Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, TANDTC và VKSNDTC vừa ban hành Thông tư liên tịch số 10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần ổn định tình hình hiện nay.
Từ thực trạng lừa đảo bán hàng qua mạng đến làm giả thẻ ngân hàng
Vừa qua, Công an Tp. Hà Nội đã phá ổ nhóm chuyên làm thẻ ngân hàng giả với số lượng lớn của nhiều ngân hàng khác nhau để rút tiền và mua các loại hàng hóa tiêu dùng có giá trị lớn.
Theo đó, đối tượng là Đinh Văn Long, trú tại số 12 Đỗ Hạnh - Hà Nội khai nhận: Từ nhiều tháng nay, thông qua diễn đàn hacker trên mạng intemet, Long đã lấy được thông tin cá nhân và cách sử dụng thẻ tín dụng của nhiều người ở các nước khác nhau. Sau đó, Long đã dùng những thông tin đó nhập dữ liệu vào thẻ giả và dập tên của đồng bọn ở Việt Nam rồi chuyển cho Lê Trường Xuân, trú tại 44 Mã Mây, Phạm Quỳnh Anh, trú tại 3/91 Linh Quang và Phạm Ngọc Trường Giang, trú tại ngõ 98 Khâm Thiên đi mua hàng hoặc rút tiền mặt. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã làm giả hàng trăm chiếc thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng trong và ngoài nước để hưởng lợi bất chính. Không chỉ làm giả thẻ tín dụng ngân hàng mà đường dây này còn sản xuất nhiều loại thẻ giả các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội nhằm sử dụng vào mục đích khác.
Camera ghi hình đối tượng dùng thẻ ATM giả rút tiền của một ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh
Theo thống kê của ngành ngân hàng, hiện nay, trên toàn quốc đang có 32 triệu thẻ thanh toán được lưu hành do 200 thương hiệu và 49 ngân hàng phát hành, được sử dụng trên 12.000 máy rút tiền tự động và 53.000 thiết bị ngoại vi. Thẻ thanh toán nội địa chiếm 92,5% số lượng, còn lại là thẻ tín dụng quốc tế. Với lượng thẻ dùng nhiều như vậy thì nguy cơ bọn tội phạm lợi dụng đánh cắp mật khẩu, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền là rất cao.
Xử nặng đối với tội làm giả thẻ ngân hàng
Thông tư 10/2012 hướng dẫn cụ thể việc xử lý một số loại tội như: Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông…; Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động mạng máy tính, tin học; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính hoặc truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông; Lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…
Theo đó, tề tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS) thì có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất là 20 năm, Chung thân.
Cụ thể với các hành vi như: Cá nhân không có thẩm quyền sản xuất phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ ngân hàng); Cố ý truy cập bất hợp pháp vào tài khoản người khác mà không được sự đồng ý của người đó; Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng bằng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản làm cho họ tưởng thật và mua, bán đầu tư vào lĩnh vực đó.
Bên cạnh đó, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự cũng bị xử lý theo Điều 226b BLHS.
Tương tự, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (gọi chung là mạng internet) cũng được đề cập đến như: Người có quyền quản trị mạng đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định của mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi đó làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức… có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng và mức phạt tù cao nhất là 7 năm theo Điều 226 BLHS…
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 29-10-2012.
M.Thoa