Bây giờ Hoa Thị Mua biết, thất bại lớn nhất đời mình là yêu và lấy phải một người chồng ích kỷ, là đặt niềm tin sai người, là có những quyết định sai lầm khi nghe lời có cánh của kẻ “bịp bợm”. Muốn tự mình kiếm tiền để “tự do” yêu bản thân hơn nhưng sóng gió đẩy xô, thổi Mua đến chuỗi ngày tủi nhục nơi xứ người.
Nhìn Hoa Thị Mua (SN 1996, trú xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) của hiện tại ít ai có thể hình dung cô gái ấy đã trải qua những năm tháng sóng gió, đau buồn trong quá khứ. Nỗi đau xác thịt có thể không khiến Mua trưởng thành nhưng nối với nỗi đau tinh thần sẽ là dấu ấn khiến sự trưởng thành của Mua được rõ ràng hơn. Vậy mới có một Hoa Thị Mua sau 6 năm sống khốn khổ ở xứ người, “hồi hương” và tố cáo, buộc những kẻ buôn người đền tội.
Cuộc sống hôn nhân muốn giữ hai chữ “tình yêu” được tròn đôi khi vô cùng đơn giản, chỉ cần quan tâm nhau một chút, thấu hiểu nhau một chút và chịu hy sinh một chút. Đơn giản là vậy, nhưng đâu phải ai cũng làm được, vợ chồng Mua cũng vậy, bởi cái sự thấu hiểu, sẻ chia nó cứ luôn xuất phát từ một phía, phía còn lại chỉ biết nhận lấy coi như đó là điều đương nhiên. Quả nhiên, chưa bao giờ nghĩ cho đối phương, trân trọng những gì đối phương dành cho mình.
Công bằng mà nói, chẳng ai là của riêng ai, cũng chẳng có thứ gì mãi mãi là của nhau. Quy luật cuộc đời vốn là vậy, nếu như không biết trân quý, không biết giữ thì mọi thứ đều có thể biến mất, đối với tình cảm lại càng phải cùng nhau dừng lại bởi sự thấu hiểu, sẻ chia. Vợ chồng Mua chẳng biết có phải chữ duyên chưa tròn hay không mà những ngày hạnh phúc đúng nghĩa vốn không nhiều nay mỗi ngày lại mất đi một ít. Con cũng đã có với nhau vẫn không thể thay đổi được cách sống, cách nghĩ của người chồng người cha, cho nên vợ chồng Mua thường xảy ra mâu thuẫn.
Mua đã sai khi nghĩ “cho yêu thương sẽ nhận hạnh phúc”. Càng nghĩ càng thất vọng, càng thất vọng lại càng buồn chán mỗi lúc nghĩ đến chuyện gia đình. Sau bao đêm trằn trọc, suy tính cuối cùng Mua dừng lại với ý nghĩ về phố làm thuê. Về phố kiếm việc làm, có tiền tự mình làm ra để không phải nghe những lời càm ràm, miệt thị, coi khinh của người bên cạnh. Nhưng về phố kiếm việc gì, sống ở đâu… Mua vẫn chưa biết, cô chỉ đơn giản nghĩ cứ xuống đến thành phố rồi tính tiếp, ai thuê gì làm nấy.
Đang tính ngày để biến suy nghĩ thành hiện thực thì Hoa Thị Mua được một người phụ nữ tên Xơn giới thiệu đi làm công ty ở thành phố Vinh. Vậy là Mua thuận lợi bế theo đứa con nhỏ xuống thành phố Vinh theo kế hoạch dự tính.
Hoa Thị Mua không ngờ ngày cô bế theo con nhỏ bước chân ra khỏi nhà liền bước một bước dài đến 6 năm sau mới quay về. “Do thời điểm đó em và chồng có chút mâu thuẫn, buồn chán nên em bế theo đứa con nhỏ mấy tháng tuổi đi theo Ngọc. Đi một quãng đường thì Cầu đón mẹ con em lên xe ô tô khác. Vì say xe nên em mệt, cứ nằm ngủ li bì, không biết họ đưa đi đâu. Sau mấy ngày ngồi ô tô em mới biết rằng, mình đã bị đưa sang Trung Quốc”, Mua kể lại.
Vì hám lợi các bị cáo đã khiến Mua phải chịu đựng biết bao tủi nhục ở xứ lạ, quê người.
Hành trình bị bán sang xứ người vào tháng 5/2016 của Mua một lần nữa được tái hiện bởi nội dung bản cáo trạng của VKS. Khoảng tháng 5/2016, Lê Thị Ngọc (SN 1988, trú xã Tà Cạ, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) liên lạc với Kha Thị Vân (1982, trú xã Nga My, H. Tương Dương, Nghệ An) thống nhất việc đưa người sang Trung Quốc bán.
Thời điểm đó, Vân đang lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc nên Vân hứa, nếu mỗi phi vụ trót lọt sẽ trả công cho Ngọc 30 triệu đồng/người. Khoảng 10 ngày sau, Ngọc gặp một người giới thiệu Mua đang cần việc làm. Nghe Ngọc đặt vấn đề đi làm công ty ở TP Vinh với mức lương 5-6 triệu đồng, Mua liền gật đầu đồng ý. Theo hứa hẹn, Mua soạn sửa đồ đạc và bế theo đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi đi theo.
Sau khi sắp xếp xong xuôi, Lê Thị Ngọc liên lạc với Lô Văn Cầu (SN 1981, trú xã Xiêng My, huyện Tương Dương, Nghệ An là cậu ruột của Vân, chú ruột của Ngọc) trao đổi và thống nhất việc đưa Mua ra Quảng Ninh để giao cho người đón sang Trung Quốc bán, Ngọc hứa trả công cho Cầu 10 triệu đồng. Sau đó, Ngọc điều khiển xe máy chở Mua và con gái giao cho Cầu bắt xe khách xuống TP Vinh rồi đưa ra Móng Cái, Quảng Ninh. Theo sự hướng dẫn của Ngọc, Cầu giao Mua cho một người đàn ông (không rõ lai lịch) rồi quay về.
Tại Trung Quốc, Vân ra bến xe đón hai mẹ con Mua về nhà chồng ở. Chừng một tháng sau, Vân nhờ một người phụ nữ bán Mua cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 5,5 vạn NDT (tương đương 190 triệu đồng). Trong vụ án này, Vân hưởng lợi 500 NDT (tương đương 1,5 triệu đồng), Cầu hưởng lợi 10 triệu đồng còn Ngọc hưởng lợi 11 triệu đồng.
Tưởng rằng những đau buồn xưa cũ đã được Mua gói ghém kĩ càng nhưng thời khắc nghe vị đại diện VKS công bố nội dung cáo trạng, nhìn thấy 3 bị cáo… tất cả như lại bung bét, bày ra trước mặt cô. Nước mắt chẳng biết từ lúc nào xô nhau trượt xuống má, tim cứ vậy mà như hẫng đi mấy nhịp. Không đau sẽ chẳng nhớ lâu, không đau sẽ không sợ, Mua vì đã trãi qua 6 năm trời đầy tủi nhục, cho nên cái sợ và nỗi đau ấy như sợi dây thừng chỉ cần cựa mình là bị siết chặt.
Ngày 3 bị cáo Lê Thị Ngọc, Kha Thị Vân, Lô Văn Cầu bị đưa ra xét xử về “Mua bán người” cũng là ngày nhiều người biết đến chuỗi ngày tủi nhục của Mua nơi xứ người. Mua kể, khi phát hiện bị đưa sang Trung Quốc, cô đã vô cùng hoảng sợ, khóc hết nước mắt. Mua yêu cầu các đối tượng đưa về nước thì bị ép phải chuộc tiền, nếu không có tiền phải liên lạc với người thân ở Việt Nam gửi tiền sang. Gia cảnh khó khăn lại bị các đối tượng hăm dọa nên Mua cứ vậy mà thả cho đời trôi tuột.
Tại xứ người, Mua bị bán làm vợ cho một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Vì ôm theo con nhỏ từ Việt Nam sang nên Mua phải đưa con về “nhà chồng”, cũng vì lý do này mà mẹ con cô luôn bị làm khó, ghét bỏ. Đặc biệt, sống với người đàn ông này, cô không có con chung cho nên thường bị chồng đánh đập, gia đình đối xử thậm tệ, đồng thời quản thúc chặt. Bởi vì phải sống khổ sở, đau đớn, tủi nhục như vậy nên Mua luôn nuôi ý định bỏ trốn về Việt Nam.
Một mình nuôi con nhỏ nơi đất khách quê người đã vất vả, khổ cực đến ngôn ngữ, văn hóa cũng bất đồng càng khiến cho cuộc sống của Mua ngột ngạt hơn. Càng khổ, càng tủi… Mua lại càng nuôi quyết tâm tìm đường quay về Việt Nam. Sau thời gian dài cam chịu, tháng 5/2021, Mua đã một mình ôm theo đứa con 6 tuổi bỏ trốn về Việt Nam thành công.
Trở về nhà sau thời gian dài bị bán, mối quan hệ giữa Mua với người chồng đầu cũng không còn như xưa cho nên họ đã quyết định dừng lại, đường ai nấy đi. Hôn nhân không vẹn, điều này Mua không níu… nhưng những đau khổ cô đã trãi qua, nhất định phải tìm người đòi lại công bằng.
Ngày 9/3/2022, Mua làm đơn tố cáo hành vi mua bán người của các đối tượng lên cơ quan chức năng. Biết tin Mua có đơn tố cáo mình, một ngày sau Lô Văn Cầu đến Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đầu thú và khai nhận hành vi của mình. Tháng 6/2022, Kha Thị Vân cũng đến cơ quan công an xin đầu thú.
TAND tỉnh Nghệ An đưa 3 bị cáo Lê Thị Ngọc, Kha Thị Vân và Lô Văn Cầu xa xét xử về tội “Mua bán người”. Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, vì hám lợi và do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên đã bàn bạc, thống nhất với nhau đưa người sang Trung Quốc bán. Các bị cáo đều gửi lời xin lỗi bị hại, đồng thời xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về làm việc bồi thường cho bị hại. Sau khi xem xét vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của mỗi bị cáo, Tòa tuyên phạt Lô Văn Cầu mức án 3 năm 6 tháng tù, Kha Thị Vân 5 năm tù và Lê Thị Ngọc 4 năm tù.
Sau hôm nay, Mua sẽ xếp xó những ngày tháng tủi nhục với người “chồng ngoại” bất đắc dĩ ấy để đón lấy hạnh phúc mới. Sau hôm nay, sẽ có một Hoa Thị Mua luôn tỏa ra năng lượng tích cực, luôn tự tìm niềm vui, luôn tạo ra hạnh phúc… Bởi ở đời, những gì đã qua dù có bĩ cực đến đâu đi chăng nữa thì cũng vì cuộc sống hiện tại sẽ chóng vánh lùi về quá khứ mà thôi.
(Tên bị hại đã được thay đổi).