Ngày xuân vang điệu sắc bùa

Trần Chởi| 12/02/2021 07:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùa xuân gõ cửa cũng là lúc điệu sắc bùa ngân vang trên nhiều thôn làng của huyện Kỳ Anh. Đối với người dân nơi đây, hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới.

anh-1-mot-buoi-tap-luyen-cua-cac-nghe-nhan-va-nguoi-hat-sac-bua.jpg
Buổi tập luyện của các nghệ nhân và đội hát sắc bùa

Về xã Kỳ Hải (Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) những ngày giáp tết mới thấy không khí sắp sửa đón xuân thật rộn ràng, nếu trời cao những cánh én chao nghiêng báo xuân về thì điệu sắc bùa của phường hát trong những buổi tập cũng mang hương vị tết đến.

Khác với nhiều loại hình dân gian khác, hát sắc bùa mỗi năm chỉ diễn ra vào dịp Tết cổ truyền, khi mọi nhà chuẩn bị đón Tết thì cũng chuẩn bị để đón đội hát sắc bùa. Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian, gắn liền trong tiềm thức của mỗi người con Hà Tĩnh nói chung và mảnh đất Kỳ Anh nói riêng. Điệu sắc bùa từ lâu đã trở thành tục lệ sinh hoạt văn hóa làng xã ở miền quê Kỳ Anh nhất vào mỗi độ Tết đến, xuân về.

Hát sắc bùa là loại hình nghệ thuật vừa mang yếu tố tâm linh vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo của người dân lao động Kỳ Anh, ẩn sâu trong từng điệu hát là những lời cầu mong cho mưa thuận gió hòa, vật thịnh người lành, cuộc sống yên vui hạnh phúc, hướng cho con người đến với những điều đẹp đẽ nhất.

Giáp tết, khi cuộc sống đồng áng đã vơi đi. Ngoài việc tất bật sửa soạn nhà cửa, mua sắm vật dụng chào đón xuân về. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị mọi thứ để chờ đón đội sắc bùa đến.

Về xã Kỳ Hải - nơi được ví như cái “nôi” của thể loại sắc bùa - những ngày này mới cảm nhận được sự rộn ràng, háo hức của người dân. Từ đầu các ngõ làng, thôn xóm đâu đâu cũng vang lên các tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng của các buổi tập luyện phường hát sắc bùa.

Cán bộ văn hóa xã cho biết, đội sắc bùa thường có ít nhất 6 đến 12 người, đông thì vài ba chục người gọi là phường Bùa. Trong đội thường có một ông cai sắc, một ông tróc quỹ, một người đánh trống, một người gõ phách, một ông đọc thần chú và những người còn lại có vai trò như đội đồng ca. Ông cai sắc thường là những người nhanh nhẹn, thông hiểu các bài hát chúc mừng và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh gia đình và các đối tượng khác nhau. Phường hát tập trung, luyện tập từ đầu tháng Chạp và bắt đầu hát vào đêm ba mươi cho đến hết tháng Giêng.

Vào đêm 30 tết, sau khi hội tụ tại Đình chùa có thờ các vị thần có công xây dựng quê hương, đất nước. Phường hát sắc bùa bắt đầu đến chúc tết các gia đình. Trên hành trình, đoàn còn thu hút đông đảo người dân đi theo cổ vũ động viên. Đoàn vừa đi vừa hát, đánh trống, thanh la, sinh tiền.

Hồn cốt ở điệu sắc bùa là sự kết hợp giữa nhạc cụ và lời ca. Khi đội sắc bùa đến đầu ngõ vị cái xướng lên: “ Đầu xuân năm mới, trai chúng tôi đến mừng tuổi gia đình. Trên kính lạy tiên tổ, tiên linh phù hộ độ trì cho con cháu được an khang thịnh vượng. Sang năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn. Cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an được bình an…’’. Sau câu xướng, các thành viên trong đội phụ họa theo: “ Đón xuân, đón tết, xóm làng nô nức gia đình thành tâm”. Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, chủ nhà mời đội sắc bùa vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên. Ông cai khấn vái xin phép tổ tiên gia chủ, hai tay nâng lấy lá bùa gián lên cột nhà. Lá bùa có ý nghĩa rằng kính chúc gia chủ bách niên giai lão, phù hộ cho chủ nhà là làm ăn phát đạt.

anh-2doi-hat-sac-bua-trong-mot-buoi-lien-hoan-van-nghe-mung-xuan.jpg
Đội hát sắc bùa trong một buổi giao lưu văn nghệ mừng xuân

Trong điệu hát sắc bùa, phần hát chúc gia chủ sẽ liên quan đến với nghề của họ. Nếu gia chủ làm nông, ông cai xướng hát bài chúc nhà nông với nội dung diễn xướng tùy vào lĩnh vực sản xuất của họ. Cứ như thế những điệu hát, câu chúc hòa lẫn vào nhau tạo nên một làn điệu hấp dẫn và lôi cuốn. Sau khi đoàn hát kết thúc, phường sắc bùa hát lời cảm tạ và đến với gia đình khác.

Có lẽ xuất phát từ thực tế cuộc sống và nhu cầu của xã hội nên các nghệ nhân sắc bùa đã khai sinh ra nhiều điệu hát sắc bùa với nội dung ngày càng phong phú hơn.

Hiện nay xã Kỳ Hải có một CLB hát sắc bùa với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp, thành phần như người già, phụ nữ, học sinh. Để duy trì CLB sắc bùa của xã, nhiều nghệ nhân miệt mài sưu tầm, sáng tác các làn điệu và các “bài tủ” với nhiều nội dung phong phú để phục vụ các dịp lễ, tết, mừng Đảng, mừng xuân, lễ hội.

Rời thôn Nam Hải trong những điệu sắc sùa đang vang lên trong từng ngõ xóm, đó chỉ là tiếng dạo trong những buổi tập thôi những cũng khiến cho lòng người viết bài cảm thấy bình yên đến lạ. Điệu sắc bùa rất đỗi thân quen nhưng lại rạo rực lòng người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân vang điệu sắc bùa