Phát biểu trên kênh truyền hình France 24 TV ngày 26/7, ông Jacques Myard cho rằng, lệnh trừng phạt Nga “sẽ chẳng đi tới đâu”, TASS đưa tin. Tuần trước, ông Jacques Myard cùng với đoàn nghị sĩ Pháp đã có chuyến thăm Crimea.
Nghị sĩ Pháp Jacques Myard
Crimea luôn là đất của người Nga kể từ khi nó không còn là một phần lãnh thổ của Đế chế Ottoman, và việc thiếu thiện chí của châu Âu trong việc thừa nhận thực tế này cùng với những lệnh trừng phạt nhằm chống lại Moscow sẽ chẳng đi tới đâu cả, ông Jacques Myard nhận định.
Trong cuộc trò chuyện trên France 24 TV, ông Myard yêu cầu người dẫn chương trình tránh sử dụng thuật ngữ “thôn tính”, “sáp nhập” khi nói đến sự phát triển hiện tại của bán đảo Crimea. Còn nói về chuyến thăm tới Crimea của phái đoàn Pháp do ông Thierry Mariani - nghị sĩ đến từ Đảng Cộng hòa Pháp và là đồng Chủ tịch của Hiệp hội Đối thoại Nga - Pháp - trong hai ngày 23 và 24/7, ông Myard cho biết, phái đoàn Pháp đã được tiếp đón trong một không khí nồng ấm. “Chúng ta thường nói đến một mảnh đất yên tĩnh mà chủ yếu là người nói tiếng Nga sinh sống. Nhưng thật đặc biệt, ở đây chúng tôi thấy chế độ đa ngôn ngữ được sử dụng giữa tiếng Nga, Ukraine và Tatar”.
Nhắc lại sự phát triển của chiến dịch Mùa xuân năm 2014, khi Crimea tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quay trở lại với nước Nga trong bối cảnh cuộc đảo chính tại Ukraine, ông Myard nhận định rằng, cuộc trưng cầu dân ý này là một bước tiến quan trọng. “Những sự phát triển sau cuộc trưng cầu dân ý đã làm cho có thể tránh khỏi bạo động” - ông Myard nói.
Ông Myard cũng cho biết, tình hình ở Crimea nên được phân biệt rõ ràng với tình hình ở Donbass. Trong trường hợp sau, theo lời ông, yếu tố quan trọng nắm ở sự chủ động từ phía Ukraine nhằm thiết lập lại hòa bình trong tình hình xung đột vũ trang. “Cần phải thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk”, ông nhấn mạnh.
Về những lệnh trừng phạt chống lại Nga, theo ông Myard, sẽ chẳng đi tới đâu cả và sẽ bị từ bỏ. Ông cũng kêu gọi chính phủ Pháp phải từ bỏ biện pháp trừng phạt, có thể đơn phương, vì việc mở rộng lệnh trừng phạt đi ngược lại lợi ích của đất nước.