Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Lê Đại - Thái Ngọc| 12/02/2023 18:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/2, tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Quý Mão 2023.

Chương trình Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ Quốc” Xuân Quý Mão 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số ban, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức. Đây là hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Quý Mão năm 2023, nhằm mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu xuân năm mới tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tham dự chương trình có bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

 Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Bà Võ Thị Ánh Xuân Quyền Chủ tịch nước phát biểu tại chương trình Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Phát biểu tại chương trình, bà Võ Thị Ánh Xuân, Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Văn hóa các dân tộc ở nước ta mang tính đặc sắc, riêng có của Việt Nam, vừa thống nhất, vừa đa dạng. Đây là công lao, kết quả sáng tạo, gìn giữ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của 54 dân tộc anh em. Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Tại buổi lễ, Quyền Chủ tịch nước cũng hoan nghênh và biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, bà con các dân tộc đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực bền bỉ duy trì và phát triển hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong suốt 13 năm qua. Sự kiện quan trọng này, cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid - 19. Cùng với đó là góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

 Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại chương trình Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” là ngày hội để đồng bào các dân tộc chia sẻ tình cảm gắn bó keo sơn một nhà, cùng ước vọng về một năm mới may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc đến với cộng đồng 54 dân tộc anh em, nhân dân và du khách, cho đất nước ngày càng phát triển phồn vinh. Với sự đổi mới về hình thức và nội dung qua từng năm, ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của những người thực hành văn hóa, của từng đồng bào dân tộc đối với việc gìn giữu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Giúp củng cố khối đại đoàn kết, đồng thời là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền đất nước” 2023 diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/2 có sự tham gia của khoảng hơn 200 người của 25 cộng đồng dân tộc của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Cùng với hơn 100 đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại làng văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng là các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản… của một số cộng đồng dân tộc.

Đến với ngày hội năm nay, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa, đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước như: Lễ hội Đền, Tháp, chương trình giao lưu “Xuân về trên Đền, Tháp” tại quần thể tháp Chăm; không gian văn hóa phi vật thể Xòe Thái được UNESCO vinh danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các trò chơi dân gian tại không gian văn hóa nhà dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc