Đảo chè tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) được ví như “Hạ Long trong lòng xứ Nghệ”, với những đồi chè đẹp hoang sơ, ngút ngàn thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại đây còn mang tính chất tự phát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho du khách.
Nắm bắt được lợi thế và thị hiếu của du khách, một số gia đình ở khu vực bến đò đã đầu tư mua thuyền để kinh doanh chở khách ra đảo chè Cầu Cau (thuộc địa phận xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tham quan, chụp ảnh. Hiện có 44 chiếc thuyền có công suất nhỏ hơn 15 CV chuyên chở khách, trong đó có 34 chiếc đã được đăng kiểm.
UBND huyện Thanh Chương đã trình xin được quy hoạch 4 bến thủy nội địa, song chưa được chấp thuận. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn 3 xã Thanh Thủy, Thanh An và Thanh Thịnh xuất hiện hơn chục bến thuyền để vận chuyển chở khách tham quan và tất cả các bến đều chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Đồng thời, các du khách ra đảo chè, không được hướng dẫn mặc áo phao khi ngồi trên đò qua đập, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Giá vé cho người lớn là 50.000đ/người/lượt.
Vào mùa du lịch, có những ngày du khách đến rất đông, có khi đến cả ngàn người, thuyền chở sang đảo chè không xuể. Giá vé mỗi lần lên thuyền là 50.000đ/người lớn, đối với trẻ em thì khoảng 20.000đ/người, trẻ em dưới 6 tuổi không thu tiền.
Đặc biệt, trên diện tích lòng hồ thuộc xã Thanh Thịnh còn xuất hiện một nhà hàng nổi Ba Chiến, hoạt động đã hơn 1 năm nay, chính quyền địa phương cấp xã biết nhưng không đình chỉ, còn chính quyền cấp huyện thì hoàn toàn không biết.
Ông Lương Quảng Ba, chủ nhà hàng nổi Ba Chiến, đồng thời là Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cho biết: “Trước đây, nhà hàng dựng ở chỗ khác, nhưng không phải là điểm dừng nên không có khách. Từ cuối năm 2017, ông Hùng – Phó phòng nông nghiệp huyện cho về dựng trên diện tích chè của gia đình để trông coi chè cho ông ấy luôn. Hiện nay, chúng tôi không thể làm thủ tục đăng ký hợp pháp được, cũng biết là sai nhưng vì tạo công ăn việc làm cho con cháu nên vẫn phải làm”.
Du khách không được hướng dẫn mặc áo phao khi đi tham quan.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Nhà hàng này hoạt động tôi không biết. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các phòng ban chức năng kiểm tra và cho tháo dỡ ngay. Vì đây là khu vực hiện nay không thể đăng kí kinh doanh được, đồng thời hoạt động của nhà hàng sẽ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước”.
Theo ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An chia sẻ: “Xã Thanh An có trách nhiệm quản lý về mặt địa giới hành chính, còn về phương tiện tàu thuyền thì thuộc UBND huyện Thanh Chương. Ở đây gồm 3 xã có nhân dân cùng tham gia vào kinh doanh dịch vụ nên chúng tôi không thể quản lý được. Còn nhà hàng nổi Ba Chiến là thuộc về địa giới xã Thanh Thịnh. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước lại thuộc công ty thủy lợi quản lý. Hồ thủy lợi Cầu Cau có công năng chính là phục vụ tưới tiêu cho 3 xã Thanh Thịnh, Thanh An và Thanh Chi, hoạt động du lịch như thời gian gần đây là do tự phát của người dân trong vùng. Công ty thủy lợi là đơn vị quản lý hồ Cầu Cau đáng lẽ ra phải cấm các phương tiện hoạt động bằng thuyền trong khu vực lòng hồ".
Trước thực tế đó, ngày 06/02/2018, UBND huyện Thanh Chương đã có công văn gửi 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh yêu cầu rà soát các phương tiện đường thủy đang hoạt động tại hồ Cầu Cau. Một số phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, hoặc không có dụng cụ cứu sinh thì phải có phương án chấn chỉnh kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Nhà hàng nổi Ba Chiến hoạt động chui nhưng chính quyền ngó lơ.
Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận cho phép Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 lựa chọn địa điểm, khảo sát lập dự án. Huyện đã hướng dẫn người dân hoàn thiện các điều kiện hoạt động bến thủy nội địa.
Đến nay, một số điều kiện đã thực hiện được nhưng vẫn còn chưa được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa vì chưa có quy hoạch. Huyện Thanh Chương cũng đề nghị Sở giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An cho phép bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa tại hồ Cầu Cau.
Tiềm năng và nhu cầu tham quan du lịch của người dân là chính đáng, việc kinh doanh du thuyền chở khách đi tham quan là hoạt động nên làm. Tuy nhiên, khi chưa đủ điều kiện để hoạt động, những việc làm tự phát trên là vi phạm pháp luật. Chính quyền và cơ quan chức năng cần vận động, tuyên truyền, xử lý vi phạm những chủ phương tiện cố ý hoạt động, tránh sự việc đau lòng xảy ra. Cùng với đó là sớm hoàn tất thủ tục, cấp phép cho bến thuyền được hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.