Nghị định 92: Tăng “đề kháng” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong tình hình mới

Trang Nhi| 02/11/2021 13:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị định 92/2021/NĐ-CP (Nghị định 92) được đánh giá là giải pháp thiết thực, kịp thời, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh doanh sản xuất trong tình trạng “bình thường mới”, “thích ứng linh hoạt với dịch bệnh”.

Động lực phục hồi doanh nghiệp hậu COVID-19

Nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch COVID-19 còn hết sức phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu tiếp tục ban hành các giải pháp miễn, giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thu gồm: Giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý 3 và 4 năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

1(1).jpg

Nghị định 92 được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng cao cho các doanh nghiệp phục hồi.

Với Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành), thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Để tồn tại, doanh nghiệp không còn cách nào khác buộc phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, dẫn tới việc doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh. Nghị định 92 của Chính phủ được ban hành rất kịp thời, chính sách cần sớm được triển khai trên cơ sở tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cộng với mức giảm thuế giá trị gia tăng cũng hỗ trợ phần nào chi phí cho doanh nghiệp. Công ty mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này rõ ràng, đồng bộ để việc làm thủ tục nhanh gọn, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian chờ đợi xét duyệt.

Là một trong những đơn vị được nhận hỗ trợ trong đợt này, Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội được giảm 30% tiền thuê đất, giảm thuế GTGT và thuế thu nhập DN với tổng số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng. Đây là động lực để công ty đầu tư cải tiến công nghệ và mở rộng thêm thị trường.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh chia sẻ, Nghị định 92 là một biện pháp rất quan trọng. Việc được miễn giảm thuế giúp cho DN tăng thêm “sức đề kháng” cho các doanh nghiệp. Với dòng tiền được miễn giảm từ chính sách, các DN sẽ ưu tiên đầu tư vào cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa nguồn lực, thích nghi với điều kiện hiện tại và tương lai.

Hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn

Bộ Tài chính mới đây cũng đã có Công văn đề nghị các Bộ và UBND các tỉnh, TP cùng phối hợp hỗ trợ để sớm đưa Nghị định đi vào cuộc sống để hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp khôi phục và về đích thành công trong những tháng cuối năm.

Hiện 63 Cục Thuế trên toàn quốc đang khẩn trương triển khai các công tác nghiệp vụ để chính sách này đến đúng đối tượng được thụ hưởng sớm nhất. Bên cạnh đó, các cục thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và áp dụng chính sách miễn giảm thuế. Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn cụ thể cho các cục thuế về lập hóa đơn về giá trị gia tăng kể từ 1/11/2021 để cho người tiêu dùng, người mua hàng thuộc đối tượng chính sách được giảm được biết.

Nghị định 92 được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng cao cho các doanh nghiệp phục hồi. Bởi chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng.

2.jpg

Cần có thêm những chính sách mạnh hơn, phù hợp hơn hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất hậu COVID-19.

Bên cạnh việc giải pháp miễn, giảm thuế, nhiều chuyên gia đề xuất NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vào cuộc, đối thoại với doanh nghiệp từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh hơn, phù hợp hơn. Chính sách tài khóa “phải vào cuộc”, đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay.

Để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.

Ngoài chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, thủ tục áp dụng cũng cần được thiết kế thật đơn giản, dễ áp dụng, đừng để doanh nghiệp phải cân nhắc giữa số tiền được hỗ trợ với thời gian và công sức mà doanh nghiệp bỏ ra có đáng phải làm hay không.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách, về dài hạn, DN cần phát huy sự năng động, sáng tạo, ứng dụng các hình thức kinh doanh mới, chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng DN cần đồng hành cùng chính quyền, người dân phòng chống dịch hiệu quả để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định 92: Tăng “đề kháng” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong tình hình mới