Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề, làng bánh chưng Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lại “đỏ lửa” cả ngày lẫn đêm để phục vụ người tiêu dùng.
Nằm bên đường quốc lộ 7B, không khó để tìm về làng gói banh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa, bởi sự thuận tiện trong việc đi lại. Nhưng hơn thế nữa, nơi đây vốn nức tiếng với thương hiệu làng nghề đã có ngót nghét gần 100 năm.
Khác với những ngày thường, những ngày này về nơi đây mới thấy sự tất bật, nhộn nhịp của không khí Tết đang cận kề, khi nhiều gia đình trong làng phải làm không ngơi tay từ sáng sớm đến tối muộn để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán.
Làng nghề Vĩnh Hòa tất bật, nhộn nhịp gói bánh những ngày giáp Tết.
Theo ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng Vĩnh Hòa: “Làng Vĩnh Hòa hiện nay có khoảng 220/372 hộ tham gia gói bánh. Đây là nghề được cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng giúp kinh tế địa phương, gia đình ngày một ổn định và phát triển. Chính vì vậy, năm 2005 làng Vĩnh Hòa đã được công nhận làng nghề chế biến nông sản”.
Để chuẩn bị cho số lượng lớn bánh phục vụ cho như cầu Tết, hiện nay làng Vĩnh Hòa đã chuẩn bị hàng trăm tấn gạo nếp thơm ngon được nhập về từ Lào, Thái Lan, cùng các loại lá chuối, lá dong, thịt mỡ, dưa hành...
Nhìn trong trong làng, sân nhà nào cũng đầy ắp những lá dong được rửa sạch, gạo nếp ngâm, đỗ xanh thơm nức, xoong thùng đã chuẩn bị sẵn sàng lên bếp lửa. Có những nhà gói bánh quy mô lớn thì chỉ trong ba ngày 27, 28, 29 Tết có thể xuất hàng nghìn chiếc.
Sau khi chuẩn bị các vật dụng cần thiết, mỗi gia đình bắt đầu công việc gói bánh từ khoảng 5h sáng. Từ đầu làng đến cuối xóm, già, trẻ, trai gái… đều được phân công những công đoạn khác nhau, để phải làm sao tiến độ công việc được nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo cả về chất lượng lẫn thẩm mỹ.
Mọi công đoạn ngâm nếp, phơi lá, chọn thịt, làm đỗ đều sẵn sàng để gói bánh
Bánh được gói xong là đến công đoạn luộc bánh chín. Bánh được nấu đến khoảng 3 - 4h sáng hôm sau. Sau đó bánh được đưa đi giao bánh đến các cơ sở trong và ngoại tỉnh. Thời gian này cũng là thời điểm các khách mua buôn, khách đến đặt hàng rất đông. Thời gian cao điểm, các lò bánh “đỏ lửa” từ khoảng 22 tháng Chạp đến tận 30 Tết nhưng không hết việc.
Ông Lê Xuân Thủy (51 tuổi) là một trong những hộ làm bánh chưng đầu tiên ở làng Vĩnh Hòa với gần 50 năm làm nghề. Nghề làm bánh chưng đã giúp kinh tế gia đình ông ngày một khá giả. Không những vậy, những hộ duy trì nghề gói bánh còn đang góp phần giữ gìn nghề, tạo sản phẩm hàng hóa mang nét đặc trưng riêng của địa phương.
“Gia đình chúng tôi làm nghề đã lâu, dịp gần Tết có rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tìm đến đặt bánh để tổ chức tất niên, quà biếu nên công việc khá vất vả”, ông Thủy cho hay.
Đang ngồi gói bánh chưng với đôi tay thoăn thoắt, anh Lê Thái Yên (SN 1971) chia sẻ: “Nghề gói bánh chưng ở đây đã có từ lâu đời, mỗi dịp Tết đến chúng tôi tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi”.
Những chiếc bánh chuẩn bị được nấu chín để phục vụ khách hàng gần xa
“Từ ngày 18/12 âm lịch trở đi, 7-8 người trong gia đình tôi phải làm suốt ngày đêm, không có thời gian để nghỉ ngơi. Quân bình mỗi ngày chúng tôi gói được 1.000 - 1.200 chiếc, trị giá khoảng 25 - 30 triệu đồng. Sau khi nấu chín, bánh được đưa đi các thị trường TP Vinh, Hà Nội, Hà Tĩnh tiêu thụ”, anh Yên nói thêm.
Với thâm niên gói bánh chưng gần 40 năm, bà Lưu Thị Bích Viên (SN 1973) chia sẻ thêm: “Bánh chưng Vĩnh Hòa đã nổi tiếng khắp nơi. Bánh ngon hay không quan trọng là cách chọn loại nếp, thịt làm nhân bánh, rồi cách luộc bánh nữa… Thông thường để nấu được một nồi bánh chín, chúng tôi phải mất 7 – 8 tiếng đồng hồ”.
Những lò nấu bánh làng Vĩnh Hòa những ngày này luôn rực ánh lửa hồng, mùi thơm thoang thoảng của những chiếc bánh chưng, bánh tét lan tỏa, làm nên không khí Tết đặc sắc ở làng nghề.