Ngày 3/11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân chết và mất tích cách nay 20 năm trong trận bão số 5 (tên gọi quốc tế là bão Linda) năm 1997.
Cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 đã quét qua vùng biển và đất liền các tỉnh Nam Bộ, khiến hơn 3.000 người chết và mất tích. Trong đó, Cà Mau là tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất, với 128 người chết, 1.164 người mất tích, chiếm 43% tổng số người chết và mất tích tại các tỉnh Nam Bộ.
Bên cạnh đó, cơn bão đã làm 601 người bị thương; sập và hư hỏng hơn 160.000 căn nhà; chìm và hư hỏng 666 tàu cá; thiệt hại 63.000 ha rừng, 77.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nhiều cơ sở vật chất khác. Tổng giá trị thiệt hại về vật chất tại tỉnh Cà Mau hơn 2.700 tỷ đồng.
Đây là cơn bão lịch sử, lần đầu tiên đổ bộ vào tỉnh Cà Mau và có sức tàn phá dữ dội. Hàng ngàn người dân phút chốc trở thành trắng tay. Cơn bão đi qua đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, mất mát về người, thiệt hại về tài sản, những đau thương, mất mát do cơn bão gây ra là không thể đo đếm được.
Thân nhân nạn nhân bão Linda tham gia buổi lễ tưởng niệm.
Trước những thiệt hại to lớn do cơn bão gây ra, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Trung ương và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh đã tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả, nên chỉ trong một thời gian ngắn, sản xuất đã được khôi phục, sinh hoạt dần trở lại bình thường, tình hình kinh tế - xã hội từng bước ổn định và phát triển.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm nạn nhân bão Linda, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: "Hai mươi năm trôi qua, hồi tưởng lại một sự kiện về thiên tai, chúng ta cùng thắp nén hương lòng, hứa với bà con ngư dân đã ra đi mãi mãi rằng sẽ quyết tâm không để tái diễn thảm cảnh đau thương như năm xưa".
Với bài học đắt giá từ bão số 5 năm 1997 và kinh nghiệm từ các vụ thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tham dự lễ tưởng niệm sau 20 năm, nhiều người vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ về những ngày tháng kinh hoàng trước đây. Những chuyến tàu liên tục chở người tử nạn vào bờ. Dòng người đổ ra cửa biển ngóng người thân, có người đợi hơn 15 ngày vẫn chưa có tin tức.
Đại diện cho hộ dân có người thân tử nạn trong cơn bão số 5 phát biểu tại buỗi lễ, chị Lý Hồng Mận, ở ấp 3, xã Khánh Hội không khỏi bùi ngùi: “Tôi nhớ rất rõ những ngày tháng 11/1997, khi đó bầu trời cứ ảm đạm một màu xám xịt, tất cả dường như ngầm báo một điều nguy hiểm nào đó sắp xảy ra. Rồi bão số 5 ập đến, với sức gió kinh hoàng không những khiến nhà cửa, cây cối hoang tàn, xơ xác mà nó còn cướp đi của chúng tôi những người thân yêu nhất, tất cả đã vĩnh viễn nằm yên ngoài biển khơi lạnh lẽo. Trong đó, có những người đang tuổi xuân thì, đôi mươi, mười tám; để lại nơi đây những “xóm không chồng”; những bà mẹ mất con, những đứa trẻ mồ côi cha cùng những tiếng nấc trong đêm khuya lạnh vắng”. Trong cơn bão số 5, chị Mận không chỉ mất đi người chồng, mà tính cả hai bên nội, ngoại đã có gần 20 người mất tích ngoài biển khơi.
Vượt qua đau thương, mất mát, bà con ngư dân từng bước xây dựng lại nhà cửa, phát triển kinh tế. Nhiều ngư phủ sau khi bình phục lại tiếp tục ra khơi với ý thức phòng tránh thiên tai ngày càng cao hơn. Sau 2 năm, những xóm không chồng ở tỉnh Cà Mau giờ đã bớt hiu hắt hơn. Nhiều niềm vui mới đã về. Cũng từ đây, nhiều lớp ngư phủ mới lại tiếp tục ra khơi, bám biển.