Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội để hiểu rõ hơn những giải pháp đảm bảo công tác y tế, phòng, chống dịch COVID-19 cho ngày hội lớn của đất nước diễn ra thành công, an toàn.
PV: Ngày 23/5/2021, sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, đây được coi là sự kiện chính trị lớn của cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng. Sở Y tế Hà Nội đã lên kế hoạch và triển khai những hoạt động gì để đáp ứng công tác y tế, phục vụ trước, trong và sau bầu cử, thưa bà ?
Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy , HĐND và UBND Thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã ngay lập tức xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó phân công các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, giám sát vệ sinh chất lượng nước phục vụ bầu cử quốc gia theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn toàn Thành phố, đặc biệt là tại các địa điểm bầu cử.
Việc triển khai thực hiện được giao cụ thể tới các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và căn cứ Kế hoạch của Sở Y tế, các trung tâm sẽ triển khai đối với các xã, phường, thị trấn. Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống... trên địa bàn toàn Thành phố.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi đã bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị để đảm bảo công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Tất cả các bệnh viện trên địa bàn đều duy trì hoạt động 24/24/7 và đều tham gia trực chiến, hỗ trợ y tế trong dịp bầu cử. Đặc biệt vào ngày bầu cử chúng tôi sẽ bố trí tăng quân số trực tại các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo sẵn sàng tham gia hỗ trợ y tế khi có tình huống phát sinh.
PV: Để ứng phó với những tình huống xấu, diễn biến bất ngờ của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kịch bản như thế nào nếu có đại biểu, hoặc cử tri tham gia bầu cử nhiễm COVID-19 ?
Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà: Ngành Y tế Hà Nội là đơn vị thường trực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đơn vị trong đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm tham gia đảm bảo y tế cho các sự kiện lớn của đất nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là vừa qua diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy chúng tôi luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo y tế nói chung và phòng chống dịch COVID-19 nói riêng, cụ thể:
Trong trường hợp có đại biểu, cử tri tham gia bầu cử nhiễm COVID-19, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khoanh vùng, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly tập trung tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh (F1); thực hiện rà soát các trường hợp tiếp xúc với trường hợp tiếp xúc gần (F2), yêu cầu cách ly tại nhà theo quy định. Thực hiện phong tỏa những địa điểm có liên quan tới ca mắc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Khi đó, cơ quan y tế sẽ tham mưu cho các địa phương thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp về phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong quá trình tổ chức bầu cử cho người đang cách ly nhà; bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
PV: Đối với các bệnh nhân nặng đủ điều kiện bầu cử phải ở lại viện trong ngày bầu cử quốc gia, Sở Y tế có chỉ đạo như nào tới các đơn vị, để những bệnh nhân này được tham gia thực hiện quyền công dân của mình thưa bà ?
Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà: Trong kế hoạch đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ bầu cử quốc gia, Sở Y tế đã yêu cầu tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức các hòm phiếu lưu động để đảm bảo quyền lợi của công dân trong việc bầu cử. Việc tổ chức hòm phiếu lưu động sẽ do cơ quan bầu cử địa phương quyết định và chúng tôi sẽ cử lực lượng phối hợp để vừa đảm bảo tính trung thực, công bằng và đảm bảo sức khỏe cho người tham gia bầu cử.
PV: Nhằm giúp ngành Y tế nói chung, cũng như y tế Thủ đô thay đổi diện mạo trong thời gian sắp tới, bà có những kỳ vọng như nào đối với những Đại biểu Quốc hội đại diện cho ngành Y được bầu vào nhiệm kỳ sắp tới?
Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà: Đại biểu Quốc hội là người ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tôi kỳ vọng những Đại biểu Quốc hội đại diện cho ngành Y được bầu vào nhiệm kỳ sắp tới sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình, phát huy vai trò tích cực trong các hoạt động của Quốc hội; đóng góp các ý kiến xác đáng và có giá trị, phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong lĩnh vực y tế nhằm phát triển ngành Y tế Việt Nam theo hướng hiện đại, chăm sóc toàn diện và nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường công tác y tế cơ sở nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, từng bước tạo lòng tin trong nhân dân đối với tuyến y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biết hết sức phức tạp, tôi cũng mong muốn các đại biểu đại diện cho ngành Y tế cũng sẽ góp tiếng nói chung thúc đẩy hoàn thiện các dự án Luật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch, đặc biệt là các y bác sỹ và các lực lượng khác tại tuyến đầu chống dịch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!