Nhà sản xuất máy bay quốc doanh của Nga mới đây cho biết, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-75 Checkmate hiện đang ở giai đoạn phát triển cao và bày tỏ sự tự tin về tiềm năng xuất khẩu của nó.
Sergey Korotkov, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC), một đơn vị thuộc nhà sản xuất vũ khí quốc doanh Rostec, cho biết các đơn vị máy bay chiến đấu hạng nhẹ Su-75 Checkmate hiện đang được phát triển ở giai đoạn tiên tiến, theo hãng tin TASS của Nga.
Korotkov chia sẻ: "Chúng tôi có những đối tác nước ngoài đang xem xét việc mua các máy bay chiến đấu trong phân khúc này. Tập đoàn vẫn đang tiếp tục phát triển và chúng tôi nhận thấy thị trường có nhu cầu đối với loại thiết bị như vậy. Chúng tôi đã trình diễn nguyên mẫu, và hiện các bộ phận đã ở giai đoạn phát triển tốt".
Su-75 Checkmate
Su-75 Checkmate là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ tàng hình thế hệ thứ năm, được phát triển bởi Công ty PJSC Sukhoi (thuộc UAC của Rostec).
Lần đầu tiên nó được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không MAKS-2021 ở Nga và ra mắt quốc tế tại Triển lãm Hàng không Dubai 2021 ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, quá trình phát triển Su-75 đã bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề, bao gồm các lệnh trừng phạt quốc tế, thiếu nguồn vốn đầu tư bên ngoài và sự thờ ơ từ các khách hàng tiềm năng.
Dự án ban đầu dự kiến sẽ có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023, nhưng đã bị hoãn đến năm 2025.
Vào tháng 11/2023, Nga tuyên bố đã bắt đầu chuẩn bị nền tảng sản xuất cho Su-75.
Dù Nga thường xuyên khẳng định rằng dự án đang tiến triển tốt, các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng nguyên mẫu đầu tiên sẽ sẵn sàng "trình làng" vào năm 2025.
Đặc điểm kỹ thuật và tiềm năng xuất khẩu
Su-75 Checkmate được thiết kế với công nghệ tiên tiến nhờ vào cấu trúc mô-đun và các tính năng bổ sung.
Máy bay này có tầm hoạt động 3.000 km, tốc độ tối đa đạt Mach 1.8 (gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh).
Theo nhà sản xuất Sukhoi, Su-75 là máy bay đầu tiên được thiết kế hoàn toàn trên siêu máy tính, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí so với phương pháp truyền thống.
Nó được trang bị công nghệ điện tử hiện đại, năng lực chiến đấu theo mạng lưới tiên tiến và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phi công.
Máy bay có khoang chứa vũ khí trong thân để tăng khả năng tàng hình, mang theo tải trọng trên 7 tấn và tấn công đồng thời 6 mục tiêu. Động cơ sử dụng là AL-41F1, giống với Su-57.
Ngoài ra, các phiên bản mới với thiết kế sửa đổi đã được giới thiệu, bao gồm máy bay một chỗ ngồi, huấn luyện hai chỗ ngồi, và phiên bản không người lái.
Nga cũng coi trọng chiến lược hợp tác sản xuất toàn cầu, tương tự như chương trình F-35 của Lockheed Martin.
Theo đó, các quốc gia tham gia sản xuất sẽ vừa trở thành thị trường tiêu thụ, vừa tham gia vào quy trình sản xuất, giúp chia sẻ chi phí và tăng cơ hội xuất khẩu.
Dù dự án đối mặt nhiều thách thức, Su-75 vẫn được kỳ vọng sẽ là một sản phẩm chiến lược của Nga trên thị trường máy bay chiến đấu quốc tế.