Tin địa phương

Nghệ An: Nghiệp đoàn nghề cá - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi

Gia Ân-Mai Giang 19/03/2024 - 14:56

Giúp ngư dân hiểu rõ Luật biển, đoàn kết ngư dân, sát cánh cùng họ khi khó khăn là việc làm mà Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích đã thực hiện trong thời gian qua. Họ chính là điểm tựa để ngư dân mạnh dạn vươn khơi, làm giàu cho gia đình và bảo vệ vùng biển tổ quốc.

Ngư dân Nguyễn Văn Liên- xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh con tàu xa bờ mã lực 540CV của gia đình bị mắc cạn. Vừa mới hạ thủy đúng 8 tháng, bao nhiêu vốn liếng, công sức của cả gia đình tưởng chừng đã bị biển nuốt chửng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin báo, tất cả thành viên Nghiệp đoàn nghề cá của xã với trên 50 người đã tập trung huy động 2 tàu trục vớt.

2(3).jpg
BCH Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Ngọc tặng cơ Tổ quốc và áo phao cho đoàn viên.

Mỗi người một việc, người chằng dây kéo tàu, người lặn biển đặt ống hút nước ra khỏi tàu. Mặc cho trời mưa, giá rét, bằng tinh thần trách nhiệm của mình, chỉ trong một ngày, các thành viên đã trục vớt tàu thành công.

Việc làm ý nghĩa này đã giúp gia đình ngư dân Nguyễn Văn Liên thoát khỏi cảnh trắng tay. Sau đó, tàu đã được tu sửa và đã tiếp tục vươn khơi. Anh Liên cho biết: “ Anh em Nghiệp đoàn ra bốc toàn bộ cá và lưới dạ, dây sang tàu khác rồi cùng các lực lượng chức năng trục vớt tàu. Mặc dù bữa đó mưa to gió rét nhưng anh em nhiệt tình cả ngày lẫn đêm nên đã đưa con tàu về an toàn.”

1(4).jpg
Đoàn viên Nghiệp đoàn ý thức cao hơn trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Việc làm ghi dấu ấn nhất của Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích chính là chuyển đổi nghề cho ngư dân. Nếu như những năm trước, cả xã chỉ có 65 tàu xa bờ, còn lại trên 182 tàu công suất nhỏ. Với hình thức khai thác tận diệt, tàu công suất nhỏ hủy hoại môi sinh thủy sản, năng suất thấp, giá trị không cao. Năm 2014, Nghiệp đoàn nghề cá thành lập như luồng gió mới.

Không chỉ tuyên truyền Luật biển, giúp ngư dân khai thác đúng lãnh hải, Nghiệp đoàn còn vận động ngư dân liên kết, tận dụng các chính sách hỗ trợ của các cấp để chuyển đổi từ tàu công suất nhỏ sang tàu công suất lớn. Đến nay, Diễn Bích là xã có số lượng tàu xa bờ nhiều nhất huyện với 152 chiếc.

Ông Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích cho biết: Sau khi có Nghiệp đoàn nghề cá thì hoạt động đánh bắt trên biển ngày càng trật tự, thực hiện khá tốt các quy định của Luật Thủy sản. Tai nạn xảy ra thì thành viên Nghiệp đoàn tham gia cứu hộ cứu nạn, rồi chia sẻ luồng cá… Nhờ đó mà việc đánh bắt của bà con diễn ra thuận lợi, đạt sản lượng cao hơn”.

3(2).jpg
Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Ngọc thường xuyên gặp gỡ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đoàn viên.

Thực hiện chủ trương thành lập Nghiệp đoàn nghề cá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2022, Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Ngọc được thành lập với 112 đoàn viên.

Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, nghiệp đoàn đã thu hút và kết nạp được gần 300 đoàn viên, tăng hơn gấp đôi so với lúc mới thành lập. Nghiệp đoàn ra đời đã kết nối lực lượng lao động trên biển khoảng 2000 người của xã.

Từ khi tham gia Nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân Vũ Sơn Hải –Diễn Ngọc được khai thác theo tổ, đội, nhờ đó mà được hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khi tìm nguồn cá cũng như những lúc bị sự cố trên biển.

Nhờ đó mà mỗi chuyến ra khơi anh cảm thấy vững tâm hơn. Anh chia sẻ: "Mình có 2 tàu hơn 1000CV, trước đây làm ăn riêng lẻ thì có những bất cập, khó khăn trong khi khai thác trên biển nhưng từ khi vô Nghiệp đoàn thì anh em đoàn viên đoàn kết hơn, nhắc nhở nhau trong tham gia bảo vệ chủ quyền, không đánh bắt trái tuyến và giúp được nhau trong khó khăn hoạn nạn trên biển cũng như ở bờ.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng –Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc cho biết: "Trước kia, bà con thành lập hội nghề cá thì giữa hội viên vào hội nghề cá và không vào hội nghề cá thì không chênh lệch bao nhiêu nhưng khi vào Nghiệp đoàn nghề cá thì Liên đoàn Lao động cũng nhưng chính quyền địa phương có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên. Tạo cho Nghiệp đoàn phát triển, tập hợp được hội viên và mở rất nhiều cuộc họp trao đổi kinh nghiệm đánh bắt, tuyên truyền quy định chống đánh bắt bất hợp pháp….

Huyện Diễn Châu có 2 Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập tại Diễn Bích và Diễn Ngọc với 600 đoàn viên được phân ở 35 tổ khai thác. Các Nghiệp đoàn đều xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, nội dung sinh hoạt; tập trung xây dựng tổ chức nghiệp đoàn, chăm lo đời sống đoàn viên; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khai thác hải sản; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, tình hình thời sự biển, đảo…

Với sự kết nối của Nghiệp đoàn mà từ khi được thành lập đến nay, đoàn viên đã hỗ trợ trục vớt 25 tàu cá mắc cạn. Xây dựng nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng hỗ trợ gia đình ngư dân khó khăn. Thành viên nghiệp đoàn cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn cứu hộ cứu nạn và được trang bị các dụng cụ đảm bảo an toàn khi lao động trên biển…

4(3).jpg
Ngư dân Vũ Sơn Hải vững tâm hơn khi trở thành đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá.

Ông Vũ Duy Từ - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu chia sẻ: “Có thể nói, Nghiệp đoàn nghề cá được xem như “mái nhà chung” đáp ứng được mong mỏi của bà con ngư dân về một tổ chức của riêng mình, không chỉ xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa chủ tàu với người lao động mà còn đại diện cho mình trong các mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng. Diễn Châu có 6 xã thì xã nào có đủ điều kiện thành lập nghiệp đoàn thì chúng tôi tham mưu vận động thành lập và sẽ quan tâm phát triển đoàn viên vì đoàn viên có nhiều thì nghiệp đoàn mới mạnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nghiệp đoàn nghề cá - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi