Đồng USD yếu là một điều tốt? Ít nhất là như vậy với ngành công nghiệp ô tô Mỹ, khi sức ép cạnh tranh từ xe nhập khẩu giảm đáng kể.
Giá ô tô nhập khẩu tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục của 12 năm qua, do đồng USD giảm giá so với một số ngoại tệ quan trọng, như yên Nhật. Nhờ đó, thị phần của GM và Ford tăng lên.
Theo số liệu của Uỷ ban phân tích kinh tế Mỹ, giá bán trung bình của ô tô mới nhập khẩu vào Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 31.536 USD trong tháng 8, cao hơn 7.614 USD so với giá trung bình của xe sản xuất tại Mỹ. Đây là khoảng cách về giá lớn nhất giữa xe nhập và xe nội địa kể từ tháng 12/1999.
Trước việc xe Toyota Corolla và Honda Civic thiếu nguồn cung, ngày càng nhiều người mua xe tại Mỹ chuyển sang các mẫu xe cạnh tranh là Chevrolet Cruze và Ford Fiesta.
Đồng USD yếu không khuyến khích các nhà sản xuất ô tô như Toyota và Honda nhập khẩu ô tô giá rẻ vào Mỹ, vì tỷ giá lạm nhiều vào lợi nhuận.
Ông Paul Ballew, nhà kinh tế trưởng của công ty bảo hiểm Nationwide Mutual Insurance Co. ở Ohio, Mỹ, cho biết, trong khi thảm hoạ sóng thần ở Nhật làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ô tô của nước này, thì nguồn xe sang, như thương hiệu Audi, dồi dào đã khiến tỷ trọng xe sang trong tổng nhập khẩu ô tô vào Mỹ tăng lên.
“Thời điểm này rất khó nhập ô tô cỡ nhỏ, đặc biệt là từ châu Á, vào Mỹ, vì USD yếu. Nếu nhìn vào doanh số xe sang tại Mỹ trong mấy tháng qua sẽ thấy tốc độ tăng trưởng hai con số so với cách đây một năm, trong khi doanh số xe nhỏ giảm hơn 20%,” ông Ballew cho biết.
Đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau Thế chiến thứ hai - 75,95 yên vào ngày 19/8, và ở mức thấp kỷ lục trong vòng 17 tháng so với đồng euro vào ngày 4/5 (1 euro = 1,494 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2009).
Ảnh hưởng của sóng thần
Thảm hoạ động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3 đã làm gián đoạn sản xuất của nhiều nhà sản xuất ô tô nước này, trong đó có Toyota và Honda. Việc thiếu nguồn cung xe đã khiến Toyota và Honda cắt các chương trình kích cầu và tăng giá cả thoả thuận trong giao dịch - ông Chris Hopson, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS Automotive, cho biết.
Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu của J.D. Power & Associates, GM và Ford đã xoá khoảng cách chất lượng với các đối thủ Nhật Bản.
Hồi tháng 8, xe Honda Civic phiên bản 2012 thậm chí còn bị loại khỏi danh sách các xe mà Consumer Reports khuyên người tiêu dùng “Nên mua”, vì bị “trừ điểm” ở hệ thống phanh, tính năng vận hành và chất lượng nội thất. Trong khi đó, các xe cỡ nhỏ khác như Ford Focus, Chevrolet Cruze và Hyundai Elantra được tạp chí uy tín này khuyên “Nên mua”.
Thị phần của GM tại Mỹ đã tăng 1 điểm phần trăm lên 20% vào cuối tháng 9, còn Ford tăng 0,1 điểm lên 16,7%.
Dịch chuyển sản xuất
Toyota, Honda, và Nissan đang có động thái giảm sản xuất ra khỏi Nhật Bản để chuyển sang nước khác, do đồng yên tăng giá lạm nhiều vào lợi nhuận sản xuất ô tô tại Nhật.
Nissan dự kiến mở một nhà máy lắp ráp mới, với công suất 200.000 xe, tại Brazil vào năm 2014 và tăng đầu tư tại các nhà máy ở Mexico và Thái Lan cho các mẫu xe nhỏ mà tới đây sẽ không còn sản xuất tại Nhật Bản.
“Nếu muốn giữ việc làm, Nhật Bản phải có biện pháp ổn định tỷ giá trở lại bình thường như trước,” ông Carlos Ghosn, CEO của Nissan, cho biết hôm 6/10.
Toyota dự kiến đầu tư 26,3 tỷ yên để xây dựng nhà máy thứ hai tại Indonesia và lập một trung tâm sản xuất cùng một mạng lưới nhà cung cấp ở nước này, nhằm phục vụ một nửa doanh số tại các thị trường mới nổi vào năm 2015.
Honda hôm 5/10 cho biết sẽ giảm xuất xe từ Nhật từ tỷ lệ 34% sản lượng trong nước xuống còn 10%.
“Các nhà sản xuất không thể tiếp tục nhập xe từ châu Á như lâu nay. Trong tương lai sẽ có một số thay đổi về cơ cấu. Các hãng xe sẽ có thêm động lực chuyển sản xuất sang Mỹ,” ông Ballew nhận định.
Theo Autonews