Tin địa phương

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII – 2024: Bản hòa âm đất nước

Thanh Phương 24/02/2024 - 16:24

Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII - 2024 tại Thanh Hóa được trang trọng tổ chức vào ngày 24/2 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa Phạm Duy Phương đã phát biểu khai mạc: Mùa xuân Giáp Thìn, 2024 đang về trên quê hương xứ Thanh anh hùng, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, miền quê “Thanh kỳ khả ái”. Mùa xuân đến dạo rực lòng người, khơi gợi cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho văn nghệ sĩ nói chung và các nhà thơ nói riêng.

vannghe.jpg
Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức bên trong Nhà hát Lam Sơn

Mùa xuân cũng là dịp thuận lợi để các nhà thơ xứ Thanh sáng tạo nên những tác phẩm giá trị, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của xã hội. Đã thành truyền thống từ hơn hai mươi năm, cứ mỗi khi tết đến xuân về, vào dịp Rằm tháng Giêng, Hội Nhà văn Việt Nam cùng với các hội VHNT trong cả nước lại tổ chức Ngày thơ Việt Nam.

Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII, Nguyên tiêu Giáp Thìn - 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Đây là một hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; là ngày hội tôn vinh vẻ đẹp và thành tựu của thi ca Việt Nam.

daibieu.jpg
Các đại biểu về tham dự Ngày thơ Việt Nam

Hơn 20 năm trước, năm 2003, được sự đồng ý của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày Rằm tháng giêng hằng năm làm Ngày thơ Việt Nam. Đó chính là ngày mà mùa xuân năm Mậu Tý - 1948, Bác Hồ kính yêu, nhà thơ lớn của dân tộc đã sáng tác bài thơ Nguyên Tiêu đầy lãng mạn và thấm đẫm thế sự, nhân tình cùng nỗi lòng với Dân, với Nước của Người.

Ngày thơ Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến với công chúng cả nước và bạn bè quốc tế. Qua hơn 20 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam không ngừng được cải tiến để ngày càng sáng tạo hơn, độc đáo hơn, trở thành một sự kiện văn hóa thường niên được đông đảo công chúng đón đợi. Đồng thời, Ngày thơ Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với công chúng yêu thơ.

nghesyth.jpg
Các nhà thơ xứ Thanh trình diễn thơ tại Thanh Hoa thư quán (Công viên Hội An)

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024); hướng tới kỉ niệm 79 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024); khơi dậy trách nhiệm công dân và cảm hứng sáng tạo để góp phần cùng toàn Đảng, toàn Dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đây là dịp thuận lợi để văn nghệ sỹ, trong đó có các nhà thơ chúng ta thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm người nghệ sỹ với quê hương, đất nước và nhân dân.

dauthanhtung.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu tại Ngày thơ Việt Nam

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII sẽ thực sự là một ngày hội để tôn vinh các nhà thơ và các tác phẩm thơ ca; là cầu nối tâm hồn để các văn, nghệ sỹ, các nhà thơ, các bạn yêu thơ xích lại gần nhau hơn; khích lệ, động viên các nhà thơ say mê sáng tác, nuôi dưỡng tâm hồn thơ và cống hiến cho đời, cho công cuộc đổi mới và dựng xây quê hương, đất nước, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định: Thơ ca đích thực làm cho con người sống có nhân cách, có ước mơ, hoài bão, không ngừng hướng đến chân - thiện - mỹ. Thời gian qua, các nhà thơ xứ Thanh đã lao động sáng tạo nghệ thuật với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao.

Nhiều tác phẩm của các nhà thơ được các tầng lớp độc giả đón nhận, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú. Thơ ca đã tham gia tích cực và đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội của quê hương Thanh Hóa.

Hội VHNT, các nhà thơ, văn nghệ sĩ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, sáng tạo nên nhiều tác phẩm chất lượng để khẳng định vị thế, tạo sức lan tỏa, hòa cùng với nền thơ ca, độc giả và Nhân dân cả nước. Mỗi tác phẩm thơ ca phải được khẳng định và ghi nhận trong lĩnh vực văn học nghệ thuật xứ Thanh ở thời kỳ mới; là thông điệp để quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh.

Tại Ngày thơ Việt Nam lần XXII - 2024, có nhiều bài thơ hay ngợi ca Đảng, Bác Hồ, đất nước đổi mới... được các nhà thơ, nghệ sĩ gửi đến công chúng. Bên cạnh những cây bút gạo cội như Văn Đắc, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Kim Khánh, Trương Thị Mầu… Ngày thơ năm nay còn giới thiệu những gương mặt mới như Trịnh Oanh Lan, Phạm Thanh Phương…

Trong buổi chiều, Hội VHNT sẽ tổ chức tọa đàm 100 năm ngày sinh 2 nhà thơ lớn của xứ Thanh là Hà Khang và Minh Hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII – 2024: Bản hòa âm đất nước