Nghề nuôi dê ở Phú Yên

Sơn Phạm, ảnh: Kim Hoàng| 11/02/2015 21:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào những ngày chuyển giao sang năm Ất Mùi 2015, chúng tôi có dịp về Phú Yên và tìm hiểu mô hình nuôi dê của bà con tại đây.

Với phương châm lấy công làm lãi, mô hình chăn nuôi dê này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con ở vùng quê nghèo.

Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có lợi thế về địa hình khá đa dạng với đồng bằng, đồi núi, cao nguyên, thung lũng xen kẽ nhau, đất đai màu mỡ thích hợp cho việc trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Nơi đây, bà con nuôi các loại gia súc như heo, bò… đặc biệt là dê với mỗi hộ gia đình có từ vài con đến hàng chục con.

Theo quan sát của chúng tôi, người dân ở đây nuôi dê theo hai hình thức chủ yếu là chăn thả và nhốt chuồng. Dê khá dễ nuôi do chúng là động vật ăn tạp, chủ yếu ăn lá cây, cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp như ngô, sắn… Thường ở đâu nuôi cũng được, lại ít bệnh dịch và mắn đẻ nên số lượng đàn dê tăng khá nhanh. Thậm chí, các gia đình ít vốn vẫn có thể gây dựng cho mình cả đàn. Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi dê mang lai rất rõ, như: thịt cung cấp thực phẩm, sữa làm thức uống hoặc phô mai, lông làm quần áo, phân bón cho cây…

Nghề nuôi dê ở Phú YênNghề nuôi dê ở Phú Yên

Dê được nuôi theo hai hình thức chủ yếu là chăn thả và nhốt chuồng

Anh Quy, hộ nuôi dê tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân chia sẻ: “Nuôi dê không khó, không tốn nhiều vốn nên nhiều hộ dân nghèo đã nhân giống từ một con rồi gây thành đàn. Dê tăng trưởng khá nhanh nên chỉ khoảng một năm tuổi là dê cái có thể phối giống và sinh con. Trung bình mỗi năm dê cái sinh được hai lứa, mỗi lứa từ một đến ba con nên mô hình này hiện nay không những được nhiều người dân trong xã lựa chọn mà còn lan sang các xã lân cận khác”.

Cái khó của nuôi dê là việc làm chuồng trại. Chuồng dê đơn giản nhưng phải vững chắc, khô ráo, sạch sẽ, thoát nước tốt, thuận tiện cho việc vệ sinh quét dọn. Do khả năng tăng trưởng của chúng phụ thuộc nhiều vào môi trường sống, chuồng trại thoáng mát và cao ráo để dễ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và quản lý đàn dê tốt hơn.

Trước đây, bà con nuôi dê để lấy thịt và sữa, nhưng vài năm trở lại đây, họ chủ yếu nuôi loại dê thịt, phổ biến nhất là giống địa phương (hay còn gọi là dê cỏ). Dê cỏ hiện chưa có nguồn gốc rõ ràng, chúng có màu lông chủ yếu là đen, vàng nâu hay loang đen, loang trắng, nuôi khoảng 9 - 10 tháng tuổi là có thể bán ra thị trường. Đặc biệt, dê cỏ rất dễ nuôi, thịt chất lượng nên sức tiêu thụ mạnh và bà con chọn nuôi nhiều.

Công việc nuôi dê khá đơn giản, theo chúng tôi quan sát và tìm hiểu, việc nuôi dê chỉ mất công chăn thả chứ không tốn nhiều chi phí. Dê có thể thả quanh khu vực nhà để chúng ăn tự do, cuối ngày lùa nhốt vào chuồng, rất dễ quản lý và theo dõi. Những gia đình không có điều kiện chăn thả, họ nhốt vào chuồng và cho chúng ăn, vì thức ăn cho dê rất đơn giản, không mất nhiều thời gian nên các gia đình có thể tiết kiệm được thời gian để làm nhiều việc khác.

Nghề nuôi dê ở Phú YênNghề nuôi dê ở Phú YênNghề nuôi dê ở Phú Yên

Chăn nuôi dê tại Phú Yên

Không chỉ dừng ở chỗ biết lựa chọn giống dê thích hợp, bà con còn biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chăn nuôi, đặc biệt là biết lai với các giống dê ngoại hay dê Bách Thảo, dê Ấn Độ… nên số lượng và chất lượng đàn dê tăng vọt. Theo anh Quy, giá dê thịt hiện nay dao động khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg, tính ra mỗi con trưởng thành bán ra được khoảng 4 triệu đồng. Gia đình anh mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng từ nuôi dê, do không có chi phí gì nhiều nên lợi nhuận khá lớn, giúp gia đình anh thu nhập ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn. “Cũng như gia đình tôi, bà con nơi đây chắc chắn sẽ có một cái Tết Ất Mùi thật vui và ấm áp”, anh Quy vui vẻ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nuôi dê ở Phú Yên