Với tâm nguyện gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của văn hóa thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã miệt mài hoạt động, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong suốt hơn 40 năm qua.
Bà hiện là người duy nhất của tỉnh Thái Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình nghệ nhân trình diễn tập quán xã hội và tín ngưỡng vào năm 2016.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ, sinh ngày 19/5/1954, tại xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, quê hương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Từ khi còn trẻ, nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ đã say mê tìm hiểu nghệ thuật tín ngưỡng thờ Mẫu. Quá trình tu dưỡng, rèn luyện với sự thành tâm, khát vọng vươn tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành động lực giúp bà vượt lên khó khăn trong cuộc sống để thành công. Bà tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân các sự kiện nghi lễ, tại các đền thờ lớn bằng trách nhiệm và lòng tâm huyết nhiệt thành với cộng đồng.
Trong đó, nổi bật như tham gia Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn lần đầu tiên diễn ra tại Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) năm 2017. Đây là Festival đã quy tụ các nghệ nhân dân gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên khắp cả nước tham dự. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ, hiện là hội viên Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam (Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam).
Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đức Thánh Trần Hưng Đạo” tại Đền Tổ nghiệp nhà Trần, huyện Hưng Hà, bà đã tham gia và có nhiều đóng vào sự thành công cho hội thảo.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu
Là nghệ nhân ưu tú duy nhất của tỉnh Thái Bình được vinh danh trong lĩnh vực thực hành tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ luôn tâm niệm rằng để giữ gìn nét đẹp của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng thì đạo đức của người đồng thầy là điều quan trọng nhất. Người thanh đồng, người làm con của Mẫu phải giữ gìn được đạo đức, để mình tôn vinh được đạo Mẫu không để nó biến dạng, lúc nào cũng phải gìn giữ và bảo tồn.
Trải qua thời gian dài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và nhờ nắm vững nghi lễ, phép tắc thực hành, nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ đã truyền dạy thành công cho nhiều người. Bà luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình nghệ nhân trình diễn tập quán xã hội và tín ngưỡng vào năm 2016
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ chia sẻ: “Khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Đồng thời, sự vinh danh này đã làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Bản thân tôi luôn nhận thức được vai trò của mình là người đồng thầy, phải có trách nhiệm hơn nữa. Luôn dìu dắt, truyền tải, hướng dẫn và truyền dạy cho các đệ tử con hương của mình. Mặc dù tuổi tác ngày một cao nhưng ý chí của mình thì không để cho già được, phải phấn đấu dạy bảo cho các thế hệ về sau”.
Bên cạnh tích cực trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Thị Nhỡ còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện tại địa phương, quyên góp gạo, tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Đặc biệt, bà cùng gia đình còn tích cực tham gia công đức xây dựng, tôn tạo đình, đền, miếu trên địa bàn tỉnh, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử của địa phương. Mọi việc làm của bà đều xuất phát từ lòng từ tâm, hướng thiện với ước nguyện luôn tu tâm, tích đức làm việc có ích cho đời.