Đã có thời gian, khi nhắc đến Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), người ta liên tưởng đến cung đường của những “ông trùm” ma túy xuyên quốc gia khét tiếng, rồi hệ lụy của “cái chết trắng” trên các bản làng nơi đây. Nhưng giờ đây cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày và bản làng biên cương đang dần khoác lên mình màu sắc của no ấm.
Tươi màu no ấm
Tới ranh giới của Phiêng Cài, đập vào mắt chúng tôi là những vườn chanh leo đang độ mùa thu hoạch. Những người phụ nữ Mông trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi thoăn thoắt hái những trái chín để đóng vào bao rồi vận chuyển ra mặt đường chờ ô tô của thương lái vào mua. Ai cũng tất bật, hối hả vì ngày cuối năm, vì Tết đã cận kề, còn nhiều thứ cần chuẩn bị.
Nhấc bao tải chanh leo vừa đóng lên xe, anh Cháng A Vàng phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 300 gốc trồng năm trước, nay đã thu hoạch được 3 lần. Giá cả tùy từng thời điểm nhưng cũng được gần 20 nghìn đồng/kg. Năm nay, nhà tôi thu cũng được vài chục triệu. Có tiền mua sắm vật dụng gia đình, cho con đi học ngoài huyện và sắm sửa một cái Tết đủ đầy”.
Theo ông Cháng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, những gốc chanh leo đầu tiên được trồng ở đây là do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đưa về từ năm 2016 với hy vọng đây sẽ là loại cây xóa đói giảm nghèo cho bà con. Mới đầu, việc vận động trồng không dễ dàng vì là giống cây mới, bà con chưa biết hiệu quả kinh tế, trong kinh phí đầu tư làm giàn, phân bón khá cao.
Qua trồng thử nghiệm, cây chanh leo phát triển tốt vì khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Sau một thời gian, người dân nhận thấy những hộ trồng chanh leo điều kiện kinh tế khá hơn hẳn nên mọi người đua nhau trồng. Diện tích chanh leo vì thế mà ngày càng được mở rộng. Đến nay, cả bản có 42ha chanh leo đang cho thu hoạch. Nhiều gia đình như ông Cháng Láo Ư, Cháng Láo Dia, Cháng Vạ Đế có từ vài trăm đến cả nghìn gốc chanh leo.
Người dân bản Phiêng Cài và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập kiểm tra chất lượng chanh leo.
Vẫn theo ông Cháng A Tủa, ở Phiêng Cài không chỉ có chanh leo mà còn có cả mận hậu, đào, chè san tuyết, bí xanh, ngô, gừng…. Có người nói vui: “Đất Phiêng Cài không có ngày nghỉ”.
Tháng 1, 2, 3 thời tiết rất lạnh, người dân tranh thủ làm giàn. Tháng 4 đi làm lúa, ngô rồi quay lại chăm cây chanh leo đã có hoa và không quên trồng dặm trồng bí, trồng khoai lang. Đến tháng 9, 10 mọi người lại gieo hạt cải dầu. Cũng bởi vậy mà ngày nào, tháng nào người dân Phiêng Cài cũng có thứ để thu hoạch, bán và có thu nhập.
Ngày mới Phiêng Cài
Đường biên giới chạy qua địa phận bản Phiêng Cài khá dài, từ cột mốc 255 đến 260. Theo Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, thời gian qua, Tổ tự quản đường mốc giới luôn làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Đường biên, cột mốc luôn được duy trì nguyên vẹn, không xảy ra tình trạng vượt biên trái phép. Người dân trong bản luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cũng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là các văn bản về biên giới, quốc gia, nhờ đó mà ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên và có những chuyển biến rõ rệt trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, sự chuyển biến về nhận thức có tác động không nhỏ trong việc chuyển hóa địa bàn.
Những năm trước, Phiêng Cài là một trong những bản khó khăn của Lóng Sập với tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng, đến năm 2021 bản Phiêng Cài chỉ còn 2 hộ nghèo. Xét theo tiêu chí mới của năm 2022, Phiêng Cài có 8 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Tuy ở cách xa trung tâm, nhưng đến nay bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Sơn La tuần tra bảo vệ biên giới.
Trước đây, người Mông trong bản Phiêng Cài thường đưa con lên nương cùng nhưng nay đã đổi khác. Phiêng Cài đã có 1 lớp nhà trẻ, 2 lớp mẫu giáo, cấp tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5, từ lớp 6 mới phải về trung tâm xã Lóng Sập để học tập trung. Điều kiện kinh tế khá nên các gia đình cũng quan tâm tới việc học của con cái hơn.
Không chỉ làm ăn kinh tế, người Phiêng Cài còn xây dựng bản bình yên, 4 năm trở lại đây bản không còn người tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Năm 2021, Phiêng Cài được công nhận chuyển hóa sang địa bàn trong sạch ma túy. Những người sử dụng ma túy đều bị bắt buộc đi cai.
Theo Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, ở Phiêng Cài những người nghiện lại là những người già, tức những người sử dụng ma túy đã lâu năm. Đa số người dân đều chăm chỉ làm ăn, thế nên mọi người đều có thái độ không đồng tình đối với các hành vi sử dụng ma túy hay trộm cắp, kể cả đó là người thân.
“Người dân chăm chỉ làm ăn nên kinh tế của bản Phiêng Cài khá hơn hẳn so với các bản khác. Ngày Tết, bà con đón xuân vui vẻ, tiết kiệm và an toàn. Chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cũng về ăn Tết với bà con, làm các món ăn truyền thống, chơi các trò chơi dân gian. Những việc làm đó càng làm tình quân, dân thêm gắn kết”, Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho biết.