anh về nghĩa trang liệt sỹ của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, vừa là thực hiện nguyện vọng của bố mẹ tôi lúc còn sống, vừa muốn đưa anh về an táng tại quê nhà, nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên. Cũng may, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Nhà khách 27/7 và người dân ở đây, chứ nếu không gia đình tôi cũng chẳng biết làm thế nào”.
Tuy cuộc trò chuyện ngắn ngủi, nhưng tôi biết trong lòng chị Nhị không nguôi nỗi đau khi mất đi người em, người anh trong gia đình. Ở cái tuổi gần xế chiều, nhưng trong lòng chị vẫn còn đau đáu về phần mộ của người anh.
Tấm lòng của người dân xứ cát
Không chỉ dành sự ân cần, chu đáo khi đón tiếp thân nhân liệt sỹ, mà ngay cả các đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, thăm mộ phần đồng đội cũng được Nhà khách đón tiếp hết sức trọng thị. Âu đó cũng là cái tình, là tấm lòng của người dân xứ cát Quảng Trị đối với những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự vẹn toàn của Tổ quốc hôm nay.
Trước đài tưởng niệm của Nghĩa trang Đường 9 là đoàn cựu chiến binh của tỉnh Vĩnh Phúc, mọi người đang dâng hương và đặt vòng hoa. Mười tám người xếp thành hàng ngang, đứng trước đài tưởng niệm rồi dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Bác Phùng Văn Toản (SN 1958, cựu chiến binh thuộc Binh đoàn 12), cho biết: “Đoàn các bác đang trên đường vào Huế tham quan, nhưng qua đây thắp cho đồng đội một nén hương. Kể từ khi xuất ngũ, đây là lần thứ hai bác vào viếng thăm Quảng Trị. Lần nào cũng được Nhà khách 27/7 đón tiếp, phục vụ ân cần. Được như thế, những người như các bác cũng thấy ấm lòng. Sau này, bác sẽ còn quay lại đây, nếu điều kiện sức khỏe cho phép”.
Có vô vàn câu chuyện cảm động được lưu giữ trong lòng mỗi thân nhân liệt sỹ, mà mỗi câu chuyện là cả tấm lòng của người còn sống gửi đến các liệt sỹ đã hy sinh. Ở miền đất gió cát giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, người dân Quảng Trị đang làm hết sức mình để đón tiếp những thân nhân, gia đình liệt sĩ đến dừng chân và thắp lên các phần mộ liệt sỹ những nén nhang thơm để linh hồn các anh bớt phần cô quạnh.